5 khám phá xứng đáng cho giải Nobel

.

Tuần này, những nhà khoa học xuất sắc nhất sẽ được vinh danh với giải Nobel. Thật khó để dự đoán ai sẽ đoạt những danh hiệu cao quý này bởi có rất nhiều khám phá xứng đáng. CNN chỉ ra 5 khám phá đột phá thay đổi cuộc sống nhân loại cho tới nay.

Bộ gen người đầu tiên

Bản đồ bộ gen người là dự án táo bạo được khởi xướng vào năm 1990 và hoàn thành vào năm 2003. Việc giải mã mã di truyền của sự sống con người liên quan nhóm gồm hàng nghìn nhà khoa học quốc tế đến từ Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản và Trung Quốc. Công trình tác động sâu rộng đến sinh học, y học và nhiều lĩnh vực khác. Nhưng một lý do khiến công trình có thể không giành được giải Nobel là số lượng lớn những nhà khoa học tham gia nghiên cứu. Theo các quy tắc do cha đẻ của giải Nobel đặt ra trong di chúc năm 1895 là chỉ có thể vinh danh tối đa 3 người cho mỗi giải thưởng - một thách thức đối với nhiều công trình bởi các nghiên cứu khoa học quy mô lớn hiện nay đòi hỏi sự hợp tác của nhiều nhà khoa học.

Cuộc cách mạng trong điều trị béo phì

Trên thế giới, cứ 8 người thì có 1 người phải sống chung với béo phì - con số này tăng gấp đôi kể từ năm 1990. Sự phát triển của các loại thuốc giảm cân đột phá mô phỏng loại hormone tên GLP-1, làm rung chuyển thế giới chăm sóc sức khỏe trong vài năm qua. Loại thuốc này có tác dụng hạ đường huyết và kiềm chế cảm giác thèm ăn, có khả năng mở ra kỷ nguyên mới cho việc điều trị béo phì và các tình trạng liên quan như bệnh tiểu đường tuýp 2. Svetlana Mojsov - nhà sinh hóa, Phó Giáo sư nghiên cứu tại Đại học Rockefeller; Tiến sĩ Joel Habener - bác sĩ nội tiết; Giáo sư y khoa tại Trường Y Harvard, giúp xác định và tổng hợp GLP-1, và Lotte Bjerre Knudsen, cố vấn khoa học về nghiên cứu và phát triển ban đầu tại Novo Nordisk, đóng vai trò quan trọng trong việc biến GLP-1 thành loại thuốc hiệu quả thúc đẩy giảm cân mà hàng triệu người đang sử dụng hiện nay.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI)

Theo David Pendlebury, người đứng đầu bộ phận phân tích nghiên cứu tại Viện thông tin khoa học Clarivate, AI là lĩnh vực có rất đông những nhà khoa học tham gia, nhưng ông chỉ ra hai cái tên nổi bật trong lĩnh vực này có khả năng giành giải Nobel là Demis Hassabis và John Jumper với phát minh Cơ sở dữ liệu cấu trúc protein AlphaFold của Google DeepMind - chương trình AI giải mã cấu trúc 3D của protein từ các chuỗi axit amin mà ít nhất 2 triệu nhà nghiên cứu đã sử dụng. AlphaFold hoạt động như “công cụ tìm kiếm của Google” đối với cấu trúc protein, cung cấp quyền truy cập tức thời mô hình protein được dự đoán, đẩy nhanh tiến độ trong sinh học cơ bản và lĩnh vực liên quan.

Jumper và Hassabis cho biết giải Nobel Hóa học có thể nằm trong tay của họ, cùng với nhà nghiên cứu thứ ba, David Baker, Giám đốc Viện Thiết kế Protein tại Trường Y khoa Đại học Washington, người đặt nền móng cho AlphaFold. Tuy nhiên, một số người cho rằng có thể còn quá sớm để trao giải thưởng, bởi ứng dụng AI vào nghiên cứu khoa học là lĩnh vực hoàn toàn mới.

Hệ vi sinh đường ruột

Con người đang sống cùng “một thế giới nhỏ” bên trong cơ thể gồm hàng nghìn tỷ vi sinh vật - bao gồm vi khuẩn, virus và nấm, được gọi chung là hệ vi sinh đường ruột. Với những tiến bộ trong giải trình tự gen trong hai thập kỷ, các nhà khoa học có thể hiểu rõ hơn về những vi khuẩn này: chúng làm gì, cách chúng giao tiếp với nhau và tương tác với tế bào con người, đặc biệt trong đường ruột.

Tiến sĩ sinh vật học Jeffrey Gordon và Giáo sư, Tiến sĩ Robert J. Glaser tại Đại học Washington ở St. Louis, là những người tiên phong. Tiến sĩ Gordon tìm hiểu hệ vi sinh vật đường ruột ở người và cách nó định hình sức khỏe của con người, bắt đầu bằng nghiên cứu trên chuột. Ông phát hiện hệ vi sinh vật đường ruột có liên quan tình trạng suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến gần 200 triệu trẻ em. Ông đang nghiên cứu biện pháp can thiệp bằng thực phẩm cải thiện sức khỏe đường ruột.

Gen gây ung thư

Vào những năm 1970, quan điểm chính thống cho rằng ung thư vú không liên quan đến bất kỳ yếu tố di truyền nào. Tuy nhiên, với công trình nghiên cứu về sự khác biệt về gen giữa người và tinh tinh, Mary-Claire King, Giáo sư y khoa và khoa học bộ gen tại Trường Y khoa Đại học Washington, có cách tiếp cận mới. Trước khi bản đồ về bộ gen người được công bố, bà King dành 17 năm để phát hiện, xác định vai trò của đột biến gen BRCA1 trong ung thư vú và ung thư buồng trứng. Khám phá này cho phép các xét nghiệm di truyền có thể xác định những phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú cao cũng như các bước cần thực hiện để giảm nguy cơ mắc bệnh, chẳng hạn như sàng lọc bổ sung và phẫu thuật phòng ngừa.

GIA NGHI

;
;
.
.
.
.
.