Giữa lúc nạn đói đang lan rộng ở Gaza, người dân càng khó tiếp cận nguồn hàng viện trợ do xung đột, nạn cướp bóc gia tăng ở các khu vực do quân đội Israel kiểm soát, khiến tình cảnh nơi đây thêm ngặt nghèo và hỗn loạn.
The Washington Post trích nguồn tin từ các nhân viên cứu trợ cho biết, nạn cướp bóc hiện là trở ngại lớn nhất đối với việc phân phối hàng viện trợ đến nam Gaza, nơi sinh sống của phần lớn người Palestine vốn bị Israel yêu cầu di dời tới đây. Tháng 10-2024, lượng hàng viện trợ đến tay người dân Gaza giảm xuống mức thấp nhất kể từ giai đoạn đầu của cuộc xung đột. Các nhà quan sát cho rằng, Israel đang cố tình gây khó công tác viện trợ, bất chấp lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế, thậm chí phớt lờ cảnh báo cắt giảm hỗ trợ quân sự từ đồng minh thân cận Mỹ.
Các cơ quan viện trợ hoạt động tại dải đất này đang gặp khó trong việc thu thập và phân phối hàng viện trợ trong bối cảnh các cuộc không kích, lệnh phong tỏa, yêu cầu di dời dân từ Israel. COGAT, bộ phận dân sự của quân đội Israel phụ trách các vùng lãnh thổ Palestine, biện minh cho các hạn chế về lượng hàng hóa viện trợ khi liên tục cáo buộc Hamas đánh cắp hàng viện trợ và ngăn không cho viện trợ đến tay người dân. Tuy nhiên, theo một số quan chức Mỹ, Hamas không đứng sau các cuộc tấn công hàng viện trợ, và điều này được nhiều nhân viên cứu trợ hoạt động trên thực địa tại Gaza xác nhận.
Sau khi Israel đóng cửa khẩu biên giới Rafah với Ai Cập, tuyến đường huyết mạch của Gaza vào tháng 5-2024, phần lớn hoạt động nhân đạo chuyển hướng đến cửa khẩu Kerem Shalom của Israel. Đây là con đường hiểm trở, nguy hiểm khi các băng nhóm có vũ trang giết hại, đánh đập và bắt cóc các tài xế xe tải chở hàng cứu trợ xung quanh cửa khẩu này.
Tuần trước, khoảng 100 xe tải chở lương thực viện trợ thiết yếu của Liên Hợp Quốc (LHQ) qua Kerem Shalom bị những kẻ có vũ trang cướp bóc. Vụ cướp lớn nhất trong hơn 13 tháng xung đột càng làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm nhu yếu phẩm; đồng thời là bằng chứng mới nhất về sự trỗi dậy đáng báo động của các băng đảng tội phạm nơi đây. Các băng đảng vũ trang đang lợi dụng tình trạng hỗn loạn do xung đột để tiến hành cướp bóc kiếm lợi. Theo LHQ, khoảng 1/3 tổng số hàng viện trợ đã bị các băng đảng vũ trang đánh cắp và bán lại với giá cắt cổ.
Theo báo cáo nội bộ của LHQ mà The Washington Post có được, các băng đảng có vẻ nhận được “sự bảo vệ” từ Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF). Thậm chí, một thủ lĩnh băng đảng tại Gaza thành lập “khu phức hợp kiểu quân đội” trong một khu vực bị IDF hạn chế, kiểm soát và tuần tra. Các nhân viên cứu trợ, quan chức LHQ và tài xế xe tải cho biết các lực lượng Israel cũng nhiều lần làm ngơ, không can thiệp khi các vụ cướp bóc diễn ra. Bên cạnh đó, Israel liên tục từ chối hầu hết các yêu cầu cho phép cảnh sát dân sự của Gaza bảo vệ các đoàn xe, sử dụng các tuyến đường an toàn hơn. Quân đội Israel đã phủ nhận các cáo buộc trên, tuyên bố rằng IDF đã thực hiện “các biện pháp đối phó có mục tiêu” chống lại những kẻ cướp bóc.
Trong khi đó, The Guardian dẫn báo cáo về an ninh lương thực do LHQ hậu thuẫn công bố vào tháng 10-2024 cho biết, hơn 1,8 triệu người Palestine ở Gaza đang trải qua mức độ đói cực kỳ nghiêm trọng, với 70% diện tích đất canh tác bị phá hủy và sinh kế bị tàn phá.
Theo UNICEF, ít nhất 37 trẻ em chết vì suy dinh dưỡng hoặc mất nước trong một năm xung đột. Khoảng 50.000 trẻ em dưới 5 tuổi cần được điều trị khẩn cấp vì suy dinh dưỡng vào cuối năm nay. Reuters dẫn lời một sĩ quan cấp cao phụ trách tình trạng khẩn cấp của Cơ quan LHQ về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) nói: “Nếu không có sự can thiệp ngay lập tức, tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng sẽ trở nên tồi tệ hơn, đe dọa tính mạng của hơn 2 triệu người phụ thuộc viện trợ nhân đạo để sinh tồn”.
THƯ LÊ