Ý tưởng tác động tương lai khối Schengen

.

Ở Đức, cuộc tranh luận nổ ra gần đây về sự cần thiết phải kiểm soát biên giới liên tục, chặt chẽ, như giải pháp của cuộc chiến chống di cư bất hợp pháp. Tuy nhiên, đề xuất này đặt ra mối lo đối với tương lai của Hiệp ước Schegen.

Theo AP, đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU), được sự ủng hộ của đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz trong liên minh cầm quyền, gần đây đề xuất thảo luận việc áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới trên cơ sở lâu dài. Đề xuất này được đưa ra sau khi các biện pháp kiểm soát biên giới tạm thời giúp giảm tình trạng di cư bất hợp pháp ở Đức.

Theo dữ liệu từ Cảnh sát liên bang Đức, trong nửa đầu năm 2024, số lượng người nhập cảnh trái phép vào Đức giảm 6,6% so với cùng kỳ năm 2023, xuống còn khoảng 42.000 người. Tuy nhiên, Đức vẫn là một trong những điểm đến di cư phổ biến nhất ở khu vực. Theo Cơ quan Tị nạn Liên minh châu Âu (EUAA), năm 2023, gần một phần ba số đơn xin tị nạn ở các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) nộp cho Đức. CDU, đảng chính trị đã khởi xướng việc áp dụng kiểm tra biên giới với Ba Lan, Cộng hòa Czech và Thụy Sĩ, đang kêu gọi áp dụng kiểm tra thường xuyên ở tất cả biên giới quốc gia. Lãnh đạo CDU, ông Friedrich Merz cho biết, biện pháp này có thể giúp bảo đảm môi trường an ninh quốc gia tốt hơn.

Tuy nhiên, Euractiv lưu ý, việc các đảng chính trị lớn ở Đức, một trong những quốc gia giữ vai trò, vị thế đầu tàu của châu Âu, đề xuất kiểm soát chặt chẽ biên giới, sẽ gây ra những phản ứng trái chiều, thậm chí là tiêu cực. Nhiều ý kiến phản đối đề xuất kiểm soát biên giới vĩnh viễn vì lo ngại nó sẽ đi ngược lại với Hiệp ước Schegen, hệ thống bảo đảm sự di chuyển tự do trong liên minh. Theo đại diện của đảng SPD về chính sách châu Âu, Christian Petri cho rằng, nếu đề xuất trên được đa số Hạ viện thông qua thì đó sẽ là “bước thụt lùi lớn đối với các nền dân chủ châu Âu”. Trong khi đó, ông Alexander Schweitzer, Bộ trưởng Bộ Lao động, các vấn đề xã hội, số hóa và chuyển đổi bang Rheinland-Pfalz nhận định, ở châu Âu, nơi người dân chủ yếu sinh sống thông qua trao đổi kinh tế với các nước láng giềng, nên việc đóng cửa biên giới là điều không thể được phép xảy ra.

Theo Hiệp ước Schegen, việc kiểm soát biên giới nội bộ chỉ được phép như là giải pháp cuối cùng. Tuy nhiên, vào tháng 5-2024, Hội đồng châu Âu phê chuẩn khả năng gia hạn chế độ này thêm 3 năm nếu có mối đe dọa đối với an ninh đất nước, đặc biệt là liên quan đến khủng bố, tội phạm có tổ chức hoặc các hoạt động di chuyển trái phép quy mô lớn đột ngột của công dân từ các nước thứ ba.

Theo dữ liệu từ Cơ quan bảo vệ biên giới của EU (Frontex), số vụ vượt biên trái phép qua biên giới EU trong nửa đầu năm 2024 giảm gần một phần ba, xuống còn khoảng 94.000 trường hợp. Đặc biệt, số lượng các cuộc vượt biên bất hợp pháp qua biên giới EU theo hướng Địa Trung Hải, cũng như qua Balkan, giảm - lần lượt là 61 và 72%. Tuy nhiên, tuyến Tây Phi và biên giới đất liền phía đông với EU ghi nhận mức gia tăng đáng báo động, lần lượt tăng 174% và 148%.

Trong bối cảnh tình hình biên giới phía đông ngày càng trầm trọng, Litva, Latvia, Estonia và Ba Lan đã đưa ra một số hạn chế, nhưng tất cả đều liên quan đến việc kiểm soát biên giới bên ngoài, điển hình như việc xây dựng hàng rào ở biên giới Latvia với Nga.

Hiện tại, EU sẵn sàng thảo luận về các biện pháp kiểm soát nội bộ bổ sung chỉ ở biên giới với Hungary - sau khi nước này đưa người Nga và người Belarus vào chương trình đơn giản hóa việc lấy thị thực dài hạn. Về vấn đề này, Nghị viện châu Âu kêu gọi loại trừ Hungary khỏi Hiệp ước Schengen, vì theo quan điểm của họ, quyết định này có thể đe dọa đến an ninh của châu Âu.

Trước đây, Nghị viện châu Âu nhiều lần nhấn mạnh rằng họ phản đối các hạn chế đối với biên giới nội bộ của EU, vì điều này cản trở việc di chuyển tự do trong khối. Tuy nhiên, đứng trước những mối đe dọa an ninh mới và xu hướng rạn nứt nội bộ gia tăng, các nước thành viên EU không loại trừ khả năng thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ biên giới nhằm ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp, ngay cả khi điều này đi ngược lại với tinh thần của Hiệp ước Schegen.

HÙNG LÂM

;
;
.
.
.
.
.