Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), tiếp tục sụt giảm trước các “cơn gió ngược” khi nguy cơ GDP giảm 0,2% trong năm 2024 ngày càng hiện hữu.
Theo Reuters, kinh tế Đức đã tụt hậu so với mức trung bình của Liên minh châu Âu (EU) kể từ năm 2021 và dự kiến suy giảm trong năm thứ 2 liên tiếp vào năm 2024, khiến nước này trở thành nền kinh tế hoạt động kém nhất trong Nhóm 7 nền kinh tế lớn (G7). DPA dẫn dữ liệu từ Viện nghiên cứu kinh tế Ifo có trụ sở tại Munich ngày 11-11 cho biết, kinh tế Đức đang chứng kiến sự sụt giảm đơn hàng lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009.
“Tình trạng thiếu đơn hàng đang tiếp tục cản trở sự phát triển kinh tế Đức. Hầu như không có ngành nào thoát khỏi tình trạng này”, nhà kinh tế học Klaus Wohlrabe của Ifo trao đổi với DPA. Do đó, 1/3 công ty Đức cho biết trong cuộc khảo sát gần đây rằng họ có kế hoạch thu hẹp quy mô. Thực trạng đáng lo ngại này diễn ra trong bối cảnh có cảnh báo từ Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI) rằng sự phụ thuộc của nước này vào nguyên liệu thô nhập khẩu đang lớn hơn bao giờ hết, đặc biệt nguyên liệu quan trọng như lithium vốn rất cần thiết cho sản xuất xe điện. Nhìn chung, Đức và châu Âu đang có nguy cơ mất đi sự cạnh tranh toàn cầu về nguyên liệu thô quan trọng về mặt chiến lược.
Điều đáng lo là những tác động vào chính phủ liên minh Đức vào tuần trước tiếp tục giáng đòn mạnh lên kinh tế nước này và thách thức vẫn có thể tiếp nối trong những tháng tới. Điều được dư luận nước này quan tâm nhất hiện nay là thời điểm diễn ra cuộc bỏ phiếu tín nhiệm cũng như cuộc bầu cử sớm để bảo đảm sự ổn định trên chính trường, qua đó hướng đến chấm dứt tình trạng trì trệ và cuối cùng đưa ra định hướng và sự chắc chắn về chính sách kinh tế.
THƯ LÊ