Trong bối cảnh toàn cầu hóa vẫn chiếm ưu thế, các tập đoàn đa quốc gia (MNC) đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu phức tạp, các MNC đang đẩy mạnh làn sóng chuyển hướng đầu tư.
Theo CNN, các MNC đóng góp tới 1/3 tổng sản phẩm toàn cầu và 2/3 thương mại quốc tế. Về xuất khẩu, chỉ riêng các chi nhánh nước ngoài của các MNC chiếm khoảng 30% toàn cầu. Báo cáo của Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên Hợp Quốc (UNCTAD) cho thấy, năm 2023, MNC chi khoảng 80% trong số 1.300 tỷ USD tổng vốn FDI toàn cầu. Tuy nhiên, sau khi Covid-19 lắng dịu, các vấn đề “nóng” từ chiến tranh thương mại đến xung đột vũ trang, cùng với thiên tai liên tiếp diễn ra đã dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng hóa, thiếu hụt nguyên liệu, tắc nghẽn chuỗi cung ứng và giá cước vận chuyển container tăng vọt toàn cầu gây tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các MNC.
Theo Viện Nghiên cứu chuỗi cung ứng toàn cầu, hơn 75% các công ty trải qua gián đoạn chuỗi cung ứng trong những năm gần đây do các cuộc xung đột quốc tế. Đặc biệt, xung đột Nga - Ukraine, hay bất ổn ở Trung Đông dẫn đến các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Biển Đỏ khiến tình trạng vận chuyển năng lượng, hàng hóa và các sản phẩm nông nghiệp quan trọng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đơn cử, theo Politico.eu, tập đoàn dầu khí Anh (BP) phải rút khỏi thị trường Nga và bán cổ phần tại Rosneft (Công ty Dầu khí quốc gia Nga) dẫn đến khoản lỗ lên tới 25,5 tỷ USD trong quý 1-2023. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc cũng làm gián đoạn chuỗi cung ứng của Apple, khiến họ mất ưu thế tại thị trường, giảm 5% trong quý 2-2024, chủ yếu do biện pháp hạn chế xuất khẩu của Mỹ và vấn đề logistics từ những nhà máy chính đặt tại Trung Quốc.
Trước tình thế này, để tránh những rủi ro, không bị đứt gãy chuỗi cung ứng và bảo đảm sản xuất an toàn, thế giới chứng kiến sự chuyển hướng đầu tư của các MNC theo những xu hướng: Thứ nhất, các tập đoàn đầu tư vào các quốc gia có vị trí địa lý gần kề. Cách thức đầu tư này cũng xuất hiện ngay trong Covid-19, bởi nó thuận lợi trong việc vận chuyển nguyên vật liệu hay các sản phẩm cho quá trình sản xuất kinh doanh mà không bị ảnh hưởng lớn và thậm chí còn giảm giá thành đáng kể. Thứ hai, đầu tư vào các quốc gia có các mối quan hệ về kinh tế, đặc biệt là về chính trị ổn định để bảo đảm an toàn và không xảy ra rủi ro.
Đây là thực tế được chứng minh rất rõ trong những năm gần đây, khi các quốc gia có sự gắn kết về chính trị, có tính ổn định cao để tránh xảy ra những đối đầu làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh. Thứ ba, quay trở lại đầu tư vào quốc gia của mình để tránh rủi ro và mở các dự án đầu tư mới nhằm tận dụng thị trường nội địa. Cách làm này có thể phải mất thời gian, giá nhân công có thể cao… nhưng lại là xu hướng được cho là tích cực để giải quyết việc làm trong nước. Mỹ là quốc gia khuyến khích mạnh mẽ cho việc chuyển hướng đầu tư trong nước vài năm trở lại đây.
Còn dòng đầu tư khác tuy chưa trở thành xu hướng nhưng đã diễn ra. Cụ thể, để né tránh các lệnh trừng phạt, nhất là giữa Mỹ đối với Trung Quốc, một số tập đoàn kinh tế lớn đã chuyển hướng đầu tư sang nước khác để sản xuất kinh doanh mà không bị ảnh hưởng. Các quốc gia Đông Nam Á và Ấn Độ đang nổi lên như những điểm đến thay thế quan trọng của xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu của các MNC do có tiềm năng về cơ sở hạ tầng, nhân công có tay nghề cao, chi phí rẻ, thị trường rộng lớn.
Có thể thấy, đa dạng hóa thị trường là chiến lược quan trọng giúp các MNC giảm thiểu rủi ro khi một thị trường cụ thể bị ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang hay các lệnh trừng phạt. Bằng cách nắm bắt tình hình, nhanh chóng chuyển đổi các xu hướng đầu tư như vừa đề cập ở trên, các MNC mới có thể giữ được doanh thu và lợi nhuận của mình.
LÊ MINH HÙNG