Mọi sự chú ý đổ dồn về hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Brazil với kỳ vọng đột phá giúp đạt thỏa thuận tài chính khí hậu ở hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP29) tại Azerbaijan.
Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra vào ngày 18 và 19-11 tại Rio de Janeiro (Brazil). Ảnh: Tomaz Silva/Agência Brasil |
Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil) trong hai ngày 18 và 19-11. Dù sự kiện này không đưa ra quyết định ràng buộc về biến đổi khí hậu, nhưng vấn đề này vẫn thuộc chương trình nghị sự hàng đầu và các nhà lãnh đạo G20 được kỳ vọng thể hiện cam kết huy động nhiều nguồn tài chính hơn, đặc biệt là việc hỗ trợ các quốc gia đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo Business Standard, hội nghị G20 thu hút sự dõi theo của dư luận khi diễn ra trùng thời điểm hội nghị COP29. Trong khi hội nghị COP29 gánh vác sứ mệnh thống nhất mục tiêu huy động hàng trăm tỷ USD cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, thì các nhà lãnh đạo G20 nhóm họp cách xa nửa vòng trái đất tại Rio đang nắm giữ “hầu bao” này. Sự chú ý tất nhiên đổ dồn vào G20 bởi các nước thuộc nhóm này chiếm 85% GDP toàn cầu nhưng cũng “đóng góp” tới 80% lượng khí thải toàn cầu. Bên cạnh đó, những nước này đóng góp lớn nhất cho các ngân hàng phát triển đa phương giúp định hướng tài chính khí hậu. Thực tế này buộc Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi các nước G20 phải có trách nhiệm làm gương cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, qua đó phát đi thông điệp để tạo động lực chính trị quan trọng giúp COP29 đạt thỏa thuận về tài chính khí hậu.
Tại hội nghị COP29, các cuộc đàm phán, đặc biệt về vấn đề tài trợ cho nguồn tài chính ứng phó với biến đổi khí hậu, vẫn ở tình trạng bế tắc sau hơn một tuần họp vì các nước tham gia vẫn mắc kẹt trong các lập trường khác biệt và tranh cãi cố hữu về số lượng và nguồn đóng góp. Các nước phát triển yêu cầu các nền kinh tế đang phát triển với thu nhập cao hơn tăng cường đóng góp tài chính cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Cụ thể, các quốc gia giàu có, đặc biệt là ở châu Âu kêu gọi một số quốc gia đang phát triển giàu có hơn, chẳng hạn Trung Quốc và các nhà sản xuất dầu lớn ở Trung Đông tăng mức đóng góp. Trong khi đó, các quốc gia đang phát triển lại cho rằng những quốc gia giàu có, những nơi đã gây ra phần lớn lượng khí thải toàn cầu phải gánh vác phần lớn chi phí này. Đây là vấn đề nan giải đã khiến các cuộc đàm phán trở nên căng thẳng và chưa thể tìm ra được giải pháp đồng thuận. Bên cạnh đó, các nước nghèo kêu gọi nâng mức tài trợ lên 1.000 tỷ USD từ các nước giàu, phần lớn dưới dạng viện trợ không hoàn lại thay vì cho vay. Tuy nhiên, các quốc gia phát triển như Mỹ và liên minh châu Âu (EU) đang gặp khó trong việc huy động nguồn lực, chủ yếu từ khu vực tư nhân.
Tín hiệu khả quan nhất được ghi nhận đến thời điểm này là việc các nhà đàm phán G20 nhất trí văn bản đề cập các khoản đóng góp tự nguyện của các quốc gia đang phát triển vào tài chính khí hậu vào ngày 17-11, theo Reuters. Bước đột phá này được ghi nhận giữa lúc COP29 đang chạy đua với thời gian để nhanh chóng đạt thỏa thuận ngay trước thời điểm Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chính thức trở lại Nhà Trắng tháng 1-2025, bởi nhiệm kỳ sắp tới của ông có thể tác động đến các sáng kiến đa phương và làm gián đoạn các cuộc đàm phán quốc tế về khí hậu.
Ông Trump nhiều khả năng được cho là đang chuẩn bị một lần nữa rút Mỹ khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris. Việc này tiếp tục làm dấy lên nghi ngờ về số tiền mà thế giới có thể huy động để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, có thể là không có sự hỗ trợ Mỹ, nền kinh tế lớn nhất và cũng là nước phát thải bình quân đầu người lớn nhất thế giới.
Thông điệp từ chuyến thăm rừng Amazon của ông Biden Ngày 17-11, trước khi dự hội nghị G20, Tổng thống Mỹ Joe Biden tới thăm khu rừng nhiệt đới Amazon của Brazil, nơi được coi là lá phối hành tinh nơi sản sinh khoảng 20% lượng khí ôxy cho Trái đất. Tại đây, nhà lãnh đạo Mỹ đã truyền thông điệp quan trọng nhắc nhở người kế nhiệm và lãnh đạo G20 về cuộc chiến chống biến đổi khí hậu bền bỉ và quyết liệt hơn. Đây là chuyến thăm đầu tiên của tổng thống đương nhiệm Mỹ đến khu rừng nhiệt đới lớn nhất hành tinh. Ông Biden cho biết Mỹ đang hướng tới chi 11 tỷ USD vào quỹ tài trợ khí hậu quốc tế trong năm nay, tăng gấp 6 lần so với khi ông bắt đầu nhiệm kỳ. |
THƯ LÊ