Thời gian gần đây, diễn biến thời tiết bất thường, cực đoan, gây ra những cơn bão, lũ liên tiếp với cường độ rất mạnh ở nhiều nơi trên thế giới.
Đặc biệt, trong hai ngày 27 và 28-9, Nepal hứng chịu mưa lớn nghiêm trọng kéo dài chưa từng có. Reuters dẫn nguồn tin của Bộ Nội vụ Nepal cho biết, số người thiệt mạng do lũ lụt và lở đất đã lên 170 người. Ngoài ra, hơn 100 người khác bị thương và hàng chục người mất tích. Hiện hơn 50% số tuyến đường cao tốc quốc gia ở Nepal vẫn chưa thể lưu thông. Các nhà máy thủy điện và công trình thủy lợi bị hư hại nặng nề do mưa lớn kéo dài gây lũ lụt và lở đất, với thiệt hại ban đầu ước tính 32,6 triệu USD.
Trong khi đó tại khu vực Bắc Mỹ, theo VOA, cơn bão hậu nhiệt đới Helene đổ bộ vào Florida (Mỹ) đêm 26-9 với cường độ bão cấp 4 (theo thang đo gồm 5 cấp của Mỹ) với sức gió lên đến 225km/giờ. Sau đó nhanh chóng di chuyển qua các bang Georgia, North Carolina, South Carolina và Tennessee... phá hủy nhà cửa và khiến các con suối và sông tràn bờ, đồng thời gây căng thẳng cho các con đập. Helene là cơn bão cấp 4 đầu tiên đổ bộ vào khu vực Big Bend của Florida (kể từ năm 1851) và có sức tàn phá không thua kém siêu bão Yagi vừa diễn ra ở châu Á.
Trong tuyên bố ngày 28-9, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã dùng từ “khủng khiếp” để miêu tả về sự tàn phá của Helene, đồng thời cho biết chính phủ đã huy động thêm lực lượng ứng phó cũng như đã cử thành viên Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp liên bang (FEMA) đến Florida giúp đánh giá thiệt hại.
Theo CBS News, bão Helene khiến gần 100 người thiệt mạng, gây thiệt hại đáng kể về cơ sở hạ tầng như hệ thống cấp nước, thông tin liên lạc, đường sá, các tuyến giao thông quan trọng, nhà dân... ở miền đông nam nước Mỹ, với ước tính thiệt hại khoảng 100 tỷ USD.
Mặc dù đã có kinh nghiệm phòng các cơn bão lớn, song biến đổi khí hậu khiến công tác chống bão tại Mỹ đối mặt với một số khó khăn. Theo giới chuyên gia, các cơn bão như Helene có thể ngày càng mạnh hơn và khó dự đoán hơn, đòi hỏi Mỹ phải tiếp tục đầu tư vào các biện pháp phòng chống bão dài hạn, bao gồm cả việc cải thiện cơ sở hạ tầng và nâng cao khả năng dự đoán của các hệ thống khí tượng. Hiện, Mỹ đang sử dụng công nghệ dự đoán và mô phỏng để chống bão, công nghệ hiện đại này đã cho phép các nhà khoa học sử dụng các mô hình trên máy tính để dự đoán đường đi và cường độ của bão với độ chính xác cao hơn. Cách mô phỏng này giúp cảnh báo sớm và tạo điều kiện cho chính quyền địa phương có thời gian để đưa ra các biện pháp đối phó.
Trong khi đó, tại Mexico, quốc gia láng giềng với Mỹ, người dân ở khu vực tây nam nước này phải sơ tán khỏi những ngôi nhà bị ngập nước do hoàn lưu của bão John tàn phá bờ biển Thái Bình Dương, gây lũ lụt và lở đất khiến ít nhất 22 người thiệt mạng. Bang Guerrero là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi có 18 người thiệt mạng, chủ yếu do lở đất làm sập nhà. Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador phải yêu cầu các cơ quan chức năng nước này thiết lập nơi trú ẩn tạm thời và phân phát thực phẩm cứu trợ cho người dân.
Không chỉ châu Á và Bắc Mỹ, mà theo Reuters và DW, các quốc gia ở khu vực Trung Âu và Đông Âu cũng phải hứng chịu thiệt hại nặng nề khi bão Boris đổ bộ vào giữa tháng 9-2024 mang theo gió mạnh và lượng mưa lớn bất thường tấn công các vùng rộng lớn tại Áo, Cộng hòa Czech, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia. Bão Boris khiến 22 người thiệt mạng và hàng ngàn người dân phải đi sơ tán...
Trước đó, siêu bão Yagi khởi phát từ cuối tháng 8-2024 đã tàn phá khủng khiếp tại các nước có cơn bão đi qua như Philippines, Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Myanmar..., khiến hàng ngàn người chết, bị thương, mất tích và gây thiệt hại hàng trăm tỷ USD.
Những diễn biến đó cho thấy tình hình bão, lũ ở nhiều châu lục ngày càng trở nên bất thường, nghiêm trọng khó đoán định. Đặc biệt là lượng mưa cực lớn, kéo dài nên dẫn đến tình trạng sụt lở đất ở những quốc gia có nhiều đồi núi gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
LÊ MINH HÙNG