Điểm nhấn đáng chú ý của mùa giải Nobel 2024

.

Tuần lễ Nobel 2024 không chỉ là dịp để vinh danh “những khối óc xuất sắc”, mà còn là thời điểm nhìn lại những thành tựu đột phá trong lĩnh vực khoa học. Những khám phá mới không chỉ mang lại giải pháp cho các vấn đề hiện tại mà còn mở ra tương lai tươi sáng cho các thế hệ sau.

Một bức ảnh chụp tại Oslo, Na Uy cho thấy bản sao mặt trước và mặt sau của huy chương Giải thưởng Nobel Hòa bình. Ảnh: AFP
Một bức ảnh chụp tại Oslo, Na Uy cho thấy bản sao mặt trước và mặt sau của huy chương Giải thưởng Nobel Hòa bình. Ảnh: AFP

“Chiến thắng liên ngành” của AI

Điều dễ dàng nhận thấy là hai giải Nobel trong một tuần đều ghi nhận tầm quan trọng của trí tuệ nhân tạo (AI), lĩnh vực vốn đã trải qua nhiều thập kỷ ẩn mình trong hậu trường của khoa học khi ít được chú ý và thiếu sự đầu tư. Ngày 8-10, giải Nobel Vật lý vinh danh nghiên cứu tiên phong tạo nên nền tảng cho AI hiện đại. Ngay sau đó, ngày 9-10, giải Nobel Hóa học tôn vinh công trình hé lộ những bí mật của protein thông qua AI.

Theo trang Nobel Prize, nhà khoa học người Mỹ John Hopfield và nhà khoa học người Anh - Canada Geoffrey Hinton giành giải Nobel Vật lý 2024 cho những khám phá và phát minh trong công nghệ học máy, mở đường cho sự bùng nổ của AI. Công nghệ học máy (Machine Learning) là một nhánh của AI, cho phép máy tính học hỏi và đưa ra dự đoán hoặc quyết định mà không cần được lập trình cụ thể cho từng nhiệm vụ. Thay vào đó, máy học sẽ tự động tìm ra các mẫu và quy luật từ dữ liệu lớn, sau đó sử dụng những kiến thức này để thực hiện các tác vụ khác nhau. Mặc dù được kỳ vọng sẽ mang đến những đột phá lớn trong khoa học và quản lý, công nghệ mới nổi mà bộ đôi này nghiên cứu cũng đồng thời dấy lên lo ngại về một tương lai trỗi dậy của AI khi nó có khả năng thông minh vượt con người.

Reuters dẫn lời Giáo sư John Hopfield cho rằng: “Khi chúng ta tạo ra những hệ thống đủ phức tạp, chúng có thể có những hành vi mà chúng ta không thể dự đoán được dựa trên các thành phần ban đầu. Điều này cho thấy bên trong những hệ thống đó có thể tồn tại những quy luật vật lý mới mà chúng ta chưa khám phá hết”. Giáo sư John Hopfield  nhấn mạnh cần thận trọng trước những khả năng chưa được khám phá đầy đủ của AI, đặc biệt là tác động không lường trước được của nó. “Chúng ta đều biết rằng, công nghệ thường là con dao hai lưỡi, vừa mang lại lợi ích to lớn vừa tiềm ẩn những nguy hại khôn lường”, Giáo sư John Hopfield nói.

Theo Euronews, các nhà khoa học khác cho rằng thay vì coi việc các nhà tiên phong AI được trao giải Nobel là điều đáng tranh cãi, chúng ta nên khuyến khích điều này. Có lẽ đã đến lúc cần có một hạng mục giải Nobel mới để công nhận các đóng góp của AI. Thực tế, AI có thể phù hợp với hầu hết các danh mục và có thể tác động đến tất cả cuộc sống của chúng ta ở một mức độ nào đó. Ví dụ, công nghệ này cũng đã được sử dụng để quản lý giao thông đường bộ theo thời gian thực, các ứng dụng dẫn đường như Google Maps và trong các vật dụng hằng ngày như máy hút bụi robot.

AI có lịch sử lâu dài, xuất hiện vào thập niên 1950 và 1960 với công cụ chatbox thô sơ, máy dịch và thuật toán đơn giản. Nhưng nhiều thí nghiệm thời kỳ đầu thất bại và các nhà nghiên cứu chật vật tìm kiếm kinh phí, đặc biệt trong thập niên từ 1970 đến 1990, thời kỳ có biệt danh “mùa đông AI”. Trước làn sóng quan tâm gần đây nhất do ChatGPT khơi dậy vào năm 2022, AI chỉ có vài khoảnh khắc làm dậy sóng trí tưởng tượng của công chúng.

Lời nhắc nhở mạnh mẽ

Bên cạnh các giải khác, giải Nobel Hòa bình năm nay dường như đón nhận sự ủng hộ mạnh mẽ trong cộng đồng quốc tế. Trong bối cảnh dư luận thế giới hết sức quan tâm về nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân, giải Nobel Hòa bình 2024 thuộc về tổ chức Nihon Hidankyo của Nhật Bản vì nỗ lực hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân và chứng minh qua lời kể của các nhân chứng rằng vũ khí hạt nhân không bao giờ được sử dụng nữa.

Theo AP, Nihon Hidankyo là tổ chức đại diện cho những người sống sót sau các vụ ném bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki, còn được gọi là Hibakusha, trong Thế chiến 2. Tổ chức này được thành lập để bảo vệ quyền lợi của các nạn nhân, cung cấp hỗ trợ y tế, và vận động cho hòa bình, cũng như ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong tương lai. “Tình hình quốc tế đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn, và xung đột đang nổ ra trong bối cảnh có mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân” - ông Shigemitsu Tanaka, người sống sót sau vụ Mỹ đánh bom Nagasaki năm 1945 và là đồng lãnh đạo nhóm Nihon Hidankyo, nhận định với Reuters ngày 12-10.

Có thể thấy, Ủy ban Nobel đã nhìn thấu rõ những nguy cơ tiềm tàng nảy sinh từ các xung đột hiện hữu chưa hồi kết, từ Trung Đông đến Ukraine. Giải thưởng năm nay có thể được xem là hồi chuông cảnh tỉnh đúng thời điểm, kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng chung tay xoa dịu những bất ổn an ninh thế giới hiện nay.

Ngày 14-10, mùa Nobel năm 2024 khép lại khi chủ nhân giải thưởng cuối cùng là Nobel Kinh tế được xướng tên.

Chủ nhân giải Nobel từng nhận giải thưởng VinFuture (Việt Nam)
Việc hai chủ nhân Giải thưởng VinFuture được nhận giải Nobel Hóa học 2024 rõ ràng không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà một lần nữa cho thấy tầm nhìn tiên phong, đón đầu xu hướng toàn cầu của Giải thưởng khoa học và công nghệ quốc tế đầu tiên do người Việt Nam khởi xướng, trong việc nhận diện và vinh danh các phát minh có sức ảnh hưởng sâu rộng đối với sự phát triển của nhân loại. Cụ thể, trong số 3 chủ nhân giải Nobel Hóa học 2024, 2 nhà khoa học là Demis Hassabis và John Jumper với công trình đột phá về sử dụng AI để “giải mã” cấu trúc của hầu hết các loại protein đã được vinh danh tại Giải đặc biệt VinFuture dành cho Nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới vào năm 2022.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.