Có vấn đề đang đặt ra ở nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay, trong đó như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…, khi công nghệ thông tin phát triển, tình trạng giao lưu trực tiếp giữa người với người suy giảm nhanh chóng dẫn đến sự sụt giảm dân số do ngại sinh, sự già cỗi dân số, sự cô đơn đang ngày càng trở nên phổ biến ở nhiều lứa tuổi khác nhau trong xã hội.
Theo SCMP, Trung Quốc, đất nước có hơn một tỷ dân nhưng ngày nay khi có nhiều người luôn cảm thấy mắc kẹt vì sự căng thẳng công việc và sự cô đơn trong cuộc sống hằng ngày. Theo điều tra dân số gần đây nhất, số người chưa kết hôn trong độ tuổi 20 - 49 tại nước này đạt 134 triệu người vào năm 2020, nhiều hơn toàn bộ dân số Nhật Bản. Vì thế, số người độc thân tăng nhanh, có rất nhiều trường hợp do bị áp lực phải xây dựng gia đình nên nhiều người, nhất là bạn trẻ, đã “thuê” người đóng thế “người yêu” cùng về giới thiệu với bố mẹ để gia đình an tâm. Khi mệt mỏi, căng thẳng, trống vắng do các mối quan hệ ở đời sống thực lại dần trở nên xa cách, đó cũng là lúc nhu cầu trò chuyện để tâm sự, giãi bày tâm trạng càng trở nên cấp thiết.
Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển với những bước tiến vượt bậc trong trí tuệ nhân tạo (AI), các chatbot cùng mạng xã hội, nhiều người Trung Quốc giờ đây đổ xô tìm kiếm “bạn đồng hành kỹ thuật số”… Với sự cô đơn và các vấn đề về sức khỏe tâm thần gia tăng, nhất là trong giới trẻ, ngày càng có nhiều người chuyển sang các dịch vụ trò chuyện, tư vấn trực tuyến bởi sự tiện lợi và giá rẻ. Hình thức này lại rất phù hợp với những người ngại tương tác trực tiếp, thích làm bạn với người lạ dựa trên sở thích chung.
Nắm bắt nhu cầu thực tế này, một cơ hội kinh doanh mới xuất hiện khá phổ biến trong thời gian gần đây ở Trung Quốc đó là có thể “thuê” thời gian của người khác để “đồng hành” hoặc cùng làm các công việc thường nhật nào đó… Hay nói cách khác, người dùng mạng xã hội Xiaohongshu (Trung Quốc) bắt đầu sử dụng hashtag “bầu bạn tâm sự” để tìm đến dịch vụ trò chuyện cùng người lạ, tư vấn, giải đáp thắc mắc.. Trên Xiaohongshu, người dùng cung cấp dịch vụ bầu bạn tâm sự thường tính phí từ 8 đến hơn 50 Nhân dân tệ (khoảng 28.000 đến 175.000 đồng Việt Nam) cho cuộc trò chuyện kéo dài 30 phút. Hashtag này thu hút hàng triệu lượt dùng trong vài năm qua, cho thấy người Trung Quốc ngày càng sẵn sàng chi tiền để xua tan nỗi cô đơn, một phần trong sự gia tăng trào lưu “tiêu dùng theo cảm xúc”. Điều đó đã nhanh chóng mở ra cánh cửa cho lĩnh vực kinh tế mới phát triển, đó là “kinh tế đồng hành”, từ chatbot được hỗ trợ bởi AI đến những người cosplay cung cấp dịch vụ gặp mặt trực tiếp…
Ở khía cạnh khác, theo www.sixthtone.com, dịch vụ của Huang cung cấp 4 cấp độ khác nhau, với mức giá tùy theo kinh nghiệm và trình độ của nhân viên tư vấn. Một cuộc gọi điện thoại kéo dài 15 phút, khách hàng phải trả số tiền dao động từ 66.000 đồng đến 300.000 đồng. Riêng dịch vụ tư vấn trực tiếp có thể lên đến 5 triệu đồng/phiên.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có khoảng 54 triệu người bị trầm cảm và 41 triệu người lo lắng thái quá tại Trung Quốc. Tuy nhiên, dịch vụ sức khỏe tâm thần không đủ để đáp ứng nhu cầu cũng như người dân. Nắm bắt cơ hội này, One Psychology, một trong những nhà cung cấp dịch vụ sức khỏe tâm thần trực tuyến hàng đầu tại Trung Quốc, khai thác triệt để với mức giá 66.000 đồng cho mỗi 30 phút mà số đơn đặt hàng ngày càng tăng cao. SCMP dẫn lời bà Wang Pan, Phó Giáo sư chuyên ngành nghiên cứu Trung Quốc và châu Á tại Đại học New South Wales (Úc), cho biết nền kinh tế bầu bạn đang phát triển mạnh mẽ này là phản ứng trước sự thay đổi nhân khẩu học.
Đáng chú ý, đối tượng chủ công để thúc đẩy “kinh tế đồng hành” đầy triển vọng này không ai khác chính là giới trẻ. ABC News dẫn nghiên cứu do Just So Soul, viện nghiên cứu ở Hàn Quốc, cho biết: Thế hệ sinh sau năm 2000 đang dẫn đầu xu hướng sử dụng AI để kiếm tiền tại Trung Quốc. Có 18% những người được hỏi thuộc thế hệ này cho biết họ sử dụng AI gần như mỗi ngày.
LÊ MINH HÙNG