Giá dầu tăng nhiệt theo tình hình Trung Đông

.

Leo thang xung đột đáng lo ngại tại Trung Đông các ngày qua khiến giá dầu tăng vọt, nhưng trong thông báo mới nhất, nhóm OPEC+ cho biết vẫn giữ nguyên kế hoạch sản lượng. Các chuyên gia lo ngại về nguồn cung dầu toàn cầu nếu tình hình tiếp tục căng thẳng.

Nhà máy lọc dầu Abadan, nhà máy lọc dầu lớn nhất Iran. Ảnh: IRNA
Nhà máy lọc dầu Abadan, nhà máy lọc dầu lớn nhất Iran. Ảnh: IRNA

Thị trường dầu mỏ chứng kiến biến động mạnh gần đây khi căng thẳng giữa Iran và Israel leo thang. Theo Reuters, ngày 2-10, giá dầu Brent giao sau trên sàn giao dịch ICE tăng 2,9% lên 73,56 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI tăng 3,5% lên 70,92 USD/thùng sau khi Iran không kích Israel.

OPEC+ giữ nguyên kế hoạch sản lượng

Cho tới lúc này, tác động lên thị trường dầu mỏ vẫn còn hạn chế do hầu hết tên lửa của Iran đã bị hệ thống phòng thủ của Israel đánh chặn và chỉ một thường dân Palestine ở Bờ Tây thiệt mạng. Tuy nhiên mối lo ngại chính của thị trường là khả năng Israel có thể tấn công trả đũa vào các cơ sở dầu mỏ của Iran, điều này sẽ đẩy giá dầu thô tăng mạnh. Theo OPEC, Iran là một trong 10 nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới, với sản lượng đạt hơn 3,3 triệu thùng/ngày vào tháng 8-2023- mức cao nhất trong 5 năm qua. Iran xuất khẩu một nửa sản lượng, chiếm khoảng 2% nguồn cung toàn cầu.

Trước bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng tại Trung Đông, nhóm OPEC+ vẫn quyết định giữ nguyên chính sách sản lượng hiện tại sau cuộc họp trực tuyến của Ủy ban Giám sát chung cấp Bộ trưởng (JMMC) của khối vào ngày 3-10. Theo Bloomberg, OPEC+ dự kiến bắt đầu tăng sản lượng dần dần từ cuối năm nay, bắt đầu với việc tăng 180.000 thùng/ngày trong tháng 12-2024. Trang government.ru dẫn lời Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak,  cho biết: “Năm nay, mức tăng tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ lên tới khoảng 1,8 triệu thùng mỗi ngày. Đồng thời, nhu cầu chung năm nay cao hơn những năm trước vốn chỉ đạt mức trung bình 1-1,1 triệu thùng/ngày. Điều này cho thấy nền kinh tế đang tăng trưởng và nhu cầu ngày càng tăng ở nhiều khu vực trên thế giới, bao gồm cả Trung Quốc và Mỹ”.

Tuy nhiên, các nhà phân tích từ hai công ty JPMorgan Chase & Co. và Citigroup Inc. tỏ ra hoài nghi về việc OPEC+ sẽ tiếp tục tăng sản lượng theo kế hoạch. Bloomberg dẫn ước tính của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, tiêu thụ dầu sẽ tăng chưa đến 1 triệu thùng/ngày vào năm 2025, trong khi nguồn cung dự kiến tăng 50% so với con số này, dẫn đến tình trạng dư thừa ngay cả khi OPEC+ tiếp tục hạn chế sản lượng.

Dự báo về giá dầu trong thời gian tới

Ở thời điểm hiện tại, các chuyên gia có nhiều quan điểm khác nhau về diễn biến giá dầu trong thời gian tới. Bà Helima Croft thuộc ngân hàng RBC Capital Markets của Canada nhận định với Reuters: “Iran và các lực lượng ủy nhiệm có thể nhắm vào hoạt động năng lượng ở những nơi khác trong khu vực nhằm quốc tế hóa chi phí nếu cuộc khủng hoảng hiện tại biến thành cuộc chiến toàn diện”. Về ý “quốc tế hóa chi phí”, theo bà Croft có nghĩa Iran có thể tìm cách mở rộng phạm vi thiệt hại của cuộc xung đột ra toàn cầu, để các quốc gia khác, đặc biệt là các nước phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ khu vực, cũng phải chịu chi phí kinh tế và rủi ro chính trị. Điều này làm tăng áp lực lên các nước trong việc can thiệp hoặc giải quyết xung đột.

Tuy nhiên, Reuters cũng dẫn ý kiến của ông Rhett Bennett, Giám đốc điều hành công ty khai thác năng lượng Black Mountain (Mỹ), cho rằng, sự gia tăng sản lượng của Mỹ giúp giảm bớt những rủi ro trong thị trường dầu mỏ. Ông nói: “Sự đa dạng hóa nguồn cung từ các nguồn trong nước của Mỹ, kết hợp với công suất dự phòng lành mạnh trong OPEC, đang khiến thị trường cảm thấy được bảo vệ khỏi cú sốc nguồn cung đột ngột - bất kể các cuộc xung đột ở Trung Đông liên tục bùng phát”.

Bà Amrita Sen, đồng sáng lập công ty Energy Aspects, nhận định với Reuters: “Về lý thuyết, nếu chúng ta mất toàn bộ sản lượng của Iran - dù đây không phải là kịch bản cơ bản mà chúng tôi dự đoán thì OPEC+ vẫn có đủ năng lực dự trữ để bù đắp cho cú sốc này”. Theo đó, OPEC+ có năng lực dự phòng cần thiết để bù đắp thiệt hại nếu sản lượng của Iran bị gián đoạn hoàn toàn do xung đột, nhưng đây không phải là kịch bản mà bà Sen cho rằng có khả năng cao nhất sẽ xảy ra.

Dù vậy các chuyên gia cũng cảnh báo nếu xung đột leo thang thành cuộc chiến rộng lớn hơn ở Trung Đông, gây tác động lớn đến sản xuất, giá dầu sẽ không thể tránh khỏi việc tăng mạnh. Điều này có thể đẩy giá xăng dầu lên cao, gây khó khăn cho nền kinh tế toàn cầu vốn đang phải đối mặt với nhiều thách thức về lạm phát và tăng trưởng. Trong bối cảnh đầy biến động này, giới quan sát cũng như đầu tư vẫn theo dõi sát sao diễn biến địa chính trị ở Trung Đông, cũng như các quyết định của OPEC+ trong thời gian tới. Những yếu tố này sẽ có ảnh hưởng quan trọng đến xu hướng giá dầu và tác động lan tỏa đến nền kinh tế toàn cầu trong năm 2024 và 2025.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.