Gazprom và "Sức mạnh Siberia"

.

Tập đoàn dầu khí Gazprom (Nga) là một gã khổng lồ chuyên khai thác các mỏ dầu khí trữ lượng lớn ở quốc gia rộng lớn này cung cấp cho nhiều nước trên thế giới.

“Người khổng lồ” Gazprom của Nga và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) ký thỏa thuận 30 năm trị giá 400 tỷ USD vào năm 2014 để xây dựng Power of Siberia (Sức mạnh Siberia), một đường ống trải dài 3.000km ở Nga và 5.000km ở Trung Quốc. Đường ống này được khởi động vào cuối năm 2019 và dự kiến cung cấp cho Trung Quốc tới 38 tỷ m3 khí đốt mỗi năm khi đạt công suất tối đa vào năm 2025.

Đặc biệt, từ tháng 2-2022, ngay sau khi cuộc xung đột với Ukraina bùng phát, hầu hết các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã nhanh chóng tung ra các gói trừng phạt nhằm vào Nga, trong đó triệt để “cai nghiện” khí đốt Nga dưới nhiều hình thức khác nhau, để cắt nguồn thu hàng đầu của nước này. Cùng với đó là Dòng chảy phương Bắc 1 và Dòng chảy phương Bắc 2 từ Nga đi sang Đức và các nước khác thuộc EU bất ngờ bị nổ tung do hành vi phá hoại có chủ đích trên vùng biển Baltic. Ngoài ra, các tuyến khí đốt đi qua một số nước khác trên bộ cũng bị ngăn chặn, trong đó có tuyến đi qua Ukraine đến EU cũng vừa bị Kiev chấm dứt hợp đồng.

Trong bối cảnh đó, Nga quyết tâm chuyển hướng tăng cường cung cấp năng lượng cho các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, quốc gia có hơn 1,3 tỷ dân. Theo RT, trong bài phát biểu tại lễ khai mạc EXPO Nga - Trung Quốc tổ chức tại thành phố Cáp Nhĩ Tân trong tháng 5-2024, Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh, liên minh chiến lược của hai nước trong lĩnh vực năng lượng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn. Nga sẵn sàng và có thể cung cấp nguồn năng lượng, điện và nhiệt thân thiện với môi trường, giá cả phải chăng cho Trung Quốc. Ông Putin cũng cho biết, mối quan hệ năng lượng chiến lược của Nga với Trung Quốc là lợi ích cho nền kinh tế toàn cầu và tin tưởng hợp tác trong lĩnh vực này sẽ tiếp tục có thêm động lực.

Theo Asia Times, hai tập đoàn năng lượng của Nga và Trung Quốc đã nhanh chóng tiến hành siêu dự án “Power of Siberia 2” (Sức mạnh Siberia 2) nhằm chuyển hướng khí đốt khai thác từ Siberia, đáng lẽ ra sẽ đưa tới châu Âu như kế hoạch, nay chuyển sang Trung Quốc và đi ngang qua lãnh thổ có độ cao lớn của cao nguyên Mông Cổ. Đường ống này sẽ lần đầu tiên cung cấp khí đốt chuyển hướng khỏi châu Âu từ các mỏ ở phía tây Siberia tới Trung Quốc. Đường ống xuyên biên giới này dài 5.111km kết nối với lãnh thổ Trung Quốc qua thành phố biên giới Hắc Hà ở tỉnh Hắc Long Giang (Đông Bắc) và chạy qua 9 tỉnh, thành, cung cấp khí đốt tự nhiên cho các khu vực dọc theo tuyến đường, bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải và Thiên Tân.

Ngày 21-11, dẫn nguồn tin từ Tập đoàn Mạng lưới đường ống dầu khí quốc gia Trung Quốc (PipeChina), Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin, dự án đường ống lớn tuyến phía đông (East Route) cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga từ Siberia đến miền đông Trung Quốc đã hoàn thành. Khi đi vào vận hành chính thức, đường ống này sẽ đáp ứng nhu cầu khí đốt hằng năm của khoảng 130 triệu hộ gia đình tại các khu vực thành thị của Trung Quốc.

Đường ống “Sức mạnh Siberia 2” mới có thể vận chuyển 50 tỷ m3 khí đốt hằng năm từ Nga đến Trung Quốc, đánh dấu sự gia tăng mạnh mẽ so với công suất 38 tỷ mét khối/năm của đường ống “Sức mạnh Siberia 1”, đã đi vào hoạt động từ tháng 12-2019. Như vậy, công suất “Sức mạnh Siberia 2” lớn hơn nhiều so với tổng lượng khí đốt mà Nga đã từng xuất khẩu mỗi năm sang Đức. CCTV gọi đây là tuyến đường ống dẫn khí tự nhiên đẳng cấp toàn cầu, có thể giảm phát thải 164 triệu tấn carbon dioxide (CO2) và 1,82 triệu tấn sulfur dioxide (SO2) mỗi năm, góp phần quan trọng vào việc tối ưu hóa cơ cấu tiêu thụ năng lượng, thúc đẩy chuyển đổi xanh trong phương thức phát triển, giúp Trung Quốc đạt được mục tiêu “carbon kép” (tức đạt đỉnh phát thải carbon vào năm 2030 và trung hòa carbon vào năm 2060).

Global Times cũng trích dẫn lời các nhà phân tích mô tả đường ống này là tuyến đường năng lượng thiết yếu cho miền đông Trung Quốc, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt cho khu vực và hỗ trợ phát triển hệ thống năng lượng sạch, ít carbon.

Có thể nói việc Gazprom và CNPC đã hoàn thành “Sức mạnh Siberia 2” trước thời gian 7 tháng, đưa toàn bộ “Sức mạnh Siberia 1&2” khổng lồ vào vận hành đánh dấu một bước ngoặt kỳ tích mang về lợi ích to lớn cho cả Nga và Trung Quốc trên nhiều phương diện như: ổn định và đa dạng hóa nguồn cung-cầu, thoát khỏi bao vây cấm vận, phát triển hệ thống năng lượng tái tạo bền vững…

LÊ MINH HÙNG

;
;
.
.
.
.
.