Ông Ishiba và trọng trách đưa "Nhật Bản trở lại"

.

Ngày 1-10, Quốc hội Nhật Bản bầu Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) Shigeru Ishiba làm Thủ tướng thứ 102 của nước này, mở đường để ông thực hiện trọng trách đưa “Nhật Bản trở lại” với những chính sách đột phá.

Ông Shigeru Ishiba chính thức trở thành Thủ tướng thứ 102 của Nhật Bản.  Ảnh: Reuters
Ông Shigeru Ishiba chính thức trở thành Thủ tướng thứ 102 của Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Ra mắt nội các mới

Theo Japan Times, trong danh sách dự kiến nội các mới gồm 19 bộ trưởng, chỉ có 2 người trong nội các cũ là Chánh Văn phòng Nội các Yoshimasa Hayashi, vị trí quan trọng bao gồm cả vai trò phát ngôn viên chính phủ; Bộ trưởng Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Tetsuo Saito, người của đảng Công Minh (Komeito) - đối tác của LDP trong liên minh cầm quyền. Còn lại đều là nhân sự mới với 13 người lần đầu tiên vào Nội các và 4 người từng kinh qua vị trí bộ trưởng trong chính phủ các nhiệm kỳ trước.

Trong số 4 người từng đảm nhiệm bộ trưởng, đồng minh thân cận của ông Ishiba là ông Takeshi Iwaya, cựu bộ trưởng Quốc phòng, sẽ đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng Ngoại giao, trong khi ông Gen Nakatani sẽ trở lại vị trí Bộ trưởng Quốc phòng, một chức vụ ông từng nắm giữ vào năm 2016. Có thể thấy, nhà lãnh đạo mới của Nhật Bản đã chọn những người phần lớn không bị ảnh hưởng bởi vụ bê bối quỹ chính trị của LDP vốn làm tổn hại nghiêm trọng đến lòng tin của công chúng vào đảng cầm quyền này.

Rõ ràng, tân Thủ tướng Ishiba sẽ không có “kỳ trăng mật” trong bối cảnh ông đang nỗ lực hàn gắn sự chia rẽ trong các thành viên LDP và xung đột nội bộ về các lựa chọn các thành viên nội các và những người được bổ nhiệm làm lãnh đạo đảng trước thềm cuộc tổng tuyển cử quan trọng ngày 27-10. “Tôi sẽ tin tưởng vào người dân, nói lên sự thật bằng sự can đảm và thành thật. Tôi sẽ làm hết sức mình để biến đất nước này thành nơi an toàn, nơi mọi người có thể sống với nụ cười trên gương mặt một lần nữa”, Japan Times dẫn lời ông Ishiba.

Những chính sách ưu tiên

Ở cương vị mới, ông Ishiba phải đối mặt với áp lực không ngừng gia tăng từ dư luận trong nước. Tiêu dùng chậm chạp và vấn đề tiền lương từ lâu là lực cản đối với tăng trưởng. Để hỗ trợ kế hoạch hiện tại của chính phủ nhằm tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP vào năm 2027, ông Ishiba đề xuất tăng thuế doanh nghiệp. Ông cũng đặt mục tiêu nâng cao tỷ lệ sinh vốn đang ở mức thấp của Nhật Bản thông qua hàng loạt biện pháp, bao gồm xem xét lại thời gian làm việc áp lực kéo dài và mở rộng hỗ trợ cho các cặp vợ chồng.

Nhật Bản đang hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Bên cạnh năng lượng hạt nhân, ông Ishiba muốn thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo để cung cấp nhiên liệu cho quốc gia vốn thiếu tài nguyên này. Các chuyên gia cho rằng Nhật Bản cần tập trung nhiều hơn vào các chiến lược khử cacbon, đặc biệt là trong kinh doanh. Nếu các công ty Nhật Bản không làm điều đó, họ sẽ thua cuộc trước sự cạnh tranh toàn cầu vì hàng hóa phát thải carbon cao có thể bị trừng phạt bằng thuế và thuế quan.

Nikkei Asia dẫn lời William Pesek, nhà báo từng đoạt giải thưởng quốc tế, cho rằng, ông Ishiba phải nỗ lực thu hẹp khoảng cách giữa người Nhật giàu tài sản và phần lớn các hộ gia đình hiện mới bắt đầu được hưởng lợi từ việc tăng lương. Các số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế cho thấy GDP bình quân đầu người chỉ hơn 33.000 USD. Con số này không thay đổi nhiều so với thập niên 1990 và thấp hơn khoảng 2,6 lần so với Mỹ. Một ưu tiên khác là tìm cách điều chỉnh theo sự quay trở lại của lạm phát sau 25 năm giảm phát.

Được biết đến với chuyên môn quốc phòng sâu rộng của mình, ông Ishiba từng tiết lộ ông sẽ tiếp tục nhiều chính sách của người tiền nhiệm Kishida. Tuy nhiên, nhiều khả năng ông sẽ tìm cách thừa nhận giá trị của mối quan hệ gần gũi với Mỹ song theo đuổi nỗ lực tạo thế cân bằng và tăng cường sự tự chủ của Nhật Bản, bao gồm sửa đổi Thỏa thuận về Quy chế Lực lượng với Mỹ, và hướng đến các thỏa thuận an ninh tập thể với các đối tác cùng chí hướng ở châu Á. Bên cạnh đó, ông Ishiba phải dẫn dắt đất nước trong môi trường an ninh với nhiều diễn biến khó đoán ngay trong khu vực Đông Á.

Theo ông Pesek, chuỗi liên tục “Koizumi-Abe-Kishida” đã đưa uy tín đất nước Mặt trời mọc trên bản đồ toàn cầu, bằng chứng là cổ phiếu Tokyo tăng vọt lên mức cao nhất mọi thời đại trong năm nay. Cựu Thủ tướng Koizumi tập trung cải cách cơ cấu kinh tế kiên quyết. “Abenomics” - chính sách kinh tế của cựu Thủ tướng Abe tạo tiếng vang lớn. Dù di sản của cựu Thủ tướng Kishida mỏng hơn, nhưng thành công của ông trong việc cải thiện quan hệ với các nước láng giềng, thúc đẩy chi tiêu quân sự, cho thấy Tokyo đã lấy lại được sự tự tin trên trường quốc tế.

Bất chấp lời bàn tán về “vòng tuần hoàn lành mạnh”, nền kinh tế Nhật Bản vẫn dễ bị tổn thương trước những cú sốc quốc tế. Đã đến lúc Nhật Bản xây dựng sức mạnh kinh tế lớn hơn và sức bền tài chính trong nước. Nhiệm vụ khó khăn này giờ đây thuộc về ông Ishiba, người chắc chắn sẽ không lãng phí một phút nào để thực hiện mục tiêu “Nhật Bản đã trở lại”.

Chiến lược “hồi sinh vùng”
Ông Ishiba từ lâu được biết đến là người ủng hộ chiến lược “hồi sinh vùng” (regional revitalization) vốn giúp ông “ghi điểm” trong mắt cử tri. Đây được coi là chiến lược cần thiết để ngăn chặn sự suy giảm dân số và khắc phục tình trạng tập trung dân số quá mức ở khu vực Tokyo, giúp duy trì sức sống của Nhật Bản nói chung. Nhà lãnh đạo này tuyên bố, việc phục hồi các vùng nông thôn đang trở nên vắng vẻ do tỷ lệ sinh thấp và tình trạng người trẻ bỏ lên thành phố mưu sinh - là công việc xuyên xuốt cuộc đời mình, bên cạnh vấn đề an ninh và phòng ngừa thảm họa.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.