Kêu gọi Mỹ đảo ngược chính sách đối với Cuba

.

Ngày càng có thêm nhiều tiếng nói mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế kêu gọi Mỹ đảo ngược chính sách khắc nghiệt kéo dài hàng thập niên qua đối với Cuba vốn gây thiệt hại nghiêm trọng đến kinh tế và đời sống người dân quốc đảo vùng Caribe.

Cuba khôi phục phần lớn hệ thống điện quốc gia. Ảnh: ACN
Cuba khôi phục phần lớn hệ thống điện quốc gia. Ảnh: ACN

Thêm nhiều tiếng nói ủng hộ Cuba

Gần đây, The New York Times đăng lá thư ngỏ gửi Tổng thống Joe Biden, trong đó kêu gọi ông đảo ngược chính sách khắc nghiệt đối với Cuba của người tiền nhiệm Donald Trump trong 90 ngày cuối cùng tại nhiệm. Bức thư nêu rõ: “Chưa quá muộn để thay đổi thực tế này bằng một chữ ký đơn giản. Hãy để Cuba được sống”. Lá thư được công bố trong bối cảnh Cuba đang phải đối mặt cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng cùng với một cơn bão.

Bức thư cho biết, bất chấp việc có nhiều lời kêu gọi quay trở lại nỗ lực bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba của cựu Tổng thống Barack Obama, Tổng thống Biden vẫn duy trì chính sách hà khắc đối với Cuba vốn được áp dụng từ thời chính quyền của ông Trump. Trong 6 thập niên qua, lệnh cấm vận của Mỹ gây thiệt hại cho Cuba khoảng hơn 164 tỷ USD. Chỉ riêng từ ngày 1-3-2023 đến ngày 29-2-2024, Cuba chịu thiệt hại khoảng 5 tỷ USD, tức khoảng 421 triệu USD mỗi tháng, 13,8 triệu USD mỗi ngày hoặc 575.000 USD mỗi giờ. Đây là trở ngại chính đối với sự phát triển của quốc gia này. Bên cạnh đó, việc chính quyền của ông Trump áp đặt hơn 240 lệnh trừng phạt mới đối với Cuba rõ ràng là sự bất công khiến người dân Cuba không thể tiếp cận được với thực phẩm, thuốc men và nhiên liệu thiết yếu.

Theo Brasil de Fato, ngày 21-10, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm cho rằng, lệnh cấm vận của Mỹ đã tàn phá sự phát triển kinh tế, xã hội và cuộc sống của người dân Cuba. Trung Quốc một lần nữa kêu gọi Mỹ tuân thủ các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc (LHQ) và các chuẩn mực cơ bản của luật pháp quốc tế, dỡ bỏ hoàn toàn lệnh phong tỏa và trừng phạt Cuba càng sớm càng tốt và đưa Cuba khỏi danh sách “các quốc gia tài trợ cho khủng bố”. Điều này vì lợi ích của cả Mỹ và Cuba cũng như nhân dân hai nước, đồng thời có lợi cho sự ổn định và phát triển của khu vực. Đây cũng là điều mà cộng đồng quốc tế đang mong đợi.

Đến nay, cộng đồng quốc tế và các nghị quyết nhất quán của Đại hội đồng LHQ đã kêu gọi đưa Cuba ra khỏi danh sách các nước tài trợ cho khủng bố và chấm dứt lệnh cấm vận đơn phương của Mỹ đối với đảo quốc Caribe này. Theo TASS, Cuba sẽ đệ trình nghị quyết phản đối lệnh cấm vận của Mỹ lên Đại hội đồng LHQ lần thứ 32 vào ngày 30-10. LHQ dự kiến tổ chức bỏ phiếu thường niên vào tuần tới về nghị quyết dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Cuba. Đến nay số quốc gia bỏ phiếu thông qua nghị quyết đã tăng lên 187. Tuy nhiên, lệnh cấm vận này vẫn đang tiếp diễn vì các quyết định của Đại hội đồng LHQ không mang tính ràng buộc.

Cuba sẵn sàng đối thoại với Mỹ

TASS gần đây dẫn lời Trưởng phái đoàn Cuba tại LHQ Ernesto Soberon Guzman cho biết, nước này sẵn sàng đối thoại với Mỹ trên cơ sở bình đẳng bất kể ai chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới. “Chúng tôi không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác và mong muốn điều tương tự đối với Cuba. Chúng tôi sẵn sàng đối thoại trên cơ sở bình đẳng và triển khai nhiều dự án khác nhau với các đối tác Mỹ”, ông Guzman cho biết.

Theo Prensa Latina, ngày 23-10, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel Bermúdez khẳng định, khoảng 41 quốc gia và một số tổ chức quốc tế đã bày tỏ sự đoàn kết với Cuba. “Mỹ tuyên bố rằng Cuba không yêu cầu giúp đỡ. Nhưng thực tế, lời yêu cầu của chúng tôi hiện nay là: Hãy dỡ bỏ lệnh cấm vận”, nhà lãnh đạo Cuba viết trên X khi ám chỉ đến chính sách hà khắc của Washington. Đến nay, chính phủ nhiều nước gồm Venezuela, Mexico, Colombia, Nga và Barbados… ngỏ lời sẵn sàng hỗ trợ Cuba nhanh chóng giải quyết khó khăn hiện nay.

Trước đó, tháng 5-2024, Bộ Tài chính Mỹ công bố những thay đổi về quy định kiểm soát tài sản Cuba, qua đó cho phép hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp tư nhân của đảo quốc Caribe tiếp cận các dịch vụ trực tuyến tại Mỹ, nhằm hỗ trợ người dân Cuba, gồm các doanh nhân độc lập thuộc khu vực tư nhân, tạo điều kiện cho việc gửi tiền và thanh toán giao dịch trong khu vực này. Tuy nhiên, các biện pháp này không được áp dụng đối với các thành viên Chính phủ Cuba và sĩ quan trong lực lượng quân đội nước này. Phản ứng trước động thái này, giới chức Cuba nhấn mạnh rằng các biện pháp của Mỹ vẫn chưa thể chạm tới nội dung cốt lõi của việc bao vây cấm vận và chưa thể đảo ngược tác động bóp nghẹt kinh tế Cuba. 

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.