Kinh nghiệm phòng, chống lũ lụt tại các nước

.

Mưa lũ được dự báo sẽ ngày càng trở nên khốc liệt hơn trên toàn cầu. Trong bối cảnh như vậy, những bài học kinh nghiệm và sáng kiến của các quốc gia đi đầu trong phòng chống và ứng phó ngập lụt sẽ thực sự hữu ích.

Nhân viên đang làm việc tại công trình Kênh xả ngầm khu vực đô thị ở Nhật Bản tháng 7-2024. Ảnh: Reuters
Nhân viên đang làm việc tại công trình Kênh xả ngầm khu vực đô thị ở Nhật Bản tháng 7-2024. Ảnh: Reuters

“Hệ thống thoát nước” lớn nhất thế giới

Reuters gần đây đăng bài viết ca ngợi tính hiệu quả của công trình khổng lồ dưới lòng đất giúp thủ đô Tokyo (Nhật Bản) tránh thiệt hại do ngập lụt. Công trình Kênh xả ngầm khu vực đô thị (MAOUDC) trông giống như những “nhà thờ” khổng lồ dưới lòng đất. Kể từ khi đi vào hoạt động năm 2006, công trình với vốn đầu tư khoảng 230 tỷ yên (1,6 tỷ USD) này đã làm giảm hơn 150 tỷ yên thiệt hại do ngập lụt gây ra. Được mệnh danh là “nhà thờ” vì không gian bên trong công trình tối tăm, được điểm xuyết bằng những tia sáng tự nhiên từ các lỗ trên trần, cộng với 59 cây cột khổng lồ cao vút, mỗi cột nặng 551 tấn và cao 18m gợi lên hình ảnh công trình tôn giáo cổ xưa. Không gian rộng lớn này có khả năng trữ lượng nước tương đương 100 bể bơi cỡ Olympic.

Về cơ chế hoạt động, khi xuất hiện mưa lớn khiến các con sông gần đó ngập lụt, nước tràn qua 5 giếng bê-tông lớn cao 65m và có đường kính 32m, chảy qua 6,3km đường hầm ngầm khổng lồ trước khi tích tụ trong bể chứa, trước khi được đẩy ra biển. Toàn bộ quy trình xử lý nước bằng 78 máy bơm công suất lớn lên tới 200 tấn nước/giây. Đơn cử, trong cơn bão Shanshan đổ bộ vào Nhật Bản cuối tháng 8-2024, MAOUDC đã thu thập nước mưa, sau đó nước được bơm an toàn vào sông Edogawa và chảy ra biển.

Được biết, Tokyo nằm trong khu vực dễ xảy ra thiên tai, đặc biệt là bão và mưa lớn, có thể gây lũ lụt nghiêm trọng, cùng với địa hình trũng thấp cắt ngang bởi năm hệ thống sông lớn, nhỏ. Quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, công nghiệp hóa nhanh chóng khiến một số khu vực bị sụt lún, làm tăng nguy cơ ngập lụt cho thành phố. Với vị thế là trung tâm kinh tế toàn cầu và trung tâm đô thị đông dân của Tokyo, Chính phủ Nhật Bản quyết tâm hành động chống lũ lụt và đó là lý do MAOUDC hình thành và phát huy hiệu quả.

Ngoài sự đột phá về mặt kỹ thuật, công trình này còn là một điểm du lịch và điểm quay phim nổi tiếng.

Gần đây, khi tình trạng nóng lên toàn cầu gây ra thời tiết khắc nghiệt hơn, các nhà chức trách Nhật Bản đang nâng cấp hệ thống một cách đáng kể. Và gần trung tâm Tokyo hơn, một dự án lớn khác đang được tiến hành để kết nối các kênh dẫn nước tràn từ sông Shirako và Kanda. Khi hoàn thành vào năm 2027, dự án sẽ dẫn nước lũ xuống lòng đất khoảng 13km ra Vịnh Tokyo.

Giải pháp của Áo

Mưa lớn bất thường tại khu vực Trung Âu vào giữa tháng 9-2024 gây ra lũ lụt nghiêm trọng tại nhiều nơi. Qua trận lũ lịch sử này, truyền thông quốc tế ghi nhận sáng kiến, chiến lược chống lũ hiệu quả ở một số nước, qua đó có thể trở thành bài học để các nơi khác trong nỗ lực ứng phó với ngập lụt.

Theo BBC, tại Áo, ngoài hệ thống tàu điện ngầm ở thủ đô Vienna bị gián đoạn hoạt động, các ngôi nhà tại thành phố này gần như không bị ảnh hưởng. Điều này không phải là do Vienna nằm trên vùng đất cao hơn so với các khu vực xung quanh, mà nhờ chiến lược phòng chống lũ hiệu quả đã được xây dựng từ trước đó. Kinh nghiệm của thành phố này có thể là bài học về cách giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.

Hòn đảo nhân tạo đảo Danube và kênh kiểm soát lũ lụt New Danube trở thành trụ cột của hệ thống phòng chống ngập lụt của Vienna. Hệ thống này được thiết kế để xử lý lưu lượng nước lũ 14.000m3/giây, tương đương lũ lụt 5.000 năm có một. Công trình phức hợp này cho thấy rõ hiệu quả vào năm 2013 khi lưu vực ở thượng nguồn sông Danube hứng chịu một trong những trận lũ lụt lớn nhất trong hai thế kỷ. Lưu lượng lũ của sông Danube ở Vienna đạt mức khoảng 11.000m3/giây, nhưng Vienna tránh được thiệt hại nghiêm trọng nhờ hệ thống phòng chống lũ lụt của thành phố. Không có ngôi nhà nào ở Vienna bị đe dọa so với 400.000 hộ dân trên khắp nước Áo.

The Guardian đăng bài viết gần đây của Gernot Wagner, nhà kinh tế học về khí hậu tại Trường Kinh doanh của Đại học Columbia, nhận định, tuy chỉ là công trình kỹ thuật đơn giản những các con đập cho đến nay đã bảo vệ và mang lại nhiều lợi ích cho Vienna. Theo đó, có thể đóng vai trò là nguồn cung cấp carbon thấp cho thủy điện, tốt cho việc cắt giảm khí thải nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và nền kinh tế. Đó là chiến thắng không chỉ cho nỗ lực chống lũ lụt mà còn về việc cắt giảm lượng khí thải carbon. Đó cũng là một trong những điểm cộng giúp Vienna giữ vững danh tiếng là một trong những thành phố đáng sống nhất thế giới.

Tạo thêm không gian cho sông ngòi
Theo urbanNext, là nước nổi tiếng thế giới về thuật “trị nước”, Hà Lan đã phát triển chương trình nhà nước “Room for the River” (Không gian cho sông ngòi), nhằm mục đích tái tạo tự nhiên các đoạn sông để ngăn ngừa lũ lụt. Tại hơn 30 địa điểm ở Hà Lan, các biện pháp đã được thực hiện để cung cấp thêm không gian cho các con sông. Đó là sự phát triển của một khu vực thiên nhiên độc đáo rộng 400ha với đa dạng sinh học phong phú, bao gồm rừng ven sông, đầm lầy và đồng cỏ nhiều thảo mộc, bảo đảm an toàn lũ lụt cho cư dân và doanh nghiệp cùng với các cơ hội giải trí. Đường đi bộ và đạp xe, vườn trà, vườn cảnh quan và các tác phẩm nghệ thuật mang đến nhiều trải nghiệm cho cư dân và du khách.

THƯ LÊ - NGHI VĂN

;
;
.
.
.
.
.