Ấn Độ cân nhắc quan hệ với BRICS và QUAD

.

Sự mơ hồ chiến lược của Ấn Độ trong việc cân bằng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc với sự tham gia đồng thời vào “Bộ Tứ kim cương” (QUAD) và Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) đang tạo ra những thách thức lớn.

Đại diện các nước thành viên nhóm BRICS dự hội nghị thượng đỉnh năm 2023.  Ảnh: Geopolitical Monitor
Đại diện các nước thành viên nhóm BRICS dự hội nghị thượng đỉnh năm 2023. Ảnh: Geopolitical Monitor

Modern Diplomacy gần đây dẫn lời Naseem Sabzal, chuyên gia nghiên cứu tại Balochistan Think Tank Network ở Quetta ngày 7-10 cho rằng, sự tham gia của Ấn Độ trong cả QUAD (gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ) và BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) không chỉ thể hiện chính sách “đa liên kết” mà còn phản ánh sự không rõ ràng trong chiến lược đối ngoại, có thể khiến quốc gia này trở thành một thành viên không ổn định trong cả hai liên minh, tự gây khó trong cuộc cạnh tranh địa chính trị với các cường quốc.

Bản chất của QUAD xoay quanh phục vụ lợi ích an ninh cho các thành viên của mình. Nhóm này đã nổi lên như một nền tảng quan trọng để thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên luật lệ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Sự gia tăng ảnh hưởng của QUAD khiến giới quan sát đồn đoán nguy cơ dẫn đến phiên bản của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Theo NEXT IAS, đối với Ấn Độ, QUAD có ý nghĩa chiến lược to lớn, đặc biệt trong cân bằng cạnh tranh với Trung Quốc ở khu vực. Điều này đặc biệt quan trọng đối với lợi ích của Ấn Độ để bảo vệ các tuyến đường thương mại hàng hải và bảo đảm quyền tự do hàng hải trên vùng biển quốc tế. Nhóm này cũng cung cấp nền tảng hợp tác quân sự, chia sẻ thông tin tình báo và tập trận chung nhằm duy trì an ninh hàng hải. Tư cách thành viên QUAD cũng phù hợp với chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ, giúp thúc đẩy quan hệ với các quốc gia Đông Á. Đây cũng là đòn bẩy ngoại giao để tăng cường quan hệ song phương với Mỹ, Nhật Bản và Úc, xây dựng quan hệ đối tác chiến lược sâu sắc hơn vượt ra ngoài an ninh hàng hải để bao gồm các lĩnh vực như thương mại, công nghệ và quản trị toàn cầu.

Trong khi đó, BRICS tập trung thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên; phát triển và cải cách quản trị toàn cầu. Nhóm này được dự báo là thách thức tiềm tàng đối với sự thống trị kinh tế của Mỹ. Hợp tác kinh tế trong BRICS thúc đẩy đa dạng hóa thương mại, chuyển giao công nghệ và phát triển cơ sở hạ tầng, vốn là những yếu tố rất quan trọng đối với tham vọng tăng trưởng của Ấn Độ để trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới. Ấn Độ cũng tận dụng tầm ảnh hưởng của BRICS làm nền tảng để vận động cải cách tại các tổ chức tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới, nhằm tăng cường tiếng nói và đại diện của các nền kinh tế mới nổi trong quản trị kinh tế toàn cầu.

Việc Ấn Độ lựa chọn ủng hộ QUAD có thể đã khiến mối quan hệ với BRICS, đặc biệt là với Trung Quốc, trở nên căng thẳng. Thêm vào đó, sự gia nhập gần đây của nhiều quốc gia vào BRICS càng làm tăng thêm sức ép lên Ấn Độ trong việc củng cố vai trò quan trọng của mình trong khối. Đó cũng là nguyên do Ấn Độ đã ra tín hiệu muốn tạm dừng việc kết nạp thêm các quốc gia mới vào khối trong tối thiểu 5 năm, một lập trường trái ngược với Nga và Trung Quốc.

Theo giới quan sát, không có gì ngạc nhiên khi Ấn Độ vẫn tiếp tục muốn duy trì vị thế ở cả BRICS và QUAD. Điều này phản ánh cách tiếp cận đa diện của nước này đối với ngoại giao toàn cầu, bao gồm hợp tác an ninh, phát triển kinh tế và cải cách quản trị toàn cầu. Mặc dù các nhóm này cung cấp nền tảng để Ấn Độ thúc đẩy các lợi ích chiến lược và kinh tế của mình trên trường quốc tế, nhưng chúng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho New Dehli. Vẫn có nhận định lạc quan rằng một khi Ấn Độ tiếp tục điều hướng sự phức tạp của các mối quan hệ quốc tế, sự tham gia của nước này vào hai nhóm này vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc định hình trật tự thế giới đa cực phù hợp cho các lợi ích chiến lược và kinh tế dài hạn của nước này. Điều quan trọng là Ấn Độ phải điều hướng sự tham gia của mình trong cả hai nhóm mà không làm suy yếu chính sách lâu đời về quyền tự chủ chiến lược và không liên kết.

Trong diễn biến mới nhất cho thấy Ấn Độ tỏ ra rất thận trọng khi trình bày quan điểm về các vấn đề đáng chú ý với các đối tác trong QUAD. Theo SCMP, tại một sự kiện ở Washington (Mỹ) tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar khẳng định, Ấn Độ không có chung tầm nhìn về một “NATO châu Á” do tân Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đề xuất gần đây. Ông Jaishankar nhấn mạnh rằng Ấn Độ chưa bao giờ là đồng minh hiệp ước của một quốc gia khác. “Chúng tôi không nghĩ đến kiểu kiến trúc chiến lược đó. Chúng tôi có cách tiếp cận khác”, ông Jaishankar nói.

Cuba xin gia nhập BRICS với tư cách là quốc gia đối tác
Theo TASS, tại La Habana, ngày 7-10, Vụ trưởng phụ trách các vấn đề song phương của Bộ Ngoại giao Cuba, Carlos Miguel Pereira thông báo đảo quốc Caribe này đã xin gia nhập BRICS với tư cách là một quốc gia đối tác. Trước đó, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodríguez Parrilla đã khẳng định quyết tâm của nước này trong việc tăng cường mối quan hệ với BRICS. Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây cho biết 34 quốc gia đã bày tỏ sự sẵn sàng tham gia BRICS với các hình thức khác nhau.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.