Chiến lược sức mạnh mềm của Hàn Quốc

.

Đi cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp tiên tiến, hiện đại, không ngừng tạo ra nhiều sản phẩm công nghệ hàng đầu thế giới, Hàn Quốc vẫn hết sức quan tâm đến đời sống tinh thần của công chúng, trong đó văn học, điện ảnh và âm nhạc là những điểm nhấn để đưa đất nước của Xứ sở kim chi có chỗ đứng xứng tầm trên trường quốc tế.

Để đạt được những thành tựu trong thực tiễn, Chính phủ Hàn Quốc ngay từ sớm đã nhận thức và đánh giá đúng về vai trò của sức mạnh mềm văn hóa đối với sức mạnh tổng hợp quốc gia, trên cơ sở đó đưa ra chiến lược xây dựng sức mạnh mềm với tầm nhìn dài hạn bên cạnh “sức mạnh cứng” trên cơ sở ba nguồn lực chính: văn hóa, tiềm lực kinh tế và chính sách đối ngoại.

Riêng đối với văn hóa, Chính phủ Hàn Quốc luôn đặt yếu tố này ở vị trí then chốt và hết sức chú trọng chiến lược phát triển văn hóa theo những nguyên tắc, mục tiêu rõ ràng, thông qua các cơ quan đa phương, tổ chức chính phủ, phi chính phủ, tổ chức tư nhân cùng các phương tiện truyền thông... Trong đó, đặt mục tiêu đưa hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Hàn Quốc ngày càng trở nên thu hút hơn đối với thế giới, thúc đẩy sự phát triển không ngừng của đất nước về nhiều mặt. Chính vì vậy mà những năm qua Hàn Quốc tạo ra nhiều sự kiện mang tầm vóc thế giới.

Với ý chí kiên cường và cách tiếp cận đúng đắn, nên các sản phẩm văn hóa Hàn Quốc (gồm phim ảnh, truyền hình, âm nhạc, nghệ thuật...) đã thâm nhập sâu rộng vào nhiều quốc gia trên thế giới. “Làn sóng Hàn Quốc” (Hallyu/Hàn lưu) thông qua âm nhạc đại chúng (K-pop) và các bộ phim truyền hình nhiều tập có sức lan tỏa mạnh mẽ dần trở thành trào lưu nổi tiếng khắp châu Á.

Financial Times từng nhận định, làn sóng văn hóa Hàn Quốc đã vượt qua các nước châu Á và lan chảy ra toàn thế giới. Điều này không những mang lại nguồn lợi kinh tế hàng chục tỷ USD rõ rệt mà còn góp phần quảng bá, nâng cao vị thế của Hàn Quốc trên thế giới. Qua đó, người dân ở các nước không chỉ hiểu thêm về văn hóa Hàn Quốc mà còn thấy rõ sức mạnh và thành quả kinh tế của nước này. Trong đó, thành công về lĩnh vực điện ảnh ở tầm thế giới phải nói đến bộ phim “Ký sinh trùng” đoạt giải Oscar.

Đặc biệt gần đây, sự kiện gây chấn động Hàn Quốc và làm nức lòng giới văn học châu Á, cũng như thế giới, nhất là các nhà văn nữ, là giải thưởng Nobel Văn học danh giá năm 2024 được trao cho nhà văn nữ người Hàn Quốc Han Kang với những tác phẩm nổi tiếng của bà vào ngày 10-10. Trong đó có thể kể đến như ‘The Vegetarian’, (Người ăn chay), cuốn sách khắc họa những hậu quả bạo lực xảy ra khi nhân vật Yeong Hye từ chối ăn thịt. Tác phẩm này đã trở thành tiểu thuyết tiếng Hàn đầu tiên giành giải Booker Quốc tế.

The Guardian dẫn lời Anders Olsson, Chủ tịch Hội đồng giải Nobel, nhận xét về Han Kang: “Cô ấy có khả năng đặc biệt nhận biết sự kết nối giữa tâm hồn và thể xác, sự sống và cái chết. Phong cách sáng tác đầy chất thơ và giàu trải nghiệm giúp cô ấy trở thành một nhà cải cách trong văn chương đương đại”. Với thành công này của Han Kang đã đưa văn học Hàn Quốc có một vị trí xứng đáng trong nền văn học thế giới đương đại.

Có thể nói, việc Chính phủ Hàn Quốc triển khai chính sách cụ thể để tạo dựng nền tảng cho sự phát triển nền văn hóa, trong đó văn học, điện ảnh, âm nhạc cho thấy tầm nhìn về vai trò của sức mạnh mềm trong chiến lược xây dựng và phát triển đất nước. Những kết quả đạt được góp phần khẳng định giá trị bản sắc của một quốc gia trong sự cạnh tranh chung toàn cầu, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Thành công đó đã đem lại cho Hàn Quốc nhiều lợi ích to lớn, tạo nên các giá trị văn hóa mới, nâng cao đời sống tinh thần của người dân, cũng như nhiều giá trị kinh tế lớn, đưa văn hóa trở thành ngành công nghiệp “mũi nhọn” và là một trong những trụ cột của nền kinh tế Hàn Quốc.

LÊ MINH HÙNG

;
;
.
.
.
.
.