Tổng thống Vladimir Putin vừa phê duyệt hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện Nga - Triều Tiên, trong đó nêu bật các điều khoản phòng thủ chung và hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, đánh dấu bước tiến lớn trong quan hệ giữa hai nước láng giềng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại cuộc gặp thượng đỉnh ngày 19-6. Ảnh: Reuters |
Hiệp ước được ký vào ngày 19-6 trong chuyến thăm Triều Tiên của Tổng thống Putin, nhằm thay thế Hiệp định về hữu nghị, láng giềng tốt và hợp tác được ký từ năm 2000. Theo cổng thông tin của cơ quan lập pháp Nga, Tổng thống Putin đóng dấu phê duyệt cuối cùng vào ngày 9-11 sau khi có sự phê chuẩn của Quốc hội. Hiệp ước chính thức có hiệu lực ngay sau khi hai nước trao đổi các văn kiện phê chuẩn.
Những điểm mới đáng chú ý
Theo TASS, lời mở đầu của hiệp ước nêu rõ mục đích đáp ứng các lợi ích cơ bản của nhân dân Nga và Triều Tiên; đồng thời góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực và toàn cầu. “Đây thực sự là văn kiện mang tính đột phá”, TASS dẫn lời ông Putin phát biểu tại cuộc họp báo ở Bình Nhưỡng vào tháng 6-2024.
Hiệp ước có nội dung và hình thức không giống như các quan hệ đối tác chiến lược điển hình sau Chiến tranh Lạnh vốn thường trải rộng, mà văn kiện này bao gồm các điều khoản phòng thủ chung cụ thể. Những điều khoản đưa ra những quy định thuận lợi cho hai nước có sự linh hoạt trong hoạt động ứng phó chung trước các mối đe dọa tiềm tàng. Hiệp ước quy định rõ ràng rằng trong trường hợp có nguy cơ về hành động xâm lược vũ trang chống lại một trong hai bên, cả hai sẽ tổ chức tham vấn để phối hợp quan điểm của mình và thống nhất biện pháp khả thi để hỗ trợ lẫn nhau.
“Cụ thể, nếu một trong hai bên bị một quốc gia hoặc nhiều quốc gia tấn công vũ trang và rơi vào tình trạng chiến tranh, bên kia sẽ ngay lập tức cung cấp hỗ trợ quân sự và các hỗ trợ khác theo Điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc (LHQ) và phù hợp với luật quốc gia của mình”, hiệp ước nêu, đánh dấu mối liên kết mạnh mẽ nhất giữa Moscow và Bình Nhưỡng kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Đồng thời, hiệp ước nhằm phát triển quan hệ đối tác toàn diện dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau đối với chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Nga và Triều Tiên cam kết không ký kết các thỏa thuận với quốc gia thứ ba nhằm chống lại chủ quyền, an ninh, toàn vẹn lãnh thổ, quyền tự do lựa chọn và sự phát triển của các hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa, cũng như các lợi ích quan trọng khác của nhau. Văn kiện này cũng gồm các điều khoản liên quan đến hợp tác thiết lập trật tự thế giới mới đa cực công bằng và tạo ra các cơ chế cho các hoạt động chung nhằm tăng cường năng lực phòng thủ của các bên để theo đuổi các biện pháp phòng ngừa trước mối đe dọa xung đột, qua đó thúc đẩy hòa bình và an ninh khu vực và toàn cầu.
Một điều khoản khác bày tỏ sự phản đối của hai nước đối với các lệnh trừng phạt của phương Tây khi chỉ trích việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế đơn phương được coi là bất hợp pháp và trái với luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ. Moscow và Bình Nhưỡng cam kết không áp đặt các lệnh trừng phạt như vậy đối với nhau.
Ngoài việc phê chuẩn mô hình hợp tác hiện có, hiệp ước cũng nhấn mạnh đến sự hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực khác nhau gồm an ninh lương thực và năng lượng, công nghệ thông tin, thương mại, đầu tư…
Động lực của hiệp ước
Các tài liệu kèm theo hiệp ước lưu ý văn kiện này hoàn toàn mang tính chất hòa bình và phòng thủ, không nhằm vào các quốc gia thứ ba và không đe dọa đến hòa bình và ổn định. Trước đó, TASS dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov trong tháng 10-2024 nêu rõ: “Triều Tiên là nước láng giềng gần gũi, là đối tác của chúng tôi. Hai nước đang phát triển quan hệ trong mọi lĩnh vực. Đây là quyền chủ quyền của chúng tôi. Điều này không nên khiến bất kỳ ai lo lắng, vì sự hợp tác này không nhằm vào các nước thứ ba. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển sự hợp tác này”. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko trước đó cũng khẳng định hiệp ước không nhằm tạo liên minh quân sự.
NK News dẫn lời chuyên gia Tertitskiy của Đại học Kookmin (Hàn Quốc) gọi hiệp ước là sự kiện mang tính đột phá, nêu bật chiến thắng ngoại giao quan trọng của Triều Tiên khi nước này đã đạt những gì họ đã phấn đấu trong nhiều thập niên. Quan hệ đối tác với Nga cũng giúp Triều Tiên có đòn bẩy lớn hơn trước bộ đôi Mỹ-Hàn Quốc. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ca ngợi động thái của Nga mang có ý nghĩa chiến lược to lớn trong việc hỗ trợ Triều Tiên.
East Asia Forum nhận định, hiệp ước đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong cán cân chiến lược ở Đông Bắc Á. Quan hệ đối tác này được định hướng để thách thức cấu trúc an ninh do Mỹ lãnh đạo ở Đông Á, bao gồm các nhóm như AUKUS, cũng như các nhóm ba bên Mỹ-Nhật Bản-Hàn Quốc và Mỹ-Nhật Bản-Philippines. Mục đích của Nga rất rõ ràng: bằng cách xoay trục sang Đông Á, họ muốn tạo ra mặt trận hợp tác mới trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Mỹ. Các lệnh trừng phạt toàn diện từ phương Tây và các nước khác càng thúc đẩy Nga xích lại các đối tác Đông Á: với Trung Quốc về kinh tế và Triều Tiên về quốc phòng.
Đối với Nga, hiệp ước thúc đẩy sự hiện diện của họ ở Đông Á và ứng phó với áp lực từ phương Tây. Quan hệ Nga-Triều Tiên đang phát triển là phản ứng trước sự thay đổi động lực quyền lực toàn cầu và sự cạnh tranh chiến lược. Nó nhấn mạnh nhu cầu theo dõi liên tục các diễn biến địa chính trị ở Đông Á, vì những tác động của quan hệ đối tác này sẽ lan tỏa ra ngoài khu vực.
THƯ LÊ