Đông Á và Thái Bình Dương có thể tăng trưởng chững lại

.

Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương dự kiến giảm còn 4,4% trong năm 2025. Nguyên nhân chính là do tình hình kinh tế Trung Quốc cùng với nhiều thách thức từ bên ngoài.

WB dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm từ 4,8% năm 2024 xuống còn 4,3% trong năm 2025. TRONG ẢNH: Các container hàng hóa tại cảng biển ở tỉnh Giang Tô (Trung Quốc). Ảnh: Bloomberg
WB dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm từ 4,8% năm 2024 xuống còn 4,3% trong năm 2025. TRONG ẢNH: Các container hàng hóa tại cảng biển ở tỉnh Giang Tô (Trung Quốc). Ảnh: Bloomberg

Suy giảm tăng trưởng

Theo báo cáo của WB công bố ngày 7-10 trên trang web của tổ chức này, tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương dự kiến giảm từ 4,8% của năm 2024 xuống còn 4,4% trong năm 2025. Cụ thể, tăng trưởng GDP của Trung Quốc dự báo giảm từ 4,8% năm 2024 xuống còn 4,3% trong năm 2025. Nguyên nhân chính là do thị trường bất động sản suy yếu kéo dài, niềm tin tiêu dùng và đầu tư thấp, cùng với những thách thức mang tính cấu trúc như già hóa dân số và căng thẳng toàn cầu. Business Insider dẫn nhận định của ông Aaditya Mattoo, Chuyên gia Kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB, cho biết: “Trong ba thập niên qua, tăng trưởng của Trung Quốc tác động tích cực lan tỏa sang các nước láng giềng, nhưng quy mô của động lực này hiện đang giảm dần”.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra một số yếu tố khác ảnh hưởng tăng trưởng khu vực. Thứ nhất là sự thay đổi trong thương mại và đầu tư toàn cầu. Căng thẳng thương mại gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc đã tạo cơ hội cho một số quốc gia tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách “kết nối” với các đối tác thương mại lớn. Tuy nhiên, bằng chứng mới cho thấy các nền kinh tế có thể ngày càng bị giới hạn trong việc đóng vai trò “kết nối một chiều” do các quy tắc xuất xứ mới nghiêm ngặt hơn đối với hàng nhập khẩu và các hạn chế xuất khẩu được áp đặt.

Nguyên nhân thứ hai dẫn tới việc giảm tăng trưởng của khu vực là sự gia tăng bất ổn trong chính sách toàn cầu. Theo ước tính của WB, tình trạng bất ổn gia tăng có thể làm giảm sản xuất công nghiệp và vốn hóa thị trường chứng khoán ở Đông Á và Thái Bình Dương lần lượt 0,5% và 1%.

Ngoài ra, báo cáo cũng đề cập tác động của xung đột ở Trung Đông. Nikkei chỉ ra: chi phí vận chuyển toàn cầu tăng gần 40% kể từ tháng 10-2023, khi Hamas phát động cuộc tấn công Israel và kéo theo màn đáp trả dai dẳng sau đó của Tel Aviv.

Xu hướng tương lai

Mặc dù dự báo tăng trưởng chung của khu vực giảm, WB vẫn nhận thấy một số điểm sáng và xu hướng đáng chú ý trong tương lai đối với Đông Á và Thái Bình Dương. Thứ nhất, theo phân tích của Nikkei, các nước trong khu vực ngoài Trung Quốc dự kiến có mức tăng trưởng khả quan hơn, từ 4,7% năm 2024 lên 4,9% năm 2025. Động lực chính đến từ sự gia tăng tiêu dùng nội địa, phục hồi xuất khẩu hàng hóa và du lịch bùng nổ trở lại.

Thứ hai, một số quốc gia như Việt Nam và Philippines được dự báo có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực, lần lượt là 6,5% và 6,1% vào năm 2025. Trong khi đó, Indonesia được kỳ vọng là nước duy nhất trong số các nền kinh tế lớn của khu vực có thể duy trì tốc độ tăng trưởng bằng hoặc cao hơn mức trước Covid-19 trong năm 2024 và 2025, theo WB.

Thứ ba, tờ Nation lưu ý tới điểm nhấn trong báo cáo WB nói về vai trò ngày càng quan trọng của công nghệ mới trong việc tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng. Theo ước tính của WB, việc áp dụng robot công nghiệp giúp tạo ra khoảng 2 triệu việc làm cho lao động có kỹ năng trong khu vực ở giai đoạn 2018-2022. Tuy nhiên, cũng đã có khoảng 1,4 triệu lao động kỹ năng thấp bị mất việc làm do tự động hóa trong cùng kỳ.

Đáng chú ý, do đặc thù công việc chủ yếu dựa trên các nhiệm vụ thủ công ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, tỷ lệ công việc bị đe dọa bởi AI thấp hơn so với các nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, khu vực này cũng ít có khả năng tận dụng lợi ích về năng suất của AI vì chỉ có 10% công việc liên quan đến các nhiệm vụ bổ trợ cho AI, so với khoảng 30% ở các nền kinh tế phát triển.

Để đối phó với các thách thức và tận dụng cơ hội tương lai, WB khuyến nghị các nước trong khu vực cần tập trung vào hai hướng chính: đẩy mạnh các thỏa thuận thương mại sâu rộng; trang bị cho người lao động những kỹ năng cần thiết để thích ứng với công nghệ mới. Cụ thể, báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng số, cùng với cải cách toàn diện hệ thống giáo dục để đáp ứng nhu cầu kỹ năng trong tương lai. Ngoài ra, các nước cũng cần thúc đẩy môi trường pháp lý thân thiện với đổi mới sáng tạo, giúp hỗ trợ và đẩy nhanh quá trình thích ứng công nghệ. 

“Các quốc gia trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương tiếp tục là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, tăng trưởng đang chậm lại. Để duy trì tăng trưởng mạnh mẽ trong trung hạn, các quốc gia cần chủ động hiện đại hóa và cải cách nền kinh tế để thích ứng với những thay đổi trong mô hình thương mại và công nghệ”, Bà Manuela V. Ferro, Phó Chủ tịch WB phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, khuyến nghị trên trang web của WB.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.