Thảm họa tiếp nối thảm họa là điều hiện hữu tại Trung Đông một năm, sau khi xung đột bùng nổ ở dải Gaza. Không ai dám chắc diễn tiến tiếp theo trong khu vực đầy bất ổn này, nhưng giờ đây người dân Palestine hứng chịu khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng trong khi kinh tế Israel phải trả cái giá quá đắt.
Những tòa nhà bị phá hủy ở Khan Younis ở phía nam Gaza sau các cuộc không kích của Israel. Ảnh: AFP |
AFP dẫn lời Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 6-10 khẳng định, quân đội Israel đã thay đổi hoàn toàn thực tế kể từ khi xung đột Hamas-Israel nổ ra vào ngày 7-10-2023. Ông khẳng định, Israel sẽ chiến thắng trong cuộc xung đột với Hamas tại Gaza, giao tranh với lực lượng Hezbollah tại Lebanon cũng như sẵn sàng cho cuộc chiến với Iran. Trong khi đó, Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Trung tướng Herzi Halevi tuyên bố các lực lượng của nước này đã đánh bại cánh quân sự của Hamas và giáng đòn mạnh vào Hezbollah, lực lượng hiện mất đi toàn bộ chỉ huy cấp cao. Ông nêu rõ: “Quân đội Israel sẽ không dừng lại”.
Ở chiều ngược lại, trong thông điệp video nhân một năm xung đột nổ ra tại Gaza, theo The Palestine Information Center, phong trào Hamas nêu rõ sự kiện 7-10-2023 chứng minh cho thế giới về năng lực của họ. Thành viên phong trào Hamas tại Qatar, ông Khalil al-Hayya nhấn mạnh tất cả người dân Palestine, đặc biệt là tại Gaza, đang viết nên trang sử mới. Ngày 7-10, Khaled Meshaal, cựu lãnh đạo Hamas nói với Al Arabiya rằng, sự kiện này không chỉ đảo ngược những thành quả của Israel mà còn đe dọa đến sự hiện diện của họ, đưa họ về “vạch xuất phát”.
Có thể thấy các thông điệp mà hai bên đưa ra trong bối cảnh này cho thấy quyết tâm theo đuổi đến cùng các mục tiêu trong cuộc xung đột, bất chấp lời kêu gọi không ngừng nghỉ của cộng đồng quốc tế, đồng thời cũng là lời trấn an lực lượng đồng minh tương ứng của mình. Nhìn chung, diễn biến tại Gaza đang lan sức nóng giao tranh sang cả Lebanon, Syria, và Yemen, cùng với chính sách cứng rắn của Israel và Iran, đang định hình tương lai đầy rủi ro cho khu vực.
Theo CNN, sau một năm bùng phát, xung đột đẫm máu tại Gaza cướp đi mạng sống của ít nhất 41.000 người Palestine, khiến gần 100.000 bị thương, gần 2 triệu người đi lánh nạn và đối mặt tình cảnh sống cực kỳ tồi tệ; khoảng 60% số công trình nhà cửa, bệnh viện, trường học, đường xá… bị phá hủy hoặc hư hại nặng. Trước những con số đau xót này, Liên Hợp Quốc (LHQ) cùng nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đánh giá tình trạng nhân đạo tại Gaza là cực kỳ nghiêm trọng, tồi tệ hơn cả định nghĩa về thảm họa.
Cùng với khủng hoảng nhân đạo và y tế nghiêm trọng, nạn đói đang đe dọa hơn 2,1 triệu cư dân Gaza trong khi viện trợ nhân đạo hiện chỉ như “muối bỏ bể”. Hiện có hơn 42 triệu tấn gạch đá vụn tại Gaza, gấp 14 lần tổng lượng đống đổ nát tích tụ ở Gaza từ năm 2008 cho đến khi xung đột nổ ra và gấp hơn 5 lần lượng còn lại sau Trận chiến Mosul 2016 -2017 ở Iraq. Nếu tập trung hết tại một địa điểm, nó sẽ lấp đầy 11 Kim tự tháp Giza - kim tự tháp lớn nhất Ai Cập. Trong khi đó, khu Bờ Tây cũng đang trải qua sự suy giảm kinh tế nhanh chóng và đáng báo động.
Nhìn sang bên kia biên giới, tăng trưởng lao dốc và mất mát dài hạn đang phủ bóng nền kinh tế Israel. Theo CNN, Bộ trưởng Tài chính Israel Bezalel Smotrich gần đầy phải thừa nhận thực tế kinh tế Israel đang hứng chịu gánh nặng của cuộc xung đột dài nhất và tốn kém nhất trong lịch sử của đất nước này.
Chi phí phát sinh từ xung đột này có thể lên tới 250 tỷ shekel (khoảng 66 tỷ USD) đến cuối năm sau, chiếm khoảng 12% GDP của Israel. Trước khi cuộc xung đột nổ ra, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Israel sẽ tăng trưởng 3,4% trong năm nay. Tuy nhiên, dự báo hiện tại dao động từ 1% đến 1,9%, cho thấy bức tranh ảm đạm hơn nhiều. Coface BDi, một công ty phân tích kinh doanh lớn tại Israel, ước tính rằng 60.000 công ty Israel sẽ đóng cửa trong năm nay.
Về sức khỏe tài chính, Reuters dẫn lời Sergey Dergachev, Giám đốc danh mục đầu tư tại Union Investment, cho biết: “Khi xung đột vẫn tiếp diễn, các số liệu về nợ công ở Israel sẽ tiếp tục xấu đi. Ngay cả khi có nền tảng tương đối tốt, nước này vẫn sẽ phải chịu tổn thất về mặt tài chính, và theo thời gian, điều này sẽ gây áp lực lên xếp hạng tín nhiệm của họ…”.
Những gì đang diễn ra ở Israel càng làm trầm trọng thêm nguy cơ suy thoái, gợi nhớ đến thập kỷ mất mát sau cuộc chiến Arab-Israel năm 1973 vốn dẫn đến một thời kỳ đình trệ kinh tế kéo dài ở Israel. CNN dẫn lời Karnit Flug, cựu Thống đốc Ngân hàng trung ương Israel, cảnh báo, việc tăng thuế tiềm tàng và cắt giảm chi tiêu phi quốc phòng để tài trợ cho “quân đội mở rộng liên tục”, có thể gây tổn hại đến tăng trưởng kinh tế. Các biện pháp như vậy, cùng với cảm giác an ninh suy yếu, cũng có thể thúc đẩy cuộc di cư của những người Israel có trình độ học vấn cao, đặc biệt doanh nhân công nghệ - lĩnh vực chiếm tới 20% sản lượng kinh tế và cũng là niềm tự hào của Israel.
THƯ LÊ