Mỹ quyết định điều chỉnh chiến lược hạt nhân của mình để ứng phó với những thách thức tiềm tàng trong bối cảnh an ninh toàn cầu ngày càng phức tạp. Đáng chú ý, động thái này diễn ra sau thời điểm Nga công bố học thuyết hạt nhân mới.
Các tàu kéo hướng dẫn tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Ohio USS Louisiana (SSBN 743) đến căn cứ Hải quân Kitsap-Bangor sau khi hoàn thành cuộc tuần tra răn đe chiến lược. Ảnh: Hải quân Mỹ |
Trang web chính thức của Bộ Quốc phòng Mỹ (defense.gov) gần đây dẫn Báo cáo 791 được đệ trình lên Quốc hội Mỹ mô tả chiến lược sử dụng hạt nhân của nước này, trong đó chỉ ra những thay đổi cần thiết để ứng phó với các thách thức mới. Báo cáo này đặt ra 4 nhiệm trọng tâm: lên kế hoạch răn đe nhiều đối thủ có vũ khí hạt nhân cùng một lúc; tích hợp các năng lực phi hạt nhân để hỗ trợ nhiệm vụ răn đe nếu khả thi; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý leo thang trong ứng phó với các cuộc tấn công hạn chế hoặc các cuộc tấn công chiến lược phi hạt nhân gây hậu quả nghiêm trọng; tham vấn sâu hơn, phối hợp và lập kế hoạch kết hợp với các đồng minh và đối tác để tăng cường các cam kết răn đe mở rộng của Mỹ.
Về nhiệm vụ cụ thể, trang defense.gov dẫn lời ông Grant Schneider, Phó Giám đốc phụ trách ổn định chiến lược tại Bộ Tham mưu liên quân Mỹ, cho biết, để có thể linh hoạt ứng phó với những thách thức mới cho đến năm 2030, báo cáo nêu rõ Lầu Năm Góc phải hiện đại hóa lực lượng hạt nhân, chỉ huy và kiểm soát hạt nhân, cũng như cơ sở hạ tầng liên quan.
Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định, những phát biểu của giới chức Mỹ đã làm sáng tỏ vai trò quan trọng của răn đe hạt nhân và các nền tảng hỗ trợ của nó, đặc biệt là hệ thống chỉ huy, kiểm soát và truyền thông về hạt nhân, trong việc bảo đảm sự thống trị chiến lược của Mỹ và duy trì sự ổn định toàn cầu. Tuy nhiên, báo cáo cũng thừa nhận chỉ riêng việc răn đe sẽ không đủ để giải quyết triệt để các mối nguy hiểm chiến lược đối với Mỹ. Do đó, bên cạnh cam kết thực hiện răn đe hạt nhân một cách an toàn, bảo mật và đáng tin cậy, việc kiểm soát vũ khí, giảm thiểu rủi ro và không phổ biến vũ khí hạt nhân cũng là những yếu tố không thể thiếu trong chiến lược điều chỉnh này.
Kế hoạch điều chỉnh chiến lược răn đe hạt nhân của Mỹ được đưa ra bàn thảo trong bối cảnh giới chức Lầu Năm Góc nhận ra có nhiều đối thủ ngang hàng về năng lực hạt nhân đang thách thức an ninh của Mỹ, các đồng minh cũng như đối tác của nước này.
Trang defense.gov gần đây trích dẫn phát biểu của Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về chính sách hạt nhân và chống vũ khí hủy diệt hàng loạt (N-CWMD) Richard C. Johnson tại hội thảo ở Washington, D.C. ngày 21-11 cho biết: “Chúng ta hiện đang ở trong một thế giới mà chúng ta phải đối mặt với nhiều đối thủ ngang hàng về hạt nhân, nhiều quốc gia đang phát triển, đa dạng hóa và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhâncủa họ, đồng thời cũng ưu tiên vai trò của vũ khí hạt nhân trong các chiến lược an ninh quốc gia của họ.
Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết cho Mỹ trong việc xem xét lại chính sách răn đe hạt nhân”. Theo đó, ông Johnson nhấn mạnh việc điều chỉnh đánh giá vị thế hạt nhân năm 2022 dưới thời Tổng thống Joe Biden để duy trì khả năng răn đe hạt nhân của Mỹ, trong đó xét đến năng lực hạt nhân của các đối thủ ngang hàng và khả năng thiếu các thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân hiện nay.
Động thái điều chỉnh chiến lược hạt nhân của Mỹ diễn ra trong bối cảnh Nga cũng vừa công bố học thuyết hạt nhân mới. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê duyệt một tài liệu xác định rõ các tình huống mà Moscow có thể sử dụng vũ khí hạt nhân. Trong diễn biến mới nhất, Chính phủ Nga đã ban hành lệnh tạm thời không xuất khẩu uranium làm giàu sang Mỹ nhằm đáp trả các hạn chế của Washington đối với việc nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân của nước này. Quyết định này không chỉ cho thấy căng thẳng ngày càng tăng giữa hai nước trong lĩnh vực tài nguyên chiến lược và an ninh năng lượng mà còn tác động sâu rộng đến thị trường năng lượng toàn cầu.
THƯ LÊ