Cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ ở Đức và Pháp, hai cường quốc hàng đầu châu Âu, đang đe dọa nghiêm trọng đến vai trò lãnh đạo của liên minh Pháp-Đức, vốn được coi là trụ cột của Liên minh châu Âu (EU).
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (bên phải) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc họp báo chung ở Meseberg, Đức, ngày 28-5. Ảnh: AFP |
Với các chính phủ liên minh đang suy yếu ở cả hai quốc gia này, khả năng lãnh đạo của họ trong các vấn đề quan trọng của châu Âu có thể bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là trong bối cảnh ông Donald Trump vừa đắc cử Tổng thống Mỹ và thách thức kinh tế gia tăng.
Hai trụ cột lung lay
Tại Đức, liên minh “đèn giao thông” của Thủ tướng Olaf Scholz sụp đổ sau khi ông sa thải Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner, cũng là Chủ tịch đảng FDP. Liên minh “đèn giao thông” tại Đức là sự hợp tác giữa ba đảng chính trị: Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) với màu đỏ, Đảng Dân chủ Tự do (FDP) với màu vàng và Đảng Xanh (Die Grünen) với màu xanh lá cây. Liên minh được thành lập sau cuộc bầu cử liên bang Đức năm 2021, với mục tiêu kết hợp các chính sách xã hội, kinh tế và môi trường để lãnh đạo đất nước.
Trong khi đó bên kia sông Rhine, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử sớm sau khi các đảng cực hữu đạt được bước đột phá trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu.
Ông Jacob Ross, nhà nghiên cứu tại Hiệp hội Chính sách Đối ngoại Đức (DGAP), nhận định với Euronews rằng nếu như ông Macron đã “bị cử tri Pháp từ chối” trong các cuộc bầu cử châu Âu và Quốc hội, thì ông Scholz bị “chính các đối tác trong liên minh của mình từ chối”.
Tình hình này làm suy yếu đáng kể khả năng điều hành của cả hai nhà lãnh đạo. Theo The Wall Street Journal, trong bối cảnh cả Pháp và Đức đều do chính phủ thiểu số lãnh đạo, hai cường quốc chủ chốt của “lục địa già” đang phải đối mặt với nhiều tháng bất ổn về chính trị trong khi các cuộc khủng hoảng chực chờ bùng phát.
Những thách thức không thể trì hoãn
Sự suy yếu của bộ đôi Pháp-Đức xảy ra vào thời điểm hết sức nhạy cảm khi châu Âu đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Theo Financial Times, việc tỷ phú Donald Trump trở lại Nhà Trắng đã làm gia tăng thêm cảm giác khủng hoảng. Các chuyên gia phân tích tại tập đoàn tài chính Goldman Sachs cho rằng, những cam kết của ông Trump về việc áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ châu Âu và yêu cầu lục địa này chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng sẽ càng làm giảm tăng trưởng kinh tế EU. Báo cáo của Viện Kinh tế Ifo có trụ sở tại Munich (Đức) ước tính các mức thuế mới mà ông Trump đề xuất có thể làm giảm xuất khẩu của Đức sang Mỹ và Trung Quốc lần lượt 15% và 10%, theo The Wall Street Journal.
Theo Euronews, ông Trump sẽ có xu hướng chia rẽ EU để thao túng các vấn đề then chốt có lợi cho Washington, thay vì để 27 quốc gia thành viên đoàn kết cùng nhau. Chuyên gia Ross giải thích: “Ông Trump có mọi lợi ích trong việc triển khai các quan hệ xuyên Đại Tây Dương ở cấp độ song phương, vì ông ấy biết rằng nếu nói chuyện riêng với Thủ tướng Hungary Viktor Orban, Tổng thống Pháp Macron, ông Scholz hay người kế nhiệm, ông Trump sẽ có nhiều lợi thế hơn trong các thảo luận về thuế quan và quốc phòng châu Âu so với việc nói chuyện với một khối 27 quốc gia thành viên EU có lập trường chung”.
Khủng hoảng chính trị cũng làm trầm trọng thêm các vấn đề kinh tế. Nước Đức, nền kinh tế lớn nhất EU, được dự báo rơi vào suy thoái trong mùa đông năm nay khi sự bất ổn chính trị khiến người tiêu dùng và doanh nghiệp thận trọng hơn, theo nhận định của ông Carsten Brzeski, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế vĩ mô toàn cầu tại tập đoàn tài chính đa quốc gia ING, trên The Wall Street Journal. Tình hình này cũng ảnh hưởng đến khả năng hỗ trợ Ukraine của châu Âu.
Đến nay, Đức đã phân bổ hơn 15 tỷ Euro viện trợ cho Ukraine, khiến nước này trở thành nhà hỗ trợ lớn thứ hai cho Kiev sau Mỹ. Tuy nhiên, với việc ông Trump công khai thể hiện thái độ với Ukraine, châu Âu đang đối mặt với áp lực gia tăng trong việc tăng cường hỗ trợ cho Kiev và thúc đẩy nỗ lực tái vũ trang của chính mình.
Theo Financial Time, theo Báo cáo Draghi, công bố ngày 9-9-2024, do ông Mario Draghi - cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu và cựu Thủ tướng Ý - soạn thảo, nhằm đánh giá và đề xuất chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh, châu Âu cần thêm 800 tỷ Euro đầu tư bổ sung mỗi năm để khắc phục trì trệ kinh tế.
TRẦN ĐẮC LUÂN