Khi Malaysia chuẩn bị đảm nhiệm chức Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2025, sự thay đổi chính sách đối ngoại gần đây của nước này khi tỏ ra thân thiện hơn với Trung Quốc và Nga có thể chuyển thành sự hợp tác tích cực hơn giữa khối này và các nước lớn.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim (bên trái) gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow vào đầu tháng 9-2024. Ảnh: AP |
Malaysia dự kiến chính thức tiếp quản chức Chủ tịch ASEAN vào cuối hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tại Lào vào ngày 11-10 khi Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone bàn giao chiếc búa tượng trưng cho vị trí này cho Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim. Chức danh được luân phiên hằng năm giữa 10 quốc gia thành viên theo thứ tự bảng chữ cái.
CNA dẫn nhận định giới quan sát cho rằng, chính sách đối ngoại được điều chỉnh lại của Malaysia đang theo đuổi mối quan hệ chặt chẽ hơn với nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) và lập trường ủng hộ Palestine của nước này trong bối cảnh xung đột đang diễn ra ở Gaza. Tại cuộc gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin trong khuôn khổ diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) 2024 diễn ra đầu tháng 9-2024, Thủ tướng Anwar gửi lời mời ông Putin tham dự hội nghị Thượng đỉnh ASEAN vào năm tới do Malaysia chủ trì.
Trong cuộc trao đổi với CNA, Tiến sĩ Azmi Hassan, thành viên cấp cao tại Học viện Nghiên cứu chiến lược Nusantara, cho rằng, cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2025 của Malaysia sẽ là phép thử kỹ năng ngoại giao của nước này và có khả năng thúc đẩy ASEAN hợp tác với các nước như Trung Quốc và Nga, bên cạnh các đối tác như Mỹ và phương Tây. Điều này cho thấy Malaysia có thể vẫn muốn duy trì sự trung lập của ASEAN và bảo đảm rằng mối quan hệ của nước này với các cường quốc vẫn cân bằng.
“Malaysia sẽ muốn định vị ASEAN ở vị trí trung tâm, có khả năng thúc đẩy khối này mở rộng đối thoại với các quốc gia khác, bao gồm các nước BRICS. Malaysia muốn ASEAN xây dựng mối quan hệ với các siêu cường toàn cầu”, Tiến sĩ Azmi cho biết.
Bản thân ông Anwar cũng đã chỉ ra điều đó. “Chúng tôi (ASEAN) có thể vươn ra xa khi khám phá các mối quan hệ đối tác với BRICS, qua đó làm sâu sắc thêm các mối quan hệ hợp tác Nam - Nam (thuật ngữ được dùng để thể hiện tình đoàn kết nhân dân và sự hợp tác, trao đổi bền chặt giữa các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển ở nam bán cầu)”, ông Anwar phát biểu tại diễn đàn Khazanah Megatrends 2024 ở Kuala Lumpur gần đây.
Cũng theo hãng thông tấn nói trên, chuyên gia từ Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak), nhận xét, những diễn biến toàn cầu, đặc biệt là cuộc xung đột ở dải Gaza, đã thúc đẩy Malaysia điều chỉnh lại chính sách đối ngoại, trong đó có lập trường thận trọng hơn đối với Mỹ và các đồng minh khác của Israel, trong khi vẫn ủng hộ Palestine mạnh mẽ hơn.
Malaysia đang tăng cường quan hệ với Trung Quốc, thể hiện sự quan tâm ngày càng tăng đối với các nhóm do Trung Quốc lãnh đạo, đơn cử như BRICS. Theo Bernama, phát biểu tại phiên họp toàn thể hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 44 tại Lào ngày 9-10, Thủ tướng Anwar cho rằng ASEAN cần khám phá và mở rộng các quan hệ đối tác kinh tế của nhóm vượt ra ngoài biên giới của khu vực. Theo đó, Malaysia đề xuất tổ chức hội nghị thượng đỉnh ASEAN GCC + Trung Quốc vào năm 2025 và đã được các nước thành viên ủng hộ.
Mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nga gần đây cũng báo hiệu tham vọng lớn hơn của Malaysia nhằm đa dạng hóa nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào các tổ chức tài chính do phương Tây lãnh đạo và tạo ra mối liên hệ sâu sắc hơn với nam bán cầu, bao gồm các quốc gia ở Trung Đông. Theo Bernama, Malaysia cũng kỳ vọng Ấn Độ với tư cách là một trong những đối tác lâu năm của ASEAN sẽ đóng vai trò then chốt vì quan hệ đối tác ASEAN - Ấn Độ rất quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hợp tác an ninh và giao lưu văn hóa trên khắp khu vực.
Nhìn chung, sự liên kết ngày càng tăng của Malaysia với các nước BRICS, bao gồm Nga và Ấn Độ, có thể chuyển thành sự hợp tác tích cực hơn trong các sáng kiến kinh tế và ngoại giao do các quốc gia này dẫn dắt. Các cuộc gặp gỡ với lãnh đạo một số nước trong BRICS cho thấy ông Anwar đang tranh thủ cơ hội tìm kiếm sự ủng hộ sau khi Malaysia nộp đơn xin gia nhập nhóm này.
Trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2025, Malaysia đang nỗ lực phát thông điệp rõ ràng của ASEAN đến cộng đồng quốc tế rằng khối sẽ vẫn duy trì sự gắn kết và tiếp tục là động lực chính của hòa bình, an ninh và hợp tác trong khu vực. Malaysia có thể ưu tiên thực hiện đầy đủ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - hiệp định thương mại lớn nhất thế giới, bao gồm 15 quốc gia với tổng GDP gần 30.000 tỷ USD, có khả năng định vị ASEAN là trung tâm cho tăng trưởng và hợp tác khu vực. Malaysia sẽ được kỳ vọng thúc đẩy các cuộc đàm phán về Hiệp định Khung kinh tế kỹ thuật số của ASEAN để thúc đẩy hợp tác kỹ thuật số và bổ sung thêm 2.000 tỷ USD vào nền kinh tế kỹ thuật số của khu vực vào năm 2030.
Ông Anwar gần đây đề cập khả năng của đất nước mình trong việc xây dựng quan hệ đối tác với lãnh đạo các tập đoàn như Amazon và Microsoft, để định vị là một quốc gia hàng đầu về trí tuệ nhân tạo (AI).
Có thể thấy ông Anwar có thể sẽ sử dụng nền tảng ASEAN để “khuếch đại” các ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Malaysia như ủng hộ hợp tác Nam-Nam và tăng cường quan hệ với các cường quốc mới nổi, thì cách tiếp cận của ông có thể sẽ được định hướng bởi sự nhạy bén về ngoại giao và cam kết về vai trò trung tâm của ASEAN.
THƯ LÊ