Iran và Nga đang hướng tới việc ký kết hợp đồng khí đốt mới. Động thái cho thấy Nga đang tiếp cận các đối tác mới và định hướng lại ngành năng lượng của mình trước các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Bất chấp việc các nước châu Âu đang tìm cách “cai” hoàn toàn khí đốt từ Nga, nhưng với mức giá phải chăng, nguồn năng lượng Nga vẫn đang thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia khác, và Tuần lễ Năng lượng Nga gần đây là minh chứng rõ nhất cho nhận định này. Ngày 30-9, Izvestia dẫn thông tin từ Bộ trưởng Năng lượng Iran Abbas Aliabadi cho biết, các cuộc đàm phán về việc ký kết hợp đồng cung cấp khí đốt Nga qua đường ống cho Iran đang bước vào giai đoạn cuối cùng.
Điều đáng chú ý là Iran không hề gặp phải tình trạng thiếu nhiên liệu, thậm chí đất nước này đứng thứ hai trên thế giới về tài nguyên khí đốt được khai thác. Izvestia dẫn lời ông Igor Yushkov, nhà phân tích hàng đầu của Quỹ An ninh Năng lượng quốc gia của Nga cho biết, có hai lý do giải thích nguyên nhân Iran ngày càng quan tâm đến khí đốt của Nga. Trước hết, đây có thể là bước đi chiến lược giúp Nga đẩy nhanh việc ký kết hợp đồng với Trung Quốc. Bằng việc ký thỏa thuận với Iran, Gazprom muốn phát thông điệp tới Trung Quốc rằng họ có các thị trường bán hàng thay thế, chứ không chỉ phụ thuộc vào Bắc Kinh.
Ngoài ra, Iran là quốc gia rộng lớn nên việc có cơ sở hạ tầng cần thiết cũng quan trọng không kém việc có khí đốt. Tất cả các mỏ dầu của Iran đều nằm ở phía nam, trong khi dân số tập trung chủ yếu ở phía bắc. Do đó, vào mùa đông ở một số khu vực, đặc biệt là ở những vùng nông thôn, vẫn rơi vào tình trạng thiếu khí đốt. Do đó, Tehran phải tính tới việc cung cấp khí đốt từ nước ngoài cho miền bắc và xuất khẩu tài nguyên ở miền nam, để có thể mang lại lợi nhuận cho đất nước.
Kể từ năm 2022, khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, nguồn cung cấp nguyên liệu thô từ Nga sang các nước châu Âu dần bị cắt đứt do các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Khí đốt trở thành “vũ khí địa chính trị” của các nước lớn, khi Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) bị dừng do bị phá hoại, nguồn cung cấp qua đường ống dẫn khí Yamal - châu Âu không được thực hiện do các lệnh trừng phạt từ phương Tây, trong khi Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) chưa bao giờ được đưa vào hoạt động.
Để thay thế các thị trường phương Tây, Nga chuyển hướng sang các thị trường châu Á tiềm năng. Nguồn cung sang Trung Quốc không ngừng gia tăng; xuất khẩu sang Uzbekistan đã bắt đầu và đang mở rộng. Nga đang tích cực đàm phán về việc hình thành một trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi Moscow đã cung cấp một khối lượng khí đốt lớn và sẽ gia tăng mạnh mẽ thời gian tới nhờ cú huých từ việc ra mắt trung tâm giao dịch khí đốt quốc tế ở Istanbul.
Izvestia dẫn lời Valery Andrianov, Phó Giáo sư tại Đại học Tài chính trực thuộc Chính phủ Nga, cho biết nước này đang nỗ lực tái định hướng nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống cho thị trường Trung Quốc. Bắt đầu từ tháng 12-2024, đường ống dẫn khí Sức mạnh Siberia sẽ đạt công suất tối đa 38 tỷ m3 mỗi năm. Nga và Trung Quốc đang tích cực đàm phán để đưa đường ống dẫn khí Sức mạnh Siberia 2 đi vào hoạt động. Nếu thành công, dung tích ước tính của đường ống này là 50 tỷ m3 mỗi năm.
Ngoài ra, việc xây dựng đường ống dẫn khí Sức mạnh Siberia 3, được thiết kết để bảo đảm nguồn cung cấp ổn định cho Trung Quốc từ các vùng Viễn Đông của Nga cũng đang được tính đến. Công suất của đường ống này dự kiến là 10 tỷ m3 mỗi năm, đồng nghĩa với việc tổng khối lượng cung cấp của Nga cho Trung Quốc theo 3 tuyến đường hằng năm có thể lên tới 100 tỷ m3.
Theo thống kê, nguồn cung khí đốt từ Nga sang châu Âu trước đây đạt 150 tỷ m3 mỗi năm. Xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang các nước châu Âu từng mang lại lợi nhuận hơn cho Nga vì khí đốt Nga được bán mà không bị “ép giá” và cơ sở hạ tầng giao thông đã có sẵn. Mặc dù sự chuyển hướng sang các thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Iran… chỉ chiếm 30-40% nguồn cung khí đốt cho châu Âu trước kia, nhưng mang lại cho Nga nguồn thu lớn bổ sung vào ngân sách.
HÙNG LÂM