Xây dựng các bức tường biển khổng lồ, đảo nhân tạo và đường hầm ngầm là những giải pháp đang được các thành phố lớn ở Đông Nam Á đưa ra để chống ngập lụt, sụt lún đất.
Các công trình táo bạo
Theo Channel News Asia (CNA), thủ đô Bangkok (Thái Lan) chỉ cao hơn mực nước biển 1,5m và mặt đất chìm dần xuống trung bình 2cm mỗi năm. Giống như nhiều thủ đô khác của Đông Nam Á, Bangkok từng là vùng đồng bằng ngập nước trước khi con người bắt đầu đào kênh và xây dựng. Các dự báo cảnh báo rằng đến giữa thế kỷ này, mực nước biển dâng cao có thể nhấn chìm phần lớn Bangkok. Theo dự báo của tổ chức Greenpeace, đến năm 2030, 10 triệu cư dân của thành phố với GDP 512 tỷ USD sẽ bị đe dọa. Để đối phó với vấn đề cấp bách này, tháng 9-2024, ông Thaksin Shinawatra, cố vấn của Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra, đề xuất kế hoạch cấp tiền để xây dựng dự án lớn cách bờ biển tới 3km, ở vùng bờ biển rộng lớn bên ngoài Bang Khun Thian.
Được mệnh danh là “Chuỗi ngọc trai”, dự án sẽ bao gồm chuỗi 9 hòn đảo nhân tạo đóng vai trò như hàng rào ngăn mực nước biển dâng cao. Mỗi đảo sẽ được trang bị các bức tường chắn biển, giúp làm giảm xói mòn bờ biển. Nhiều dự án cơ sở hạ tầng như đập, kè chắn sóng, đường sá đang được triển khai tại Bangkok và nhiều nơi khác nhằm giảm thiểu mối đe dọa từ lũ lụt. Thành phố cũng đang xem xét rào chắn chống lũ có chức năng tương tự như rào chắn trên sông Thames giúp bảo vệ London (Anh) khỏi thủy triều dâng.
Ở Jakarta (Indonesia), câu chuyện tương tự cũng đang diễn ra. Trong 50 năm qua, Jakarta chìm xuống với tốc độ lên tới 25cm mỗi năm, đặc biệt là ở các khu vực ven biển. Theo một số nghiên cứu, khoảng 20% diện tích Jakarta đã nằm dưới mực nước biển, gồm cả các cửa sông của 13 con sông trong thành phố. Các tuyến đường thủy mất khả năng tự thoát nước ra biển.
Một số nghiên cứu cho thấy toàn bộ Jakarta có thể nằm dưới mực nước biển vào năm 2050. Indonesia đã cân nhắc ý tưởng xây dựng bức tường biển khổng lồ dài 30km, cách bờ biển Jakarta khoảng 4km. Kế hoạch này được đề xuất lần đầu tiên vào năm 2014, hứa hẹn sẽ là giải pháp lâu dài cho tình trạng sụt lún đất ở Jakarta cũng như chắn mực nước biển dâng cao. Gần đây, tân Tổng thống Prabowo Subianto đang cân nhắc không chỉ khôi phục dự án tường biển Jakarta mà còn mở rộng dự án này đến tận Gresik, cách đó khoảng 650km.
Singapore cũng phải đối mặt với mối đe dọa mực nước biển dâng cao, mà theo dự báo sẽ lên tới 1,15m vào cuối thế kỷ này. Nước này đã công bố biện pháp cải tạo một “Đảo dài” ngoài khơi bờ biển phía đông để bảo vệ các bờ biển đang bị đe dọa.
Cần dựa vào thiên nhiên
Việc xây dựng cơ sở hạ tầng để ứng phó với tình trạng ngập lụt tại các thành phố lớn đang gây ra tranh luận, bởi nhiều người cho rằng nên tận dụng thiên nhiên để giải quyết các vấn đề. CNA dẫn lời bà Kotchakorn Voraakhom, kiến trúc sư cảnh quan nổi tiếng thế giới, cho biết những lợi ích mà thiên nhiên mang lại cho các thành phố thường bị bỏ qua. Thực chất, thiên nhiên cũng là cơ sở hạ tầng tuyệt vời. Bà nhấn mạnh việc phục hồi rừng ngập mặn dọc theo khu vực vịnh Thái Lan và cộng đồng địa phương được trao quyền bảo vệ, thay vì một dự án lớn có thể gây hại nhiều hơn là có lợi nếu không được cân nhắc.
Ông Nirwono thuộc Trung tâm Nghiên cứu đô thị Indonesia cũng cho rằng, thiên nhiên có thể cung cấp giải pháp cho vấn đề sụt lún đất và xói mòn bờ biển của Jakarta. “Thay vì bức tường biển khổng lồ, tại sao không xây dựng bức tường rừng ngập mặn khổng lồ?”, ông lập luận rằng việc tái tạo rừng ở các khu vực ven biển không chỉ là giải pháp thân thiện với môi trường mà còn mang lại lợi ích kinh tế.
Theo một số chuyên gia Malaysia, thủ đô Kuala Lumpur nên tiếp tục xây dựng “Thành phố bọt biển”, khái niệm đã được áp dụng đáng kể ở Trung Quốc để khắc phục các vấn đề ngập lụt đô thị trong những năm gần đây. “Thành phố bọt biển” sẽ bao gồm các con đường thấm nước, vườn trên mái nhà, các vùng đất ngập nước và hồ nhân tạo, các khu vườn cộng đồng và trồng cây. Thông qua cảnh quan thiên nhiên, các thành phố có khả năng hấp thụ và giữ nước tốt hơn.
NGHI VĂN