Trung Quốc tăng cường hợp tác với Nga, Belarus

.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường có chuyến thăm Nga và Belarus từ ngày 20 đến 23-8. Đây là cơ hội quan trọng để Trung Quốc làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác với hai nước này trong bối cảnh sức ép từ phương Tây ngày càng tăng.

Theo Global Times, trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 19-8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết, năm 2024 đánh dấu kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung Quốc-Nga, cũng như sự khởi đầu của Năm văn hóa Trung Quốc - Nga. Dưới sự chỉ đạo chiến lược của lãnh đạo hai nước, mối quan hệ bền chặt này đã loại bỏ sự can nhiễu từ bên ngoài và duy trì đà phát triển lành mạnh, ổn định.

Trong chuyến thăm Nga, Thủ tướng Lý Cường sẽ dự cuộc gặp thường kỳ lần thứ 29 giữa những người đứng đầu Chính phủ Trung Quốc và Nga để trao đổi sâu sắc quan điểm về quan hệ song phương, hợp tác thực tế và các vấn đề quan trọng mà hai bên cùng quan tâm. Đây là cuộc gặp thường kỳ giữa những người đứng đầu chính phủ hai nước, được tổ chức hằng năm kể từ năm 1996, là cơ chế quan trọng để thực hiện sự đồng thuận mà lãnh đạo hai nước đã đạt được và thúc đẩy hợp tác song phương, trao đổi nhân đạo. Về quan hệ Trung Quốc - Belarus, bà Mao Ninh cho biết, hai nước là đối tác chiến lược toàn diện trong mọi hoàn cảnh. Trong những năm gần đây, mối quan hệ này duy trì đà phát triển ổn định bất chấp tình hình khu vực và thế giới diễn biến khó lường. Tin cậy chính trị liên tục được củng cố, hợp tác xây dựng “Vành đai và Con đường” mang lại nhiều kết quả khả quan. Trong chuyến thăm này, Thủ tướng Lý Cường sẽ hội đàm với người đồng cấp Belarus Roman Golovchenko, tập trung thảo luận quan hệ hợp tác ở các lĩnh vực.

Theo RBC, chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc và Nga đang tăng cường hợp tác kinh tế và ngoại giao, nhất là sau cuộc gặp thượng đỉnh vào tháng 5-2024 tạo “xung lực” mới cho quan hệ song phương. Do vậy, cuộc hội đàm sắp tới giữa Thủ tướng Trung Quốc - Nga là dịp quan trọng để hai bên cùng đánh giá, xem xét lộ trình thực hiện các thỏa thuận mà lãnh đạo hai nước đạt được trước đó, chỉ ra những mặt hạn chế và đề xuất giải pháp thích ứng.

Theo Izvestia, trước hết là tình trạng nhiều tổ chức tài chính, ngân hàng của Trung Quốc từ chối hợp tác với doanh nghiệp Nga vốn bắt đầu xuất hiện từ cuối năm 2023 và với số lượng ngày càng tăng, ảnh hưởng hoạt động giao thương giữa hai nước và khiến giá cả leo thang. Xu hướng này xuất hiện khi cuối năm 2023, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ký sắc lệnh về biện pháp trừng phạt thứ cấp, gồm các ngân hàng nước ngoài hỗ trợ giao dịch cho các thực thể trong danh sách bị cấm vận và cung cấp cho ngành công nghiệp quốc phòng Nga.

Ngoài ra, thúc đẩy hợp tác năng lượng cũng sẽ là nội dung chính trong chương trình nghị sự. Dù đang là bạn hàng quen thuộc của nhau nhưng hai nước chưa thống nhất về giá cả và lượng khí đốt mà Bắc Kinh dự định mua từ Moscow liên quan đường ống dẫn khí Sức mạnh Siberia 2. Theo đó, Trung Quốc dự định trả tiền khí đốt được cung cấp thông qua hệ thống này với mức giá ngang bằng giá nhiên liệu trong nước ở Nga, dù mức giá này đang được giữ ở mức thấp nhờ trợ cấp của chính phủ. Ngoài ra, Bắc Kinh chỉ muốn mua một phần nhỏ trong tổng công suất 50 tỷ m3 hằng năm theo dự kiến.

Trong khi đó, Global Times đặc biệt chú ý bối cảnh chuyến thăm Belarus của Thủ tướng Lý Cường khi nước này vừa trở thành thành viên thứ 10 của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tháng 7-2024, càng củng cố quan hệ hợp tác song phương. Trung Quốc cần vai trò của Belarus là một trong những nước đầu tiên gia nhập chiến lược “Vành đai và Con đường”, đồng thời cũng là thành viên lâu năm của tổ chức Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) vốn đã ký với Trung Quốc thỏa thuận thương mại tự do. Nhờ các mối liên kết này, Trung Quốc có thể xem Belarus như trạm trung chuyển hàng hóa để tiến vào thị trường châu Âu. Trong khi đó, trong bối cảnh phương Tây đang siết chặt cấm vận, Belarus đánh giá cao vai trò của Trung Quốc như đối tác thương mại - đầu tư chủ lực, bên cạnh Nga là “chỗ dựa” về chính trị và quân sự.

Trong bối cảnh Mỹ tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp nhằm kiềm chế Nga, Trung Quốc và Belarus, chuyến thăm Nga và Belarus của Thủ tướng Lý Cường mang ý nghĩa chính trị quan trọng, truyền tải thông điệp khẳng định sự liên kết chặt chẽ giữa Trung Quốc - Nga - Belarus bất chấp sức ép không ngừng gia tăng từ phương Tây.

HÙNG LÂM

;
;
.
.
.
.
.