Brazil mong muốn là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an

.

Khả năng Brazil gia nhập Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) với tư cách thành viên thường trực đang được bàn luận sôi nổi. Vậy điều này có thể thành hiện thực và những lý do tại sao cần cải cách Hội đồng Bảo an?

Thực tế, Brazil khẳng định cần phải cải tổ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ); đồng thời nhiều lần bày tỏ mong muốn có được một ghế thường trực trong cơ quan chính của tổ chức thế giới. Izvestia dẫn phát biểu của Đại sứ Brazil tại Nga Rodrigo de Lima Baena Soares cho biết: “Brazil tự tin có mọi lý do để trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an. Chúng tôi cho rằng, Hội đồng Bảo an nên mang tính toàn diện hơn để Nam bán cầu có đại diện trong đó. Đã đến lúc cần phải thay đổi cách thức hoạt động của Hội đồng Bảo an để bảo đảm minh bạch hơn và có tiếng nói thay mặt cho tất cả thành viên LHQ”.

Vấn đề cải tổ Hội đồng Bảo an bằng cách mở rộng thành viên thường trực được thảo luận tại phiên họp thứ 79 của Đại hội đồng LHQ vào cuối tháng 9-2024 ở New York. Brazil là một trong những quốc gia tích cực nhất trong vấn đề này. Tổng thống Brazil Lula da Silva cho rằng, các cơ chế điều tiết toàn cầu không thể hoạt động nếu không cải cách LHQ- đặc biệt là Hội đồng Bảo an. Ngoài ra, Brazil, Nam Phi và Ấn Độ kêu gọi mở rộng thành phần Hội đồng Bảo an để bao gồm đại diện của các nước đang phát triển ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh ở cả hai loại thành viên thường trực và không thường trực.

Izvestia dẫn lời Vinicius Rodriguez Vieira, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Cao cấp của Đại học Sao Paulo (Brazil), cho biết việc cải cách Hội đồng Bảo an là không thể nếu không có sự tham gia của các nhà lãnh đạo khu vực, đặc biệt là từ châu Phi hoặc châu Mỹ Latinh. Theo ông, Brazil là ứng cử viên tiềm năng tham gia Hội đồng Bảo an với tư cách là thành viên thường trực do tầm quan trọng và vị thế của đất nước này ở Nam Mỹ và Nam Đại Tây Dương. Hội đồng Bảo an phải bảo đảm tính toàn diện, và hiện nay 3 trong số 5 thành viên thường trực là đại diện của phương Tây. Trong khi Anh, Pháp đang rơi vào tình trạng giảm tốc kinh tế và vướng vào các thách thức nội tại, nên nếu hai nước này tiếp tục là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, thì Đức, Brazil, Nhật Bản và Ấn Độ hoàn toàn đủ điều kiện để trở thành thành viên thường trực.

Chuyên gia này cũng cho rằng, ảnh hưởng của Brazil ngày càng gia tăng không chỉ trong khu vực mà còn trên thế giới. Brazil là nền kinh tế lớn thứ hai ở Tây bán cầu sau Mỹ. Ngoài ra, đây là một trong 10 quốc gia lớn nhất về GDP, có ngành nông nghiệp phát triển và là một trong những nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu nông sản.

Tuy nhiên, việc cải tổ và mở rộng thành viên thường trực Hội đồng Bảo an sẽ vấp phải những khó khăn nhất định do bất đồng quan điểm của một số nước. Đơn cử, Pháp và Anh công khai kêu gọi không chỉ Ấn Độ, Brazil và các nước châu Phi, mà còn cả Đức và Nhật Bản vào danh sách thành viên thường trực Hội đồng Bảo an. Trong khi đó, Nga phản đối việc kết nạp Tokyo và Berlin; đồng thời, kêu gọi đưa các quốc gia thuộc Nam Bán cầu vào.

TASS dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh: “Các nước đang phát triển không có đủ đại diện trong Hội đồng Bảo an, vì vậy, Nga ủng hộ lợi ích và mong muốn chính đáng của Ấn Độ và Brazil đăng ký vào Hội đồng Bảo an. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải thỏa mãn nguyện vọng của người châu Phi”.

Nhận định về vấn đề này, ông Andrei Kortunov, Giám đốc khoa học của Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga cho rằng, các nước Nam bán cầu phải được đại diện nhiều hơn trong Hội đồng Bảo an và đó là lý do tại sao Nga ủng hộ Ấn Độ, Brazil và các nước châu Phi làm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an. Theo quan điểm của Nga, việc đưa Đức và Nhật Bản trong giai đoạn này sẽ không hiệu quả, bởi lẽ hai nước này phần lớn đại diện cho quan điểm của Mỹ.

Cuộc cải cách duy nhất của Hội đồng Bảo an được thực hiện vào năm 1965 sau sự sụp đổ của các đế quốc thuộc địa và sự hình thành của hàng chục quốc gia mới. Tuy nhiên, nó liên quan đến các thành viên không thường trực, khi đó số lượng thành viên không thường trực đã tăng từ 6 lên 10. Với những khó khăn như hiện nay, nhất là sự bất đồng quan điểm của các nước lớn, việc cải tổ Hội đồng Bảo an và mở rộng số lượng thành viên thường trực sẽ khó có thể xảy ra trong tương lai gần.

HÙNG LÂM

;
;
.
.
.
.
.