Ấn Độ nới lỏng hạn chế xuất khẩu gạo

.

Ấn Độ đã nới lỏng hạn chế đối với một số mặt hàng gạo xuất khẩu, động thái có thể làm giảm giá gạo toàn cầu và báo hiệu sự thay đổi trong chính sách nông nghiệp trong nước.

Chuyên trang thị trường lúa gạo SS Rice News cho biết, Ấn Độ vừa ban hành quyết định bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati. Tuy nhiên, kèm theo điều kiện giá sàn để xuất khẩu mặt hàng này là 490 USD/tấn. Hiệu lực áp dụng từ ngày 28-9. Trước đó, ngày 27-9, theo Bloomberg, thông báo từ Bộ Tài chính Ấn Độ cho biết, chính phủ đã cắt giảm thuế đối với các lô hàng gạo đồ từ 20% xuống còn 10%, có hiệu lực ngay lập tức.

Quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới này đã bắt đầu hạn chế xuất khẩu gạo đồ vào năm 2022 nhằm bảo đảm an ninh lương thực trong nước và kiềm chế lạm phát khi vụ mùa gặp khó khăn do hạn hán. Điều đó khiến giá gạo châu Á tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008 và buộc những người tiêu dùng lớn phải tìm kiếm nguồn cung từ các quốc gia khác bởi đây là mặt hàng chủ lực trong chế độ ăn uống của hàng tỷ người khắp hành tinh.

Theo Reuters, dù động thái hạn chế xuất khẩu thành công trong việc ổn định giá cả trong nước, nhưng dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Ấn Độ cho thấy nước này hiện sở hữu lượng gạo dự trữ kỷ lục 32,3 triệu tấn, nông dân chuẩn bị thu hoạch vụ mùa mới; đồng thời, sản lượng gạo dự kiến tiếp tục tăng mạnh trong vụ mùa tới nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi. Nhờ lượng mưa trong mùa mưa năm nay dồi dào, diện tích lúa của nước này tăng lên 41,35 triệu ha. Các yếu tố này giúp chính phủ có đủ điều kiện để nới lỏng các quy định về xuất khẩu gạo.

Cùng với giảm thuế xuất khẩu gạo đồ, Ấn Độ cũng quyết định giảm thuế xuất khẩu gạo lứt và thóc xuống 10%. Việc giảm thuế này sẽ có hiệu lực ngay lập tức. Thông báo cũng cho biết, các lô gạo xay xát một phần hoặc toàn bộ sẽ không phải chịu bất kỳ khoản thuế nào. Đầu tháng 9-2024, Ấn Độ loại bỏ mức giá sàn đối với xuất khẩu gạo basmati, loại gạo đặc trưng và là quốc phẩm. Biện pháp này nhằm hỗ trợ hàng nghìn nông dân đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận các thị trường xuất khẩu lớn như châu Âu, Trung Đông và Mỹ. Đáng chú ý, thuế xuất khẩu gạo trắng được xóa bỏ hoàn toàn, mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trắng của Ấn Độ. Tuy nhiên, chính phủ vẫn chưa đưa ra thông tin cụ thể về việc liệu các thương lái có được phép tự do xuất khẩu hay không, hay chỉ các thỏa thuận giữa các chính phủ mới được miễn thuế.

Việc giảm thuế xuất khẩu sẽ dẫn đến giảm giá xuất khẩu, giúp gạo Ấn Độ trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế, qua đó thúc đẩy xuất khẩu. Trước khi hạn chế tham gia thị trường xuất khẩu gạo, Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo số 1 thế giới, chiếm đến 40% thị phần nên các chính sách điều hành của nước này ảnh hưởng lớn đến thương mại gạo toàn cầu và giá gạo của các nước xuất khẩu chính trên thế giới như Thái Lan, Myanmar, Pakistan... Theo số liệu của chính phủ, xuất khẩu gạo từ quốc gia Nam Á này giảm gần 25% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 5,26 triệu tấn trong 4 tháng đầu năm tài chính 2024 (bắt đầu từ ngày 1- 4).

Việc Ấn Độ nới lỏng các hạn chế đối với một số loại gạo xuất khẩu được xem là động thái có thể làm giảm giá gạo toàn cầu và báo hiệu sự thay đổi trong chính sách nông nghiệp quốc gia sau cuộc bầu cử quốc gia gần đây. Nhiều chuyên gia dự báo, những tháng tới có thể sẽ chứng kiến sự điều tiết liên tục tốt hơn nhiều đối với giá gạo toàn cầu.

NGHI VĂN

;
;
.
.
.
.
.