Tiến độ đẩy lùi nạn phá rừng toàn cầu đang chệch hướng

.

The Guardian dẫn báo cáo gần đây cho thấy nhu cầu về thịt bò, đậu nành, dầu cọ và niken đang cản trở mục tiêu ngăn chặn và đẩy lùi hoàn toàn tình trạng phá rừng toàn cầu vào năm 2030.

Theo nhật báo nói trên, hơn 140 quốc gia, đại diện cho phần lớn diện tích rừng trên thế giới, cam kết tại hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 ở Glasgow, Anh (COP26) để ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất và suy thoái rừng vào cuối thập kỷ này. Tuy nhiên, báo cáo về rừng năm 2024 do liên minh các tổ chức nghiên cứu và xã hội dân sự thực hiện đánh giá tiến độ hướng tới mục tiêu trên đã đi chệch hướng, với mức độ phá rừng vào năm 2023 cao hơn gần 50% so với tiến độ cần có để hướng tới mục tiêu cam kết tại COP26.

Các nhà nghiên cứu cảnh báo, tình trạng phá rừng ngày càng gia tăng khiến tham vọng ngăn chặn cuộc khủng hoảng khí hậu và tình trạng mất mát lớn về động vật hoang dã trên toàn thế giới càng trở nên xa vời. Gần 6,4 triệu ha rừng bị san phẳng vào năm 2023. Ngoài ra, 62,6 triệu ha rừng bị suy thoái do việc xây dựng đường sá, khai thác gỗ và cháy rừng. Đáng chú ý, tình trạng phá rừng đã tăng đột biến ở Indonesia và Bolivia, do những thay đổi về chính trị và nhu cầu liên tục về các mặt hàng như thịt bò, đậu nành, dầu cọ, giấy và niken ở các nước giàu. Ngoài vùng nhiệt đới, các khu rừng ôn đới ở Bắc Mỹ và Mỹ Latinh ghi nhận mức độ phá rừng lớn nhất.

Các nhà nghiên cứu cho biết, việc để các quốc gia tự nguyện giảm nạn phá rừng là không hiệu quả, do đó cần có quy định chặt chẽ, cùng nhiều nguồn tài trợ hơn cho việc bảo vệ rừng. “Điểm mấu chốt là nạn phá rừng toàn cầu đã trở nên tồi tệ hơn chứ không hề giảm đi kể từ đầu thập niên này. Chúng ta chỉ còn 6 năm nữa là đến thời hạn toàn cầu chấm dứt nạn phá rừng, song rừng vẫn tiếp tục bị chặt phá, xuống cấp và bị đốt cháy với tốc độ đáng báo động”, ông Ivan Palmegiani, cố vấn tại nhóm nghiên cứu môi trường Climate Focus và là tác giả chính của báo cáo, trao đổi với The Guardian. Theo vị cố vấn này, có thể điều chỉnh lại xu hướng đáng lo này nếu tất cả quốc gia coi đây là ưu tiên hàng đầu, đặc biệt các quốc gia công nghiệp hóa cần nghiêm túc xem xét lại mức tiêu thụ rừng quá mức của mình và hỗ trợ các quốc gia có rừng.

Cũng theo The Guardian, bà Erin D Matson, cố vấn cấp cao tại Climate Focus và là đồng tác giả của báo cáo, cho biết chỉ riêng ở Indonesia, nạn phá rừng tăng vọt 57% trong một năm, phần lớn là do nhu cầu tăng cao trên toàn cầu đối với giấy và kim loại như niken - kim loại được sử dụng trong nhiều công nghệ xanh. Năm 2023, sản xuất niken của Indonesia chiếm một nửa của thế giới.

Báo cáo cũng nêu bật điểm sáng ở khu vực rừng Amazon của Brazil, nơi chính phủ của Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva đã cắt giảm nạn phá rừng 62% trong năm đầu tiên sau cam kết tại COP26. Theo báo cáo, các quốc gia đạt được tiến bộ hướng tới mục tiêu chống phá rừng vào năm 2030 gồm Việt Nam, Úc, Colombia, Paraguay và Venezuela. Các nhà nghiên cứu cho rằng, cần phải tài trợ cho nỗ lực bảo vệ rừng, tăng cường quyền sử dụng đất của người bản địa và giảm nhu cầu đối với các mặt hàng được tạo ra từ việc phá rừng.

EU đề xuất các quy định đầy tham vọng nhằm cấm bán các sản phẩm liên quan đến phá rừng, chẳng hạn như cà phê, chocolate, đồ da và đồ nội thất. Tuy nhiên, ngày 3-10, Ủy ban châu Âu đề xuất hoãn lại một năm thực thi quy định này sau các cuộc biểu tình từ các quốc gia gồm Úc, Brazil, Indonesia và Bờ Biển Ngà.

Bà Matson cho biết: “Sự phản kháng này phần lớn là do áp lực chính trị, và thật đáng tiếc, chúng ta không thể dựa vào các nỗ lực tự nguyện. Các nước đã đạt được rất ít tiến bộ trong thập kỷ qua”.

NGHI VĂN

;
;
.
.
.
.
.