Tuần này, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có lịch trình ngoại giao sôi động khi liên tục tiếp đón, hội đàm với lãnh đạo của các nước châu Phi, qua đó thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Trung Quốc - châu Phi trong kỷ nguyên mới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (bên phải) và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tại cuộc hội đàm tại Bắc Kinh ngày 2-9. Ảnh: Tân Hoa xã |
Lãnh đạo các nước châu Phi này sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh của Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-châu Phi (FOCAC) năm 2024 diễn ra từ ngày 4 đến 6-9 tại Bắc Kinh nhằm xác lập định vị mới trong quan hệ giữa hai bên.
Nâng cấp quan hệ Trung Quốc-Nam Phi
Nổi bật trong số các vị khách đến từ châu Phi mà ông Tập Cận Bình gặp gỡ là Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa. Chuyến thăm của nhà lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất châu Phi lần này mang ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển quan hệ song phương, đồng thời tạo thêm xung lực phát triển quan hệ Trung Quốc - châu Phi. Ngày 2-9, Trung Quốc và Nam Phi tuyên bố nâng cấp quan hệ song phương lên quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện cho kỷ nguyên mới tại cuộc hội đàm giữa lãnh đạo hai nước tại Bắc Kinh.
Tân Hoa xã dẫn lời ông Tập Cận Bình nhấn mạnh, việc tăng cường đoàn kết và hợp tác giữa Trung Quốc và Nam Phi trong kỷ nguyên mới phù hợp với kỳ vọng chung của nhân dân hai nước và tiến trình phát triển lịch sử của Nam Bán cầu. Nhà lãnh đạo Trung Quốc kêu gọi hai nước dẫn dắt mối quan hệ song phương tiến lên với sự tin cậy chiến lược cấp cao và nhấn mạnh những nỗ lực chung nhằm thúc đẩy hợp tác ‘Vành đai và Con đường’ chất lượng cao. Trung Quốc sẽ mở rộng cửa hơn, sẵn sàng hợp tác với Nam Phi và các nước khác ở châu Phi để tạo ra động lực mới cho hợp tác và thúc đẩy phát triển chất lượng cao hợp tác Trung Quốc-châu Phi.
Theo tuyên bố chung, Trung Quốc và Nam Phi nhất trí thúc đẩy thương mại cân bằng và thảo luận về việc tăng cường đầu tư hai chiều giữa các cộng đồng công nghiệp và thương mại của hai nước; đề cập việc bổ sung các cơ sở sản xuất gần nguồn nguyên liệu thô có liên quan và thúc đẩy chuyển giao công nghệ, kỹ năng giữa các doanh nghiệp hai nước… Đáng chú ý, hai nhà lãnh đạo cũng cùng kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ các nước châu Phi thực hiện Hiệp định thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA), dạng FTA hứa hẹn tạo nên khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới - thị trường lục địa duy nhất cho hàng hóa và dịch vụ, giúp châu Phi thúc đẩy quá trình hội nhập.
Kỳ vọng từ hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-châu Phi
Hội nghị FOCAC năm 2024 mang chủ đề “Chung tay thúc đẩy hiện đại hóa và xây dựng cộng đồng Trung Quốc - châu Phi cấp cao với tương lai chung” tôn vinh tình hữu nghị và vạch ra con đường hợp tác phía trước. Theo Tân Hoa xã, sự kiện này đánh dấu cuộc đoàn tụ lớn khác của “đại gia đình” Trung Quốc - châu Phi và cũng là sự kiện ngoại giao lớn nhất do Trung Quốc tổ chức trong những năm gần đây, với sự tham dự đông đảo nhất của các nhà lãnh đạo nước ngoài.
Ý nghĩa thực tiễn của FOCAC chứng minh tính toàn diện và bản chất chiến lược biến diễn đàn này thành trở thành “thương hiệu vàng” về tham vấn tập thể và hành động phối hợp Trung Quốc - châu Phi và làm sâu sắc thêm hợp tác Nam - Nam, đó là hình thức hợp tác thúc đẩy phát triển hiệu quả thông qua học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn và công nghệ giữa các nước đang phát triển. Bánh xe lịch sử của cộng đồng có tương lai chung giữa Trung Quốc và châu Phi tăng tốc mạnh mẽ trong thời gian qua. Ban đầu hợp tác giữa hai bên tập trung vào kinh tế, thương mại, xóa đói giảm nghèo và phát triển, nay dần mở rộng thành hợp tác thực tế trong nhiều lĩnh vực như quản trị, giao lưu văn hóa, hòa bình và an ninh, y tế công cộng với tiến bộ vượt bậc.
Global Times dẫn lời Giáo sư Li Haidong của Đại học Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Trung Quốc rất coi trọng hợp tác với châu Phi về đào tạo nghề và trao đổi liên chính phủ về quản trị, cho phép các nước châu Phi không chỉ dựa vào các nền kinh tế lớn từ bên ngoài mà còn trở thành các thực thể kinh tế và thị trường trưởng thành trong chuỗi công nghiệp toàn cầu. Là đối tác thúc đẩy hiện đại hóa và công nghiệp hóa với châu Phi, Trung Quốc có nhiều lợi thế độc đáo, cho phép nước này tham gia toàn diện và thậm chí trở thành một phần của quá trình công nghiệp hóa của châu Phi. Không phải ngẫu nhiên tờ tiền giấy 20.000 Ariary của Madagascar, in rõ ràng một loại lúa lai Trung Quốc nhằm ghi nhớ các chuyên gia Trung Quốc đã thúc đẩy lúa lai tại địa phương và cải thiện hiệu quả khả năng tự cung tự cấp lương thực của quốc gia châu Phi này.
THƯ LÊ