COP29 đạt bước đột phá về thị trường carbon

.

Ngày 11-11, hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP29) tại Azerbaijan bật đèn xanh cho các tiêu chuẩn chất lượng tín chỉ carbon, vốn đóng vai trò quan trọng để khởi động thị trường carbon toàn cầu hướng đến giảm phát thải khí nhà kính.

Bước đột phá ngay trong ngày đầu tiên của hội nghị được kỳ vọng mở ra cánh cửa cho thị trường hoàn chỉnh trong tương lai gần. Reuters dẫn lời Chủ tịch COP29 Mukhtar Babayev ca ngợi bước tiến này khi nói: “Đây sẽ là  công cụ thay đổi cuộc chơi để hướng các nguồn lực hỗ trợ đến các nước đang phát triển. Sau nhiều năm bế tắc, những đột phá ở COP29 đang dần hình thành”. Tuy nhiên, quan chức này cũng lưu ý, một số quy tắc cơ bản quan trọng để đưa thị trường vào hoạt động đã được thông qua, trong khi các khía cạnh quan trọng khác như biện pháp bảo vệ và vấn đề quản trị vẫn cần được đàm phán.

Về mặt lý thuyết, tín chỉ carbon đề cập đến việc giảm hoặc loại bỏ phát thải carbon, được đo bằng tấn CO2 tương đương (tCO2e). Tín chỉ  carbon có thể được tạo ra thông qua các dự án thu carbon từ khí quyển như tái trồng rừng hoặc giảm lượng carbon thải ra khí quyển như các dự án năng lượng tái tạo. Hệ thống tín chỉ carbon được thiết lập để các tổ chức hoặc quốc gia giảm phát thải khí nhà kính của mình nhiều hơn mức cam kết, có thể mua hoặc bán tín chỉ carbon của mình cho các tổ chức hoặc quốc gia khác. Do đó, với quy định này, ngay cả khi chính quyền sắp tới của ông Donald Trump rút khỏi Thỏa thuận Paris, các công ty ở Mỹ - nước có lượng phát thải bình quân đầu người cao nhất thế giới -  vẫn có thể tiếp tục tham gia vào các nỗ lực toàn cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu khi mua tín chỉ carbon từ thị trường quốc tế do Liên Hợp Quốc  hậu thuẫn.

Hiện các hoạt động tín chỉ carbon tự nguyện vấp phải nhiều bê bối do không có tiêu chuẩn chung để đánh giá mức giảm khí thải. Do đó, các tiêu chuẩn được thông qua tại COP29 sẽ cho phép phát triển các quy tắc bao gồm tính toán số lượng tín chỉ mà một dự án nhất định có thể nhận được. Trong khi đó, các nhà hoạt động môi trường cũng lưu ý rằng điều quan trọng và cấp thiết nhất với trái đất hiện nay là giảm lượng khí thải thực chất, chứ không phải sử dụng một loại tín chỉ để đạt mục tiêu đã cam kết.

TẤN PHÁT

;
;
.
.
.
.
.