Căng thẳng Hàn Quốc - Triều Tiên leo thang đáng lo

.

Trong những ngày gần đây, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang rõ rệt với việc Triều Tiên phá hủy các tuyến đường bộ biên giới hai bên sau khi cáo buộc Hàn Quốc điều khiển máy bay không người lái (UAV) bay qua Bình Nhưỡng.

Chương trình thời sự tại nhà ga Seoul (Hàn Quốc) đưa tin Triều Tiên đã cho nổ tung một số đoạn đường ở phía bắc liên Triều vào ngày 15-10. Ảnh: Getty Images
Chương trình thời sự tại nhà ga Seoul (Hàn Quốc) đưa tin Triều Tiên đã cho nổ tung một số đoạn đường ở phía bắc liên Triều vào ngày 15-10. Ảnh: Getty Images

Theo Yonhap, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) thông báo, trưa 15-10, Triều Tiên cho nổ tung một số đoạn trên các đường Gyeongui và Donghae ở phía bắc Đường ranh giới quân sự (MLD) vốn được coi là biểu tượng của sự hợp tác liên Triều, nỗ lực cải thiện quan hệ hướng đến thống nhất trên bán đảo Triều Tiên. Được biết, hai miền Triều Tiên được kết nối bằng đường bộ và đường sắt dọc theo tuyến Gyeongui, nối thành phố biên giới phía tây Paju của Hàn Quốc với Kaesong của Triều Tiên và tuyến Donghae dọc theo bờ biển phía đông. JCS cho biết, các vụ nổ không gây bất kỳ thiệt hại nào ở phía biên giới của Hàn Quốc.

Vụ việc được xem là đòn giáng tiếp theo vào mối quan hệ song phương trên bán đảo Triều Tiên đang tăng nhiệt từng ngày. Thực ra, việc phá hủy các tuyến đường nói trên không tạo ra nhiều khác biệt bởi hai miền liên Triều vẫn bị chia cắt bởi một trong những đường biên giới được bảo vệ nghiêm ngặt nhất thế giới và các tuyến đường này không được sử dụng trong nhiều năm. Tuy nhiên, sự việc lại diễn ra vào đúng thời điểm chính quyền hai nước có những lời lẽ đặc biệt gay gắt với nhau.

Hành động của Triều Tiên diễn ra chỉ một ngày sau khi ông Kim Jong Un chủ trì cuộc họp tham vấn về an ninh quốc phòng vào ngày 14-10. Theo KCNA, ông Kim Jong Un, với cương vị Tổng Bí thư Đảng Lao động và Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên, thể hiện lập trường chính trị và quân sự cứng rắn của đảng cầm quyền và chính phủ Triều Tiên tại cuộc họp.

Ông lên án sự xâm nhập của các UAV là “hành động khiêu khích nghiêm trọng của đối phương”; đồng thời đề ra phương hướng hành động quân sự trong tình hình hiện tại. Theo đó, ông chỉ đạo cụ thể các nhiệm vụ về răn đe chiến tranh và thực thi quyền tự vệ để bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích quốc gia. Ngoài ra, cuộc họp cũng thảo luận kế hoạch đối phó quân sự, biện pháp hiện đại hóa vũ khí, tình hình sản xuất vũ khí và trang thiết bị, cũng như hoạt động tình báo của nước này.

Các động thái nói trên của Triều Tiên nhằm đáp trả việc Seoul bị cáo buộc điều khiển UAV bay qua Bình Nhưỡng. Tuần trước, báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, đưa tin về các hoạt động mà Triều Tiên cho là của UAV Hàn Quốc rải truyền đơn trên bầu trời thủ đô nước này. Bộ Ngoại giao Triều Tiên ra tuyên bố tuyên bố các UAV của Hàn Quốc đã xâm phạm không phận của Bình Nhưỡng 3 lần vào tháng 10-2024 để rải tờ rơi.

Theo KCNA, bà Kim Yo Jong, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong Un, tuyên bố Triều Tiên có bằng chứng đáng tin cậy cho thấy quân đội Hàn Quốc đứng sau các vụ UAV. Bộ Quốc phòng Triều Tiên tin rằng, các UAV này thuộc về quân đội Hàn Quốc dựa trên các đặc điểm kỹ thuật khi cần có đường băng hoặc bệ phóng để vận hành chúng. Đáng chú ý, bà Kim Yo Jong chỉ trích Mỹ phải chịu trách nhiệm cuối cùng về hành vi này của Seoul.

Ở chiều ngược lại, quân đội Hàn Quốc phủ nhận việc đứng sau các chuyến bay UAV, trong khi những đồn đoán tập trung vào những nhóm hoạt động ở nước này vốn từ lâu đã gửi truyền đơn và USD về phía Triều Tiên, thường bằng bong bóng.

Theo TASS, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh, chính quyền Hàn Quốc nên nghiêm túc xem xét các cảnh báo của Bình Nhưỡng và chấm dứt tình trạng leo thang hơn nữa trên bán đảo thông qua chiến dịch khiêu khích và liều lĩnh của họ, điều này làm gia tăng căng thẳng và có thể dẫn đến các cuộc đối đầu vũ trang thực sự.

“Chỉ có các biện pháp chính trị và ngoại giao, dựa trên nguyên tắc an ninh không thể chia cắt, mới có thể bảo đảm hòa bình và ổn định lâu dài trong tiểu vùng. Không có hướng đi thay thế nào khác”, trang web của Bộ Ngoại giao Nga dẫn lời bà Zakharova ngày 14-10. Nga vẫn cam kết đóng vai trò xây dựng trên bán đảo Triều Tiên, nỗ lực ngăn chặn các diễn biến nguy hiểm và đưa tình hình trở lại quỹ đạo tích cực, bao gồm cả thông qua khuôn khổ Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện với Triều Tiên.

Những diễn biến mới nhất càng làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xung đột trên bán đảo Triều Tiên, đặc biệt khi cả hai bên đều có những tuyên bố và hành động răn đe cứng rắn và không có bất kỳ dấu hiệu nhượng bộ. Cộng đồng quốc tế đang tiếp tục kêu gọi các bên kiềm chế và tìm kiếm giải pháp ngoại giao để hạ nhiệt căng thẳng.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.