Xung đột giữa Israel và Hamas, Hezbollah trước bước ngoặt mới

.

Chỉ một ngày sau khi Israel thông báo đã tổ chức tấn công và tiêu diệt chỉ huy của lực lượng Hezbollah tại Beirut (Lebanon), Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cho biết, ông Ismail Haniyeh, thủ lĩnh chính trị của Hamas, cũng vừa bị ám sát tại Iran ngày 31-7.

Ông Ismail Haniyeh (giữa) có mặt tại Tehran ngày 30-7 để dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Iran. Ảnh: AP
Ông Ismail Haniyeh (giữa) có mặt tại Tehran ngày 30-7 để dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Iran. Ảnh: AP

The Washington Post dẫn thông báo của lực lượng Hamas cho biết, ông Ismail Haniyeh, người lãnh đạo Hamas tại dải Gaza trong hơn một thập niên qua, bị ám sát ngay tại nơi lưu trú sau khi tham dự lễ tuyên thệ nhậm chức của tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian.

Các nước lên án vụ ám sát

Theo CNN, dù đến nay chưa có nhóm nào chịu trách nhiệm về vụ ám sát ông Haniyeh, nhưng Hamas cáo buộc Israel là bên đứng sau vụ việc khi liên kết sự việc với chiến dịch vẫn đang diễn ra của Israel nhắm vào các thủ lĩnh Hamas kể từ sau cuộc tấn công của Hamas vào lãnh thổ Israel ngày 7-10-2023. Đây là vụ ám sát nhằm vào lãnh đạo cấp cao nhất của Hamas kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột.

Trước đó, ngày 30-7, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) cho biết, họ tổ chức đợt tấn công ngoại ô Beirut (Lebanon) và tiêu diệt một chỉ huy cao cấp của lực lượng Hezbollah tên là Fouad Shukr (còn gọi là Al-Hajj Mohsen). Theo IDF, Fouad Shukr chính là người chỉ đạo cuộc tấn công nhắm vào một ngôi làng ở Majdal Shams thuộc Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát vào ngày 27-7, khiến 12 trẻ em thiệt mạng. Sau vụ việc, Bộ trưởng Quốc phòng Israel, ông Yoav Gallant cho rằng Hezbollah đã “vượt quá lằn ranh đỏ”, dù Hezbollah tuyên bố họ không liên quan đến vụ tấn công. Cuộc tấn công của Israel vào Beirut diễn ra khi thủ lĩnh cấp cao của các nhóm chiến binh trong khu vực đang có mặt tại Tehran để dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian vào ngày 30-7 và ông Haniyeh đã bị ám sát tại nơi lưu trú vào ngày 31-7.

Trong khi đó, New York Times dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani, lên án mạnh mẽ vụ tấn công của Israel tại Beirut và cho rằng đây là “sự vi phạm rõ ràng chủ quyền của Lebanon”. Ông cảnh báo Hezbollah và Lebanon có quyền trả đũa Israel và Iran sẽ buộc Israel và Mỹ phải chịu trách nhiệm về một cuộc chiến tranh khu vực rộng lớn hơn. Mối đe dọa về một cuộc chiến như thế có thể khiến tân Tổng thống Iran Pezeshkian phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình. Iran lâu nay tỏ ra rất thận trọng để tránh việc tham gia trực tiếp vào một cuộc chiến toàn diện.

Theo AFPReuters, ngày 31-7, Nga và Trung Quốc lên án vụ ám sát ông Ismail Haniyeh. Phát biểu với hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov nêu rõ, đây là một vụ ám sát chính trị hoàn toàn không thể chấp nhận được và điều này sẽ khiến căng thẳng leo thang hơn nữa. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố kiên quyết phản đối vụ ám sát thủ lĩnh Hamas. Bắc Kinh cảnh báo rằng vụ việc này có thể gây ra sự bất ổn nghiêm trọng hơn trong khu vực.

Theo GeoPolitical Monitor, các chuyên gia chỉ ra một số kịch bản tiềm năng về quỹ đạo của xung đột. Một khả năng là Hezbollah sẽ chọn cách kiềm chế các phản ứng để tránh kích động cuộc chiến tranh toàn diện vì tình hình kinh tế khó khăn của Lebanon và nguy cơ có thể gây ra hậu quả nhân đạo thảm khốc. Nhưng ở khả năng khác, một tính toán sai lầm hoặc hành động khiêu khích có thể gây ra cuộc đối đầu toàn diện. Trong kịch bản đó, cả hai bên có thể sẽ chịu tổn thất nặng nề và xung đột có thể leo thang với sự tham gia của các bên khác trong khu vực, bao gồm cả IRGC. Bên cạnh đó, cũng sẽ không thể loại trừ khả năng sử dụng vũ khí tiên tiến, bao gồm cả vũ khí hóa học.

Nguy cơ leo thang bạo lực

Cuộc xung đột Israel - Hezbollah leo thang đáng kể trong những ngày qua với khả năng xảy ra bạo lực tiếp theo đã gây báo động khắp khu vực. Theo Al Jazeera, nếu xung đột leo thang thành cuộc chiến toàn diện, hậu quả sẽ rất thảm khốc đối với cả Israel và Lebanon. Giới phân tích dự đoán hậu quả sẽ có nhiều thương vong dân sự, nhiều người phải di tản và cơ sở hạ tầng bị phá hủy. Tình hình nhân đạo ở Lebanon vốn đã bấp bênh do bất ổn kinh tế và sự hiện diện của người tị nạn Syria, có thể còn xấu đi hơn nữa, dẫn đến cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng.

Hơn nữa, cuộc đối đầu toàn diện giữa hai bên có thể thu hút sự tham gia của các chủ thể khác trong khu vực, gồm cả Iran vốn từng ủng hộ Hezbollah trong lịch sử. Điều này sẽ dẫn đến hiệu ứng lan rộng, gây ra xung đột ở các nước láng giềng như Syria và Iraq. Nguy cơ xảy ra cuộc chiến khu vực rộng lớn hơn, đặc biệt đáng lo ngại khi xét tới khả năng quân sự của Hezbollah, vốn có tiềm lực tương đương với quân đội của một nước và cả trạng thái sẵn sàng tham gia đối đầu trực tiếp với Israel.

Xung đột giữa Israel và Hezbollah có mối liên hệ sâu sắc với những gì đang diễn ra tại Gaza, nơi các hoạt động quân sự của Israel gây thương vong đáng kể cho người Palestine. Hezbollah tuyên bố hành động của họ có liên quan chặt chẽ đến những diễn biến ở Gaza, cho thấy họ sẽ tiếp tục hành động cho đến khi Israel ngừng tấn công ở đó. Mối liên hệ này làm tình hình thêm phức tạp, vì bất cứ giải pháp nào ở Gaza đều có thể ảnh hưởng đến chiến lược và việc Hezbollah sẵn sàng tham gia xung đột với Israel.

Theo Iranintl, phản ứng của cộng đồng quốc tế lúc này là rất quan trọng. Trong khi Mỹ bày tỏ sự ủng hộ quyền tự vệ của Israel, các nước như Pháp, Đức liên tục kêu gọi kiềm chế và nhấn mạnh sự cần thiết phải can thiệp ngoại giao để ngăn chặn xung đột lan rộng hơn. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Iran và các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực đặt ra thách thức đáng kể trong việc đạt giải pháp hòa bình.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.