Vắc-xin chống ung thư sắp được thử nghiệm lâm sàng

.

Một loại vắc-xin chống ung thư được phát triển tại Nga sẽ được thử nghiệm trên bệnh nhân ung thư hắc tố - một dạng ung thư da nguy hiểm.

Theo TASS, thông tin trên được Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh vật quốc gia mang tên N.F. Gamaley, ông Alexander Gintsburg, cho biết vào ngày 12-10. Theo ông Ginzburg, quy trình nghiên cứu vắc-xin này sẽ khác với các giai đoạn thử nghiệm truyền thống, thường bao gồm ba giai đoạn. Thay vào đó, phương pháp tiếp cận sẽ được hợp lý hóa. “Chúng tôi đang nghiên cứu về bệnh ung thư hắc tố vì về mặt kỹ thuật, nó dễ hơn”, ông Ginzburg giải thích, và lưu ý ung thư da thường dễ nhìn thấy và dễ nghiên cứu hơn. Nghiên cứu sâu hơn cũng sẽ nhắm vào các loại ung thư khác, chẳng hạn như ung thư phổi tế bào nhỏ, gây ra khoảng 1,2 - 1,3 triệu ca tử vong trên toàn thế giới và là một trong những loại ung thư ác tính phổ biến nhất.

Ông Ginzburg nhấn mạnh, vắc-xin sẽ được tiêm cho từng cá nhân, phù hợp tình trạng cụ thể của bệnh nhân. Quá trình phát triển liên quan đến sự hợp tác giữa một số nhóm khoa học, bao gồm Trung tâm Nghiên cứu khoa học dịch tễ học và vi sinh vật học Nga, Viện Nghiên cứu ung thư khoa học Moscow và Trung tâm Nghiên cứu ung thư y khoa quốc gia.

TASS dẫn lời ông Ginzburg cho biết, trí tuệ nhân tạo (AI) dự kiến được sử dụng trong các phép tính cần thiết để tạo ra vắc-xin ung thư một cách cá nhân hóa. Do đó, cơ sở trong nước để học AI đang được tạo ra song song. Cơ sở dữ liệu là cần thiết để AI được đào tạo nhanh hơn và ít mắc lỗi hơn. Quá trình tạo ra vắc-xin cá nhân hóa sẽ nhanh hơn nhiều, nhờ sử dụng AI. “Để đào tạo AI, cần có cơ sở dữ liệu thử nghiệm, cụ thể là trình tự của khoảng 40.000-50.000 khối u có khả năng nhận dạng nếu kháng nguyên tương thích được biểu hiện (chuyển đổi thành protein hoặc RNA) với bệnh nhân đó. Nhờ đó, AI có thể xác định ngay lập tức liệu sự kết hợp này có thể được sử dụng cho từng cá nhân hay không”, ông Gintsburg cho biết.

Đầu tháng 6-2024, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko xác nhận, các nhà khoa học nước này đang tiến hành các bước thử nghiệm với một loại vắc-xin chống ung thư và dự kiến kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng sẽ có vào cuối năm nay, sau đó các thử nghiệm lâm sàng sẽ bắt đầu. Tuy nhiên, tháng 9-2024, các thử nghiệm tiền lâm sàng đối với loại vắc-xin này hoàn tất. Do đó, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu y học quốc gia về X quang trực thuộc Bộ Y tế Nga, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Nga Andrei Kaprin thông báo giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đầu tiên sẽ bắt đầu sau khi được Bộ Y tế Nga cho phép.

Ung thư là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Nga và trên thế giới. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, chỉ riêng năm 2022, thế giới ghi nhận khoảng 20 triệu ca ung thư mới và 9,7 triệu ca tử vong. Hiện có một số quốc gia và công ty đang nghiên cứu vắc-xin ung thư. Năm ngoái, chính phủ Anh ký thỏa thuận với BioNTech (có trụ sở tại Đức) để triển khai các thử nghiệm lâm sàng cung cấp “phương pháp điều trị ung thư được cá nhân hóa”, nhằm tiếp cận 10.000 bệnh nhân vào năm 2030.

Theo The Guardian, Cơ quan Dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS) đã tuyển hàng ngàn tình nguyện viên cho đợt thử nghiệm lâm sàng vắc-xin ung thư “cá nhân hóa” quy mô lớn đầu tiên trên thế giới. Các thử nghiệm đầu tiên dự kiến sẽ tập trung vào ung thư đại trực tràng, da, phổi, bàng quang, tuyến tụy, thận... và sẽ được mở rộng hơn trong tương lai. Các vắc-xin ngừa ung thư được điều chế riêng cho mỗi bệnh nhân, sau khi bác sĩ lấy một phần khối u và giải trình tự ADN. Họ sẽ chỉ mất vài tuần để tạo ra mũi tiêm được cá nhân hóa dành riêng cho khối u của bệnh nhân đó. Khi vào cơ thể, vắc-xin sẽ hoạt động bằng cách ra lệnh cho hệ miễn dịch của người bệnh săn lùng và tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào, ngăn chặn bệnh quay trở lại.

Ngoài ra, các công ty dược phẩm Moderna và Merck & Co đang phát triển một loại vắc-xin ung thư thử nghiệm mà nghiên cứu ở giai đoạn giữa cho thấy đã giúp giảm một nửa nguy cơ tái phát hoặc tử vong do ung thư hắc tố da - loại ung thư da nguy hiểm nhất - sau 3 năm điều trị.

GIA NGHI

;
;
.
.
.
.
.