Biên giới Ý và Thụy Sĩ điều chỉnh do biến đổi khí hậu

.

Việc một phần biên giới giữa Ý và Thụy Sĩ sẽ được vẽ lại do các sông băng đánh dấu ranh giới hai quốc gia tan chảy cho thấy những biểu hiện ngày càng rõ rệt của hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Theo CNN, hai quốc gia láng giềng Ý và Thụy Sĩ nhất trí thay đổi biên giới dưới đỉnh Matterhorn, một trong những đỉnh núi cao nhất ở dãy Alps nhìn ra Zermatt, điểm đến trượt tuyết nổi tiếng. Chính phủ Thụy Sĩ cho biết, ở vùng núi cao, các phần quan trọng của biên giới Ý-Thụy Sĩ được xác định theo lưu vực, biểu thị bằng đường đỉnh của các sông băng, cánh đồng tuyết và tuyết vĩnh cửu. Trong số 578km biên giới Ý-Thụy Sĩ, 40km được bao phủ bởi các sông băng. Tuy nhiên, với sự tan chảy của các sông băng, những yếu tố tự nhiên này phát triển và biên giới quốc gia sẽ được xác định lại khi các thay đổi được phê chuẩn một cách năng động.

Cụ thể, theo Euronews, sông băng Theodul nằm dưới ngọn núi Matterhorn nổi tiếng, mất gần 1/4 khối lượng của nó trong khoảng thời gian từ năm 1973 đến năm 2010. Điều này làm lộ ra lớp đá bên dưới băng, dẫn đến thay đổi đường phân chia hệ thống thoát nước và buộc hai nước láng giềng phải vẽ lại đoạn biên giới dài khoảng 100m. Khu vực bị ảnh hưởng lần này là khu trượt tuyết Mattherhorn, bao gồm Zermatt và là khu nghỉ dưỡng trượt tuyết lớn thứ 5 của châu Âu. Hai nước nhất trí điều chỉnh biên giới xung quanh các địa danh Testa Grigia, Plateau Rosa, Rifugio Carrel và Gobba di Rollin.

Chính phủ Thụy Sĩ đã chính thức phê duyệt việc điều chỉnh gần đây trong khi quy trình tương tự đang được tiến hành theo kế hoạch tại Ý. Ngay sau khi cả hai bên ký kết, thỏa thuận sẽ được công bố và thông tin chi tiết về biên giới mới sẽ được công khai.

Điều đáng nói là đây không phải là lần đầu tiên biên giới hai nước được sửa đổi. Năm 2000, biên giới đã được điều chỉnh tại Furggsattel, Zermatt, sau khi một sông băng di chuyển trong khoảng 100-150m. Theo đó, một trạm cáp treo trước đây ở Ý sau khi điều chỉnh đã ở Thụy Sĩ. Cơ quan lập bản đồ quốc gia Thụy Sĩ Swisstopo cho biết, việc điều chỉnh biên giới diễn ra thường xuyên và thường được giải quyết bằng cách so sánh các số liệu do các nhà khảo sát từ các quốc gia có chung biên giới thực hiện.

Theo giới quan sát, Thụy Sĩ và Ý nằm trong số ngày càng nhiều quốc gia bị ảnh hưởng bởi sự dịch chuyển của các khối đất liền khi nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng. Khi trái đất nóng lên, đường viền của các ngọn núi thay đổi khi băng tan và các sông băng biến mất, đôi khi kéo theo các đặc điểm cố định khác như mặt đá. Do đó, điểm cao nhất của một dãy núi có thể dịch chuyển, với đường biên giới di chuyển theo - đôi khi chỉ một lượng nhỏ hoặc vài mét.

Châu Âu hiện là lục địa nóng lên nhanh nhất thế giới và tác động của nó lên các sông băng là rất lớn. Tính riêng ở Thụy Sĩ, sông băng đang tan chảy với tốc độ đáng báo động. CNN dẫn lời ông Matthias Huss, nhà nghiên cứu về sông băng tại trường đại học ETH Zürich (Thụy Sĩ) nhận định, xu hướng giảm này vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Nếu khí thải nhà kính tiếp tục tăng, các sông băng trên dãy Apls dự kiến mất hơn 80% khối lượng hiện có vào năm 2100, gây ra một loạt tác động, dẫn đến rủi ro lở đất và băng sụp đổ nguy hiểm. Bên cạnh đó, biến động đáng lo ngại tại các sông băng cũng tác động việc cung cấp nước ngọt, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nước trong các đợt nắng nóng, ảnh hưởng cuộc sống của hàng triệu người.

Mặc dù sự dịch chuyển biên giới chỉ là hậu quả nhỏ của việc các sông băng tan chảy, nhưng đây là lời nhắc nhở trực quan nổi bật về cách hiện tượng nóng lên toàn cầu đang tác động trực tiếp đến bản đồ thế giới. Trái ngược với các cuộc đàm phán đang diễn ra suôn sẻ giữa Thụy Sĩ và Ý, tranh chấp tương tự giữa Pháp và Ý về quyền biên giới đối với dãy núi Mont Blanc có thể không tốt đẹp như vậy. Các cuộc đàm phán giữa Paris và Rome, vốn đã kéo dài trong nhiều năm, sẽ cần các luật sư và chuyên gia đưa ra một giải pháp có thể chấp nhận được cho cả hai bên. Trong tương lai, căng thẳng cũng có thể bùng phát ở các khu vực khác trên thế giới.

Mặc dù không phải vẽ lại bản đồ, nhưng các quốc đảo Thái Bình Dương như Tuvalu đang chứng kiến ​​diện tích đất liền của họ giảm đi khi mực nước biển dâng cao. Năm nay, Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) ước tính mực nước biển dâng 5mm mỗi năm ở Tuvalu và ở các khu vực ven biển, mực nước biển sẽ dâng 20cm trở lên vào năm 2050.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.