Vì sao Hamas sẵn sàng ngừng bắn?

.

Ngày 11-9, Phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas tái khẳng định sẵn sàng thực thi thỏa thuận ngừng bắn tại dải Gaza dựa trên đề xuất của Mỹ, bác bỏ mọi điều kiện mới do bất kỳ bên nào đưa ra.

Hiện trường cuộc tấn công của Israel vào trường học Unrwa tại Trại tị nạn Nuseirat ở Gaza. Ảnh: Anadolu/Getty Images
Hiện trường cuộc tấn công của Israel vào trường học Unrwa tại Trại tị nạn Nuseirat ở Gaza. Ảnh: Anadolu/Getty Images

Theo Tân Hoa xã, tuyên bố nói trên được đoàn đàm phán của Hamas đưa ra tại cuộc họp với đại diện các quốc gia đóng vai trò trung gian gồm Qatar và Ai Cập tại Doha. Hamas bày tỏ việc duy trì thái độ tích cực và linh hoạt trong việc tìm kiếm thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza. Tuyên bố nêu rõ: “Hamas nhấn mạnh sự sẵn sàng thực hiện ngay lập tức một thỏa thuận ngừng bắn, nhưng chỉ khi thỏa thuận đó dựa trên các đề xuất của Tổng thống Mỹ Joe Biden, được trình bày vào ngày 31-5 và Nghị quyết 2735 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ), cũng như dự thảo thỏa thuận được Hamas phê duyệt vào ngày 2-7-2024. Chúng tôi sẽ không chấp nhận bất kỳ yêu cầu mới nào và điều kiện tiên quyết mới nào cho thỏa thuận, bất kể bên nào có thể đề xuất”. Hamas cũng nhấn mạnh yêu cầu Israel rút quân khỏi toàn bộ lãnh thổ Gaza, đồng thời khẳng định việc quản lý dải đất này là công việc nội bộ của Palestine với tầm nhìn đã được thống nhất.

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán do Qatar, Ai Cập và Mỹ làm trung gian đang được tiến hành nhằm tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn. Theo Anadolu Agency, trong cuộc hội đàm với Tổng thống Đức Frank Steinmeier, ngày 11-9, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi kêu gọi châu Âu sử dụng ảnh hưởng của mình để tạo thêm động lực và gây sức ép với các bên liên quan nhằm bảo đảm thỏa thuận để thúc đẩy sự ổn định và giảm bớt đau khổ cho người Palestine ở Gaza.

Mặc dù Ai Cập và Hamas phản đối nhưng Israel vẫn đang duy trì lực lượng tại Hành lang Philadelphi - vùng đệm ngừng bắn nhân đạo, dài 14km, rộng 100m ở biên giới Gaza với Ai Cập. Israel cho rằng, sự hiện diện quân sự của nước này ở đây đặc biệt quan trọng cho việc ngăn dòng hàng hóa, vũ khí nhập lậu vào Gaza. Thủ tướng Israel vẫn khẳng định nước này sẽ không từ bỏ cuộc chiến tại Gaza trước khi đạt được mục tiêu đề ra là giải cứu toàn bộ các con tin và đánh bại hoàn toàn lực lượng Hamas; đồng thời không xác nhận đề xuất mà Tổng thống Mỹ công bố có phải do Israel đưa ra hay không.

Kể từ tháng 5-2024, thời điểm Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố đề xuất cụ thể với hy vọng giúp chấm dứt xung đột và trả tự do cho tất cả con tin, Hamas liên tục bày tỏ cam kết với điều họ đã nhất trí trong các cuộc đàm phán đã diễn ra, dựa trên đề xuất của Mỹ và nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ. Rõ ràng, việc Hamas lần này chấp nhận ngay kế hoạch của Mỹ mà không cần đàm phán thêm cho thấy lực lượng này đánh giá đủ điều kiện và thời gian chín muồi để chấm dứt xung đột với Israel. Mặt khác, theo nghị quyết của LHQ tuyên bố rằng kể từ ngày 10-9, Palestine có một vị trí chính thức tại Đại hội đồng LHQ, dù chưa trở thành thành viên đầy đủ của tổ chức này, nhưng Palestine được hưởng thêm nhiều quyền hạn của các nước thành viên, hay quyền đồng chủ trì các dự thảo nghị quyết của LHQ...

Hai yếu tố đó là tín hiệu đáng mừng để nhanh chóng chấm dứt nỗi thống khổ của hàng triệu thường dân Palestine vô tội và từng bước hình thành một nhà nước Palestine thống nhất cùng tồn tại bên cạnh nhà nước Do Thái như thỏa thuận giữa Hamas với Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) mới đây tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Trong diễn biến đáng chú ý gần đây, Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) William Burns cho biết sẽ nộp đề xuất ngừng bắn chi tiết trong vài ngày sắp tới để Hamas và Israel thảo luận trong cuộc gặp sắp đến.

Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây là việc kết thúc đàm phán để chấm dứt xung đột ở Gaza hiện nằm ở phía Israel. Nếu Israel không đồng ý, nghĩa là kế hoạch ngừng bắn của Mỹ bị phá sản, hay nói cách khác, Mỹ đã thất bại trong việc buộc đồng minh của mình thực hiện theo chính sách Trung Đông của Washington. Điều đó cũng đồng nghĩa Nhà Trắng đang tạo thêm cơ hội cho cử tri Mỹ phản ứng và đảng Cộng hòa có kẽ hở để công kích đảng Dân chủ khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần.

Trong khi đó, trên thực tế chiến sự ở dải Gaza vẫn diễn ra ngày càng phức tạp khi quân đội Israel tiếp tục tấn công làm cho nhiều thường dân Palestine và các nhân viên cứu trợ của LHQ thiệt mạng. Mới đây nhất, ngày 10-9, vụ không kích của Israel nhằm vào khu vực nhân đạo tại thành phố Khan Younis ở nam Gaza khiến ít nhất 40 người thiệt mạng và hơn 60 người bị thương. Tiếp đến, theo The Guardian, ngày 11-9, máy bay Israel tập kích trường học ở trại tị nạn Nuseirat, miền trung Gaza, khiến 18 người chết, trong đó có 6 nhân viên cơ quan LHQ về viện trợ Palestine. Trên mạng xã hội X, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres lên án vụ tấn công khi nhấn mạnh: “Những gì đang xảy ra ở Gaza là hoàn toàn không thể chấp nhận. Cần dừng ngay các hành động vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế như vậy”.

Đề xuất của Tổng thống Biden về “lộ trình” hướng tới lệnh ngừng bắn toàn diện gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn một, bắt đầu với lệnh ngừng bắn đầy đủ và toàn diện kéo dài 6 tuần để các lực lượng Israel rút khỏi Gaza và các con tin sẽ được đổi lấy hàng trăm tù nhân Palestine; dân thường Palestine trở về Gaza, trong đó có bắc Gaza, và mỗi ngày có 600 xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo vào vùng lãnh thổ của Palestine. Giai đoạn hai, Hamas và Israel sẽ đàm phán điều khoản chấm dứt vĩnh viễn tình trạng thù địch. Lệnh ngừng bắn vẫn được duy trì chừng nào tiến trình đàm phán còn tiếp diễn. Giai đoạn ba sẽ bao gồm kế hoạch tái thiết lớn dành cho Gaza.

LÊ MINH HÙNG

;
;
.
.
.
.
.