Nhìn lại bức tranh kinh tế thế giới trong gần hai thập niên qua, trong khi các nước phát triển đã vượt qua nhiều cản trở, kể cả Covid-19, nhanh chóng phục hồi kinh tế, thì hầu hết các nước nghèo luôn phải vật lộn với thiên tai, bệnh tật, xung đột, phải đi vay nợ để “cứu” nền kinh tế đang ở mức chạm đáy.
Đánh giá về thực trạng này, AFP dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 13-10 cho thấy, 26 nền kinh tế nghèo nhất thế giới đang phải gánh khối nợ lớn nhất kể từ năm 2006. Phần lớn các quốc gia nghèo nhất này nằm ở khu vực châu Phi cận Sahara, từ Ethiopia đến Chad và Congo, bên cạnh đó còn có Afghanistan và Yemen…WB cho hay, gần một nửa trong số 26 nền kinh tế nghèo nhất đang rơi vào tình trạng căng thẳng nợ hoặc có nguy cơ cao rơi vào tình trạng này, gấp đôi so với năm 2015. Đây là những nước có thu nhập bình quân đầu người hằng năm dưới 1.145 USD (28,4 triệu đồng) ngày càng phụ thuộc vào viện trợ và các khoản vay lãi suất gần như bằng 0 từ IDA, khi nguồn tài chính thị trường gần như cạn kiệt.
Các nền kinh tế thu nhập thấp phải vay nợ rất nhiều trong giai đoạn Covid-19 bùng phát, khiến thâm hụt ngân sách chính tăng tới gấp 3 lần. Trong khi đó, thiên tai cũng liên tiếp gây thiệt hại lớn hơn cho các quốc gia này trong gần hai thập niên qua. Chỉ tính từ năm 2011 đến 2023, thiên tai gây ra thiệt hại trung bình hằng năm tương đương 2% GDP, gấp 5 lần mức trung bình ở các quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Khoản nợ công của các quốc gia lại chiếm khoảng 40% dân số toàn cầu này hiện ở mức trung bình 72% GDP, mức cao nhất trong 18 năm qua.
Có nghịch lý là mặc dù hầu hết các nước phát triển đều cam kết thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc, nhằm hỗ trợ các nước nghèo “xóa đói, giảm nghèo” nhưng trên thực tế nguồn vốn đó không đạt và thậm chí suy giảm.
Vào thời điểm khoản viện trợ quốc tế dành cho các nước nghèo nhất nhận được giảm xuống mức thấp nhất trong hai thập niên qua, Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA), một tổ chức của WB, cung cấp gần một nửa viện trợ phát triển mà các nước nghèo nhất nhận được từ các tổ chức đa phương trong năm 2022. Nhà kinh tế Ayhan Kose của WB lý giải với AFP, các nền kinh tế thu nhập thấp cần phải tự cải thiện tình hình tài chính, nhưng đồng thời cũng rất cần sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ nước ngoài.
Thực tế, các nước nghèo nhất thế giới đang phải ưu tiên trả gánh nặng nợ thay vì đầu tư, khiến tiến độ đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của họ bị chững lại. Thậm chí, các quốc gia như Ghana, Sri Lanka và Zambia vỡ nợ trong những năm gần đây, trong khi nhiều nước khác đang phải vật lộn để trả nợ sau khi chu kỳ tăng lãi suất toàn cầu đẩy chi phí đi vay lên cao.
AFP dẫn lời Giám đốc Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) ông Steiner cho biết, cuộc khủng hoảng tài chính khiến các quốc gia trên toàn cầu gặp khó khăn trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, bao gồm 17 mục tiêu toàn diện như xóa đói giảm nghèo, cải thiện tiếp cận giáo dục và chăm sóc sức khỏe, cung cấp năng lượng sạch và bảo vệ đa dạng sinh học. Đối với các quốc gia kém phát triển nhất, họ gần như bị loại khỏi thị trường tài chính. Vì không thể vay thêm tiền nên các nước này buộc phải cắt giảm các khoản chi khác để tránh vỡ nợ. Đây là một tình huống rất nghiêm trọng.
Diễn biến trên cho thấy, các nước nghèo nhất thế giới đang đứng trước vòng lẩn quẩn, đi vay nợ cũng không thể được vì nhiều món nợ đến kỳ hạn nhưng không có tiền để trả, bị đóng băng ở các thể chế tài chính, còn nếu có vay được những khoản nào đó thì chịu lãi suất cao, không đủ bù đắp thâm hụt ngân sách chứ chưa nói đến phát triển kinh tế hay cải thiện đời sống người dân. Bởi vậy, nỗi lo “oằn mình trả nợ” đang làm cho các nước nghèo nhất thế giới lại càng rơi vào cảnh nghèo khó hơn bao giờ hết.
LÊ MINH HÙNG