Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ áp mức thuế 25% đối với tất cả sản phẩm từ Mexico, Canada và 10% đối với Trung Quốc kể từ ngày đầu nhậm chức 20-1-2025. Bên cạnh phản ứng mạnh mẽ từ những nước bị ảnh hưởng, tính toán này có thể gây tác động ngược đối với Mỹ, cũng như xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tàu container chở hàng tại cảng Los Angeles (Mỹ). Ảnh: AP |
Ông Trump viết trên nền tảng Truth Social: “Vào ngày 20-1-2025, một trong những sắc lệnh hành pháp đầu tiên của tôi, tôi sẽ ký tất cả tài liệu cần thiết để áp thuế 25% đối với tất cả các sản phẩm nhập khẩu từ Mexico và Canada vào Mỹ, chấm dứt tình trạng biên giới mở không thể chấp nhận được. Mức thuế này sẽ duy trì cho đến khi tình trạng ma túy, đặc biệt là fentanyl và dòng người nhập cư bất hợp pháp bị ngăn chặn hoàn toàn”. Ông cũng nhấn mạnh các nước láng giềng của Mỹ hoàn toàn có khả năng giải quyết vấn đề này. Ngoài ra, ông cho biết Trung Quốc cũng sẽ đối mặt với mức thuế tăng thêm 10% so với hiện hành đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ.
Trước động thái của ông Trump, theo Global Times, ngày 25-11, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington (Mỹ) và quan chức Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định, hợp tác kinh tế và thương mại Trung-Mỹ về bản chất là đôi bên cùng có lợi và điều này cũng phù hợp mong đợi của cộng đồng quốc tế khi kinh tế hai nước có tính bổ sung cao. Chắc chắn sẽ không ai chiến thắng trong một cuộc chiến thương mại hay một cuộc chiến thuế quan. Giới chức Trung Quốc cũng nhấn mạnh, các cơ quan chống ma túy của Trung Quốc và Mỹ đã nối lại liên lạc thường xuyên kể từ hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước tại San Francisco (Mỹ) năm 2023. Tất cả những điều này chứng minh cáo buộc về việc Trung Quốc cố tình cho phép tiền chất fentanyl đưa vào Mỹ là hoàn toàn trái ngược với thực tế.
Mexico và Canada là hai đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Hơn 83% hàng hóa sản xuất tại Mexico nhập khẩu vào Mỹ trong năm 2023. Trong khi đó, 75% hàng xuất khẩu của Canada nhập khẩu vào Mỹ. Theo CTV News, việc áp thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Canada có thể có tác động “tàn phá” đối với nền kinh tế nước này. Phòng Thương mại Canada cho rằng ngay cả mức thuế 10% đối với hàng hóa Canada hiện nay cũng sẽ gây thiệt hại kinh tế khoảng 30 tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế nước này.
Dù viện dẫn lý do tăng thuế quan lên hàng hóa của 3 nước nói trên nhưng suy cho cùng mục đích của ông Trump là sử dụng thuế quan như công cụ chủ chốt, giống như ông từng làm trong nhiệm kỳ đầu, để thúc đẩy sản xuất trong nước và tăng nguồn thu ngân sách nhằm bù đắp cho những khoản thâm hụt từ kế hoạch cắt giảm thuế, cũng như gây quỹ cho chính quyền liên bang. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng kế hoạch áp thuế mới của ông Trump có thể là chính sách kinh tế mang lại hậu quả xấu nhất mà ông từng ban hành khi sẽ đẩy mức thuế nhập khẩu của Mỹ trở lại mức thuế nhập khẩu của thập niên 1930, dẫn đến nhiều hệ lụy với chính nước này và bức tranh thương mại toàn cầu.
Trước hết, đối với các doanh nghiệp Mỹ, các mức thuế quan mới này có thể tàn phá chuỗi cung ứng và các ngành công nghiệp phụ thuộc hàng hóa từ các đối tác thương mại gần nhất, làm suy giảm hiệu quả đối với sản xuất trong nước khi hàng hóa Mỹ kém hấp dẫn hơn trên thị trường quốc tế. CNN dẫn lời Karl Schamotta, chiến lược gia trưởng thị trường tại Corpay Cross-Border Solutions, cho biết: “Các biện pháp thuế quan mới có thể ảnh hưởng nặng nề đến một số ngành công nghiệp chiến lược của Mỹ, tăng thêm gánh nặng thuế khoảng 272 tỷ USD”.
Đối với người tiêu dùng Mỹ, việc tăng thuế quan có thể dẫn đến giá sản phẩm nhập khẩu cao hơn, gây lạm phát với gánh nặng cuối cùng lại đè lên vai người tiêu dùng. Dù ông Trump tuyên bố các nước bị nhắm đến sẽ phải chịu thuế quan, nhưng trên thực tế, chi phí này thường do các công ty nhập khẩu trả và sau đó được chuyển cho người tiêu dùng Mỹ. Các nhà quan sát cũng lo ngại thuế quan sẽ kéo theo các biện pháp trả đũa từ các quốc gia bị nhắm mục tiêu, dẫn đến cuộc chiến thương mại, khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị xáo trộn mạnh mẽ.
Theo dữ liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố đầu năm 2024, dầu mỏ là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Canada sang Mỹ. Mỹ cũng nhập khẩu ô-tô, máy móc và nhiều mặt hàng khác, nhựa và gỗ từ Canada. Mỹ nhập phần lớn ô-tô và phụ tùng ô-tô từ Mexico, quốc gia vượt qua Trung Quốc để trở thành nước xuất khẩu hàng đầu sang Mỹ vào năm 2023. Mexico cũng là nhà cung cấp chính các thiết bị điện tử, máy móc, dầu mỏ và thiết bị quang học, đồng thời số lượng lớn đồ nội thất và rượu. Trong khi đó, Mỹ nhập khẩu nhiều thiết bị điện tử từ Trung Quốc, cùng với máy móc, đồ chơi, trò chơi, thiết bị thể thao, đồ nội thất và nhựa. |
THƯ LÊ