Nga-Iran kết nối mạng lưới liên ngân hàng

.

Nga và Iran hoàn tất việc ghép nối các hệ thống thanh toán quốc gia giữa hai bên, qua đó cho phép du khách hai nước sử dụng thẻ ghi nợ trong nước để mua hàng tại mỗi bên. Động thái đánh dấu cột mốc trong hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia này.

Thẻ ngân hàng của Iran có thể sử dụng trong mạng lưới ATM của Nga.   Ảnh: Defensemirror.
Thẻ ngân hàng của Iran có thể sử dụng trong mạng lưới ATM của Nga. Ảnh: Defensemirror.

Theo RT, phát biểu tại buổi lễ chính thức tại Tehran ngày 11-11, Thống đốc Ngân hàng trung ương Iran (CBI) Mohammad-Reza Farzin mô tả việc kết nối hệ thống thanh toán Mir của Nga và Shetab của Iran là bước tiến lớn đáng tự hào hướng tới hợp tác kinh tế cũng như tạo điều kiện thuận lợi trong  quan hệ kinh tế và du lịch giữa hai nước, đồng thời có thể  giảm sự phụ thuộc vào đồng USD trong các giao dịch song phương và thúc đẩy hội nhập kinh tế toàn khu vực.

The Tehran Times dẫn lời ông Farzin cho biết, dự án bắt đầu với mục đích thiết lập sự tích hợp trong các mạng lưới thanh toán và tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch tài chính giữa công dân của hai quốc gia. Việc kết nối này giúp xóa bỏ những rào cản thanh toán điện tử, mở đường cho kỷ nguyên mới trong hợp tác kinh tế.

Theo ông Farzin, quá trình kết nối sẽ gồm ba giai đoạn. Giai đoạn 1 cho phép công dân Iran có thể sử dụng thẻ ngân hàng của họ tại các máy ATM của Nga. Theo cách này, hiện tại du khách Iran có thể dễ dàng nhận tiền Ruble từ các máy ATM của Nga bằng số dư Riyal trong thẻ Shetab của họ. Trong giai đoạn 2, công dân Nga sẽ có thể rút tiền mặt tại Iran bằng thẻ ngân hàng trong nước. Trong giai đoạn 3, thẻ Shetab của Iran sẽ được chấp nhận tại các thiết bị đầu cuối tại điểm bán hàng (POS) được lắp đặt tại các cửa hàng của Nga.

Theo TASS, dự án kết nối này là nỗ lực hợp tác giữa Trung tâm tin học quốc gia Iran và đối tác công nghệ Nga, với ngân hàng Saderat của Iran và ngân hàng VTB của Nga đóng vai trò trung gian. Người đứng đầu bộ phận giám sát mạng lưới thanh toán của CBI Noushafarin Momen cho biết, 4 ngân hàng Iran đã hoàn thành các sửa đổi cần thiết để mở rộng quyền truy cập và hỗ trợ cho chủ thẻ Iran ở nước ngoài, trong khi một số ngân hàng khác cũng đang trong quá trình nâng cấp hệ thống để tham gia mạng lưới.

Đại sứ Iran tại Nga Kazem Jalali đánh giá, hầu hết các rào cản đã được gỡ bỏ giúp hai nước thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Giới chuyên gia cho rằng, bước đi quan trọng này nhằm mục đích đơn giản hóa các giao dịch tài chính cho du khách hai nước. Iran kỳ vọng sẽ đón thêm được một số lượng lớn du khách Nga tới thăm quốc gia Trung Đông này.

Thời gian qua, Moscow và Tehran tăng cường quan hệ, thúc đẩy hợp tác thương mại và tài chính trong bối cảnh hai nước đều đang chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây. Nga bắt đầu phát triển hệ thống thanh toán quốc gia của riêng mình khi Mỹ và các đồng minh áp nhiều lệnh trừng phạt trong hơn một thập kỷ qua. Thẻ Mir được lưu hành từ tháng 12-2015.

Năm 2022, khi Moscow bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt mới và nhiều ngân hàng Nga bị cắt khỏi SWIFT, Visa và MasterCard, chính phủ nước này bắt đầu quảng bá hệ thống trong nước như một giải pháp thay thế đáng tin cậy. Thẻ Mir hiện được chấp nhận ở  Abkhazia, Nam Ossetia,Belarus, và có thể dùng với một số hạn chế nhất định ở Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Cuba, Venezuela. Các lệnh trừng phạt của Mỹ đã buộc một số ngân hàng ở Armenia, Kyrgyzstan và Kazakhstan phải dừng giao dịch và ngừng chấp nhận thẻ Mir. Trong khi đó, 15 quốc gia khác được cho là đã bày tỏ sự quan tâm đến việc chấp nhận thẻ Mir trên lãnh thổ của họ.

Việc kết nối hệ thống ngân hàng giữa Iran và Nga diễn ra sau tuyên bố của Tổng thống Nga Putin vào tháng 9-2024 về việc tăng cường quan hệ với Iran, dưới sự ủng hộ của Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei. Hai nước đang nỗ lực hướng tới việc ký kết thỏa thuận quan trọng để thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.

NGHI VĂN

;
;
.
.
.
.
.