Thủ tướng Thái Lan bị bãi nhiệm

.

Ngày 14-8, Tòa án Hiến pháp Thái Lan ra phán quyết bãi nhiệm Thủ tướng Srettha Thavisin vì vi phạm Hiến pháp trong việc bổ nhiệm nhân sự nội các, làm dấy lên lo ngại thêm bất ổn dai dẳng trên chính trường nước này.

Bước ngoặt trên chính trường

Theo Bangkok Post, với phán quyết trên, ông Srettha (61 tuổi) trở thành thủ tướng thứ tư của Thái Lan trong vòng 16 năm bị bãi nhiệm theo phán quyết của Tòa án Hiến pháp. Trước đó, tháng 5-2024, Tòa án Hiến pháp chấp nhận đơn kiện của một nhóm Thượng nghị sĩ tạm quyền đề nghị xem xét liệu ông Srettha và ông Pichit Chuenban - người được ông Srettha bổ nhiệm vào vị trí Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng trong đợt cải tổ nội các cuối tháng 4-2024 - có nên bị cách chức theo quy định của Hiến pháp liên quan đạo đức của các bộ trưởng nội các hay không.

Ông Pichit có quan hệ thân thiết với ông Srettha và từng ngồi tù 6 tháng vì cáo buộc liên quan đến tham nhũng. Sau khi các thượng nghị sĩ đệ đơn kiện, ông Pichit tuyên bố rời nội các vào tháng 5-2024 để bảo vệ Thủ tướng. Trong khi đó ông Srettha giải thích rằng, do xuất phát là doanh nhân nên ông không nắm rõ tất cả quy tắc chi phối bổ nhiệm bộ trưởng, song khẳng định ông Pichit trải qua quá trình thẩm tra lý lịch kỹ lưỡng.

Việc ông Srettha rời nhiệm sở sau chưa đầy một năm nắm quyền đặt dấu chấm hết cho những hoài bão vực dậy nền kinh tế đất nước của ông. Thực tế, chỉ trong thời gian ngắn trên cương vị thủ tướng, ông Srettha thúc đẩy hiệu quả tinh thần ngoại giao kinh tế chủ động trong các môi trường làm việc và nhiều diễn đàn khác nhau.

Trong những dịp đăng đàn, ông đều bày tỏ với các công ty nước ngoài cũng như những nhà đầu tư lớn về các mơ ước tham vọng của ông khi muốn đưa Thái Lan trở thành trung tâm của khu vực về công nghệ hiện đại và sản xuất giá trị cao.

Phán quyết trên của tòa án đánh dấu bước ngoặt mới trên chính trường Thái Lan khi Quốc hội sẽ phải triệu tập để chọn thủ tướng mới giữa lúc nhiều biến động trong hai thập niên qua bởi các cuộc đảo chính và cạnh tranh giữa các đảng phái chính trị.

Việc chuyển nội các hiện nay thành chính phủ tạm quyền hoặc thành lập ngay chính phủ mới đều đòi hỏi nhiều thời gian đàm phán và gây gián đoạn trong điều hành đất nước, ảnh hưởng đến nhiều mặt xã hội và kinh tế. Tuần trước, Tòa án Hiến pháp Thái Lan ra phán quyết giải tán đảng Tiến bước - đảng đối lập có đông nghị sĩ nhất tại Hạ viện - vì vi phạm Hiến pháp khi đề xuất sửa đổi luật chống phỉ báng Hoàng gia.

Ngoài phiên tòa quan trọng kể trên, theo Bangkok Post, Thủ tướng Srettha còn bị Ủy ban Hạ viện về phát triển chính trị, truyền thông đại chúng và tham gia công chúng yêu cầu giải thích về việc chính phủ ông không thông qua đúng thời hạn 16 dự luật liên quan đến tài chính.

Sự trở lại của nhà Shinawatra?

Phán quyết nói trên cũng là phép thử cho thỏa thuận vốn mong manh giữa phe của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đầy quyền lực và đối thủ của ông trong giới tinh hoa bảo thủ. Sự hòa hoãn đó từng giúp tỷ phú Shinawatra trở về Thái Lan sau 15 năm sống lưu vong và đưa đồng minh Srettha trở thành thủ tướng.

Reuters dẫn nhận định của một số chuyên gia chính trị cho biết, có khả năng đảng Pheu Thai vẫn duy trì tầm ảnh hưởng để lãnh đạo chính quyền tiếp theo. “Liên minh vẫn đoàn kết. Có thể có một số tác động đến lòng tin, nhưng điều đó sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn”, chuyên gia Olarn Thinbangtieo về khoa học chính trị và luật của Đại học Burapha (Thái Lan) cho biết.

Bà Paetongtarn Shinawatra (37 tuổi), lãnh đạo đảng Pheu Thai và là con gái của ông Thaksin, nằm trong số các lựa chọn ứng viên thủ tướng tiếp theo của đảng này. Nếu thành công, bà sẽ là thủ tướng xuất thân từ gia tộc Shinawatra thứ ba của Thái Lan, sau ông Thaksin và em gái Yingluck Shinawatra.

Các ứng cử viên tiềm năng khác bao gồm Bộ trưởng Nội vụ Anutin Charnvirakul, Bộ trưởng Năng lượng Pirapan Salirathavibhaga và Prawit Wongsuwan, một cựu chỉ huy quân đội từng tham gia vào hai cuộc đảo chính gần đây nhất.

Phán quyết của tòa án được đưa ra vào thời điểm khó khăn đối với nền kinh tế Thái Lan khi Chính phủ nước này ước tính tăng trưởng chỉ đạt mức 2,7% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực.

Thái Lan cũng là thị trường có hiệu suất kém nhất châu Á, với chỉ số chứng khoán chính giảm khoảng 17% từ đầu năm đến nay.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.