Thời điểm quyết định để đạt lệnh ngừng bắn ở Gaza

.

Các bên đang ở thời điểm quyết định, thích hợp nhất và có thể là cơ hội cuối cùng để chấm dứt xung đột đẫm máu ở dải Gaza.

Người dân Palestine lấy nước sinh hoạt tại điểm cứu trợ ở Deir el-Balah, dải Gaza, vào ngày 19- 8. Ảnh: REX/Shutterstock
Người dân Palestine lấy nước sinh hoạt tại điểm cứu trợ ở Deir el-Balah, dải Gaza, vào ngày 19- 8. Ảnh: REX/Shutterstock

Không giống như lệnh ngừng bắn kéo dài một tuần đã sụp đổ vào cuối tháng 11-2023, lệnh ngừng bắn mà các bên đang hướng đến này sẽ được gia hạn vô thời hạn trong khi các nhà đàm phán làm việc ở giai đoạn tiếp theo, bao gồm vòng trao đổi con tin, tù nhân và việc Israel rút quân.

Trong chuyến thăm Israel ngày 19-8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh, vòng đàm phán lần này có thể là cơ hội cuối cùng để làm trung gian cho lệnh ngừng bắn, trao đổi con tin và tù nhân. Mỹ rất muốn hoàn thành vai trò trung gian hòa giải để chấm dứt xung đột kéo dài 10 tháng này trước khi chuyển trọng tâm sang cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11-2024. “Chúng tôi đang nỗ lực để bảo đảm rằng không có sự leo thang, hành động khiêu khích, hoặc thậm chí là leo thang xung đột đến những nơi khác và với cường độ lớn hơn, làm chệch hướng tiến trình đàm phán”, ông Blinken nói với  The Guardian.

Trong diễn biến tích cực mới nhất, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã đồng ý với “đề xuất bắc cầu” do Mỹ đưa ra để giải quyết những bất đồng cản trở thỏa thuận ngừng bắn và bước quan trọng tiếp theo là chờ Hamas có động thái tương tự. Theo Reuters, trong cuộc gặp Ngoại trưởng Blinken ngày 19-8, Thủ tướng Netanyahu cho biết, bản thân đang tìm cách giải thoát số lượng tối đa con tin còn sống với khoảng 109 người đang bị giam giữ ở Gaza trong giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận ngừng bắn được đề xuất với Hamas. Ông Netanyahu cũng có kế hoạch cử nhóm đàm phán tới Ai Cập trong tuần này để tiến hành vòng đàm phán mới về lệnh ngừng bắn và trao đổi tù nhân. Bên cạnh đó, Mỹ và Israel đang làm việc hướng tới kế hoạch tiêm vắc-xin bại liệt cho người Palestine ở Gaza sau khi vùng lãnh thổ bị bao vây này báo cáo trường hợp đầu tiên mắc căn bệnh này sau 25 năm.

Dự kiến, sau Israel, Ngoại trưởng Blinken sẽ tới Ai Cập và Qatar để thảo luận một số vấn đề quan trọng khác, đặc biệt là việc quân đội Israel rút lui như thế nào và từ đâu. Quyền kiểm soát hành lang Philadelphia (còn gọi là Salah El-Din) nằm dọc biên giới Gaza và Ai Cập là một khúc mắc giữa các bên. Đây là nơi mà Israel đang muốn kiểm soát, trong khi Hamas và Ai Cập gọi việc Israel khăng khăng duy trì sự hiện diện quân đội tại đây là “lằn ranh đỏ”, còn Mỹ đề xuất sự hiện diện của quốc tế. Al-Qahera News dẫn nguồn tin cấp cao của Ai Cập cho biết, nước này tái khẳng định lập trường kiên định trong việc yêu cầu Israel phải rút quân hoàn toàn khỏi cửa khẩu Rafah và hành lang Philadelphia. Ai Cập cũng bác bỏ mọi đề xuất của Israel về việc phối hợp giữa hai nước về quản lý cửa khẩu Rafah, nhấn mạnh rằng cửa khẩu này phải do chính quyền Ai Cập và Palestine quản lý. Cairo tiếp tục kêu gọi Israel mở cửa khẩu Rafah và mọi cửa khẩu khác nối với Gaza để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động viện trợ nhân đạo trong bối cảnh tình trạng đói kém ngày càng trầm trọng ở dải đất ven Địa Trung Hải đang bị phong tỏa này. Hiện chỉ 11% tổng diện tích của Gaza được coi là “an toàn” dù Israel đã ném bom các vùng nhân đạo nhiều lần.

Các cuộc thảo luận nói trên về cách thức thực hiện thỏa thuận nhằm tạo điều kiện để các quan chức cấp cao của các bên tái nhóm họp ở Cairo (Ai Cập) với mục tiêu ký kết thỏa thuận vào cuối tuần. Trong khi đó, Hamas đến nay vẫn không tham gia cuộc đàm phán quan trọng sắp tới mà thay vào đó cập nhật các diễn biến đàm phán từ các nhà hòa giải Qatar và Ai Cập. Hamas cho rằng, “đề xuất bắc cầu của Mỹ” thiên vị Israel, đồng thời cáo buộc Israel đang sử dụng chiến lược “câu giờ” và kéo dài xung đột. Trong diễn biến mới nhất, lữ đoàn Ezzedeen Al-Qassam - nhánh vũ trang của Hamas và phong trào Hồi giáo Jihad tuyên bố đứng sau vụ đánh bom liều chết gần giáo đường Do Thái tại thành phố Tel Aviv (Israel) vào đêm 18-8, vụ việc mà giới chức Israel chỉ trích là hành hộng tấn công khủng bố. Điều đáng lo ngại là hai nhóm này cảnh báo tiếp tục tiến hành các vụ việc tương tự chừng nào Israel còn tiếp tục các chính sách di tản, các vụ ám sát, tấn công gây nhiều thương vong ở dải Gaza.

Thêm nhiều hãng hàng không ngừng bay qua Trung Đông
Do quan ngại ngày càng tăng về nguy cơ xung đột leo thang tại Trung Đông, tiếp tục có thêm nhiều hãng hàng không quốc tế có động thái bảo đảm an toàn bay. Ngày 19-8, tập đoàn hàng không Lufthansa (Đức) thông báo gia hạn tạm ngừng khai thác tất cả chuyến bay tới 5 điểm đến ở Trung Đông cho tới ngày 26-8, bao gồm Tel Aviv (Israel), Tehran (Iran), Beirut (Liban), Amman (Jordan) và Erbil (Iraq). Lufthansa cũng sẽ tiếp tục tránh bay qua không phận Iran và Iraq. Nhiều hãng hàng không khác cũng có động thái tương tự. Delta Air Lines (Mỹ) gia hạn thời gian tạm dừng các chuyến bay giữa thành phố New York và Tel Aviv (Israel )cho đến ngày 31-8. Tập đoàn hàng không Pháp-Hà Lan Air France - KLM hủy tất cả chuyến bay đến và đi từ Tel Aviv cho đến ngày 26-10. Ngoài ra, các hãng như EasyJet (Anh), ITA Airways (Ý), Cathay Pacific có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc), Air India (Ấn Độ)... cũng thông báo điều chỉnh kế hoạch bay vì lý do tương tự.

THƯ LÊ 

;
;
.
.
.
.
.