9 quốc gia trở thành đối tác mới của BRICS

.

Belarus, Bolivia, Indonesia, Kazakhstan, Thái Lan, Cuba, Uganda, Malaysia và Uzbekistan chính thức trở thành đối tác của Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) từ ngày 1-1-2025. Điều này cho thấy sức hấp dẫn không ngừng tăng của khối đối với các quốc gia đang tìm kiếm cơ hội hợp tác đa phương.

Quang cảnh cuộc họp tại hội nghị thượng đỉnh BRICS năm 2024 tại Kazan (Nga).  Ảnh: Sputnik
Quang cảnh cuộc họp tại hội nghị thượng đỉnh BRICS năm 2024 tại Kazan (Nga). Ảnh: Sputnik

TASS dẫn lời Trợ lý Tổng thống Nga về các vấn đề quốc tế Yury Ushakov ngày 23-12 cho biết, trước thềm hội nghị thượng đỉnh BRICS diễn ra vào tháng 10-2024 tại Kazan (Nga), tổ chức này nhận được 35 đơn đăng ký gia nhập BRICS theo các điều kiện khác nhau. Đáng chú ý, một trong những kết quả quan trọng của hội nghị là việc thành lập danh mục các quốc gia đối tác của BRICS và thống nhất danh sách 13 quốc gia. Đến nay, có 9 quốc gia nói trên đã xác nhận sẵn sàng trở thành các quốc gia đối tác của BRICS.

Theo tính toán, nếu 4 quốc gia còn lại xác nhận trở thành nước đối tác, thì BRICS (với 9 thành viên hiện nay) sẽ chiếm hơn 1/3 GDP thế giới, với hơn 40% dân số và khoảng 30% sản lượng dầu toàn cầu, mang đến tầm vóc địa chính trị và kinh tế lớn hơn cho khối này. Trong khi đó, các quốc gia Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) hiện chiếm chưa đến 10% dân số thế giới và dưới 30% GDP. Như vậy thị phần của G7 trong nền kinh tế toàn cầu đang giảm dần theo thời gian, trong khi BRICS tăng lên.

Hội nghị vào tháng 10-2024 nêu bật nỗ lực và dấu ấn vai trò Chủ tịch BRICS năm 2024 của nước chủ nhà Nga. Tại sự kiện này, lần đầu tiên áp dụng quy chế “quốc gia đối tác” và được dư luận đánh giá là giải pháp thay thế hiệu quả cho tư cách thành viên chính thức. Điều này xuất phát từ thực tế có đến hơn 30 quốc gia đã nộp đơn xin gia nhập BRICS. Quy chế này cho phép các đối tác tham gia thường xuyên các phiên họp đặc biệt, ở cấp bộ trưởng ngoại giao, cùng các sự kiện cấp cao khác của BRICS. Các quốc gia đối tác cũng sẽ có thể đưa ra đề xuất của riêng mình, đóng góp vào văn kiện, tài liệu của BRICS, nhưng sẽ không tham gia vào việc thống nhất phê duyệt các tài liệu và thực hiện bỏ phiếu. “Chúng tôi tin rằng việc cho phép các quốc gia đối tác vào các cuộc họp của các đại diện an ninh cấp cao, diễn đàn nghị viện và các sự kiện khác là điều đúng đắn”, TV BRICS dẫn lời trợ lý Điện Kremlin cho biết.

Việc 9 quốc gia nói trên chính thức trở thành đối tác của BRICS từ ngày 1-1-2025 cho thấy nỗ lực tìm cách đa dạng hóa thương mại và quan hệ đối ngoại, có thể tiếp cận thị trường thương mại tiềm năng với tổng dân số 3,2 tỷ người của BRICS. Dù không chính thức là một phần của khối, nhưng họ sẽ nhận được một số hỗ trợ từ các thành viên BRICS. Đơn cử, CNA trích dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Mohamad Hasan cho biết: “Mong muốn gia nhập BRICS của Malaysia thể hiện nỗ lực duy trì các chính sách và bản sắc của một quốc gia độc lập và trung lập, tạo sự cân bằng với các cường quốc và mở ra cơ hội kinh doanh và đầu tư mới”. Đối với BRICS, với sự tham gia của các nước đối tác mới tiếp tục là minh chứng cho thấy sức hút của khối này, cũng như tiếng nói mạnh mẽ hơn của khu vực Nam Bán cầu.

Đến nay, kế hoạch tăng số lượng thành viên vẫn là điểm thảo luận sôi nổi trong nội bộ BRICS. Trung Quốc và Nga ủng hộ việc mở rộng, trong khi Brazil và Ấn Độ do dự hơn, lo ngại rằng điều này sẽ làm giảm ảnh hưởng của chính họ.

BRICS tìm cách thiết lập mặt trận thống nhất về quan điểm kinh tế mới nổi trong các thể chế đa phương, dẫu vẫn còn một khác biệt trong nội bộ. Song, các chuyên gia đều đồng tình rằng cần phải có sự hợp tác và cộng tác trên toàn thế giới để giảm thiểu các vấn đề khác nhau mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt. Diễn đàn kinh tế thế giới lưu ý rằng hợp tác là đa dạng và các yếu tố hợp tác có thể cùng tồn tại với các yếu tố cạnh tranh, đồng thời nói thêm rằng các nhà lãnh đạo có thể thực hành “hợp tác cạnh tranh” (Co-opetition) cân bằng giữa hợp tác và cạnh tranh để thúc đẩy lợi ích chung trong các lĩnh vực cụ thể, bất chấp việc thiếu sự thống nhất ở những nơi khác.

Thuật ngữ BRIC được nhà kinh tế học Jim O’Neill của Goldman Sachs đặt ra vào năm 2001 để mô tả sự trỗi dậy đáng kinh ngạc của Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Khối này tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên vào năm 2009 tại Nga. Năm 2010, Nam Phi gia nhập, BRIC trở thành BRICS. Đầu năm 2024, khối kết nạp thêm Ai Cập, Iran, Ethiopia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), đánh dấu lần đầu tiên mở rộng thành viên kể từ năm 2010. Ngày càng có nhiều quốc gia ủng hộ sứ ​​mệnh của nhóm: xây dựng thế giới đa cực, với các thể chế kinh tế thay thế mang tính đại diện và dân chủ hơn, không bị các cường quốc phương Tây thống trị. Đến nay, hơn 20 quốc gia bày tỏ sự quan tâm hoạt động BRICS và tổ chức này luôn chào đón các nước cùng chí hướng.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.