Chính trường Hàn Quốc vừa trải qua cú sốc vào khuya 3-12 sau tuyên bố áp dụng thiết quân luật của Tổng thống Yoon Suk Yeol. Sự việc tạo làn sóng phản đối mạnh mẽ từ cả nội bộ chính phủ lẫn cộng đồng quốc tế, khiến Tổng thống Yoon phải nhanh chóng thu hồi quyết định.
Lực lượng cảnh sát đứng trước cổng tòa nhà Quốc hội Hàn Quốc sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol ban bố tình trạng thiết quân luật ở Seoul khuya 3-12. Ảnh: Yonhap/Reuters |
Các chuyên gia nhận định đây là dấu hiệu của cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc tại Hàn Quốc, đồng thời đặt ra nhiều thách thức cho tương lai của quốc gia này.
Tuyên bố gây sốc
Vào lúc 22 giờ 25 ngày 3-12-2024, Tổng thống Yoon Suk Yeol bất ngờ xuất hiện trên truyền hình và tuyên bố thiết quân luật với lý do bảo vệ trật tự theo hiến pháp khi ông cáo buộc phe đối lập “có các hoạt động chống nhà nước và âm mưu nổi loạn”, theo Yonhap.
Tuyên bố này ngay lập tức gây chấn động toàn quốc. Quân đội Hàn Quốc nhanh chóng tiến vào khu vực Quốc hội và ngăn cản các nghị sĩ tiến vào bên trong. Trong những giờ đầu tiên của ngày 4-12, các nghị sĩ từ cả hai đảng chính trị cầm quyền và đối lập khẩn trương tập trung tại Quốc hội. Theo thông tin trên trang news.az, 190 thành viên Quốc hội, gồm cả những người thuộc đảng cầm quyền của Tổng thống Yoon là Đảng Sức mạnh Nhân dân, bỏ phiếu nhất trí phản đối biện pháp này.
Theo Hiến pháp Hàn Quốc, một khi Quốc hội bỏ phiếu hủy bỏ thiết quân luật, quyết định đó phải được tôn trọng. Korea Herald dẫn tuyên bố của lãnh đạo đảng đối lập Dân chủ, ông Lee Jae Myung cho rằng hành động của ông Tổng thống Yoon là “vi hiến”. Trước quyết định của Quốc hội, Tổng thống Yoon Suk Yeol phải rút lại lệnh thiết quân luật vào lúc 4 giờ 30 sáng 4-12 (giờ địa phương), tức chỉ khoảng 6 tiếng đồng hồ sau khi ban bố.
Dẫu lệnh đã được rút lại, song sự kiện này không chỉ gây ra làn sóng phản đối trong nước mà còn thu hút sự quan tâm đặc biệt từ dư luận thế giới. Mỹ, đồng minh quan trọng của Hàn Quốc, đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến tại Hàn Quốc với mối quan tâm sâu sắc, theo CNN. Liên Hợp Quốc (LHQ) cũng không đứng ngoài cuộc. Phát ngôn viên của Tổng Thư ký LHQ António Guterres cho biết tổ chức này đang theo dõi rất chặt chẽ tình hình tại Hàn Quốc, theo Asiamediacentre.
Lo ngại những bất ổn tiềm tàng
Các chuyên gia nhận định hành động của Tổng thống Yoon Suk Yeol là dấu hiệu cho thấy sự căng thẳng chính trị ngày càng gia tăng tại Hàn Quốc. Giáo sư Kim Sung Soo từ Đại học Quốc gia Seoul nhận định trên News.az: “Đây là bước lùi lớn đối với nền dân chủ Hàn Quốc. Hành động này dù chỉ xảy ra trong vài giờ nhưng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sự ổn định chính trị và xã hội trong tương lai”.
Trong khi đó, nhiều người dân Hàn Quốc bày tỏ sự hoang mang và lo lắng. Trên các mạng xã hội, nhiều người không tin rằng sự việc như vậy có thể xảy ra trong thời đại hiện nay. “Tôi không thể tin được rằng mình đang chứng kiến một tuyên bố thiết quân luật trong cuộc đời mình”, một người dân chia sẻ với Korea Herald.
Theo AP, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã phải đối mặt với nhiều thách thức từ khi nhậm chức vào năm 2022. Phe đối lập kiểm soát Quốc hội đã liên tục cản trở các chính sách của ông, đồng thời tiến hành các cuộc bỏ phiếu luận tội đối với nhiều quan chức cao cấp trong chính phủ. Việc tuyên bố thiết quân luật được coi là một nỗ lực của Tổng thống Yoon Suk Yeol nhằm giành lại quyền kiểm soát trước phe đối lập. Tuy nhiên, hành động này đã phản tác dụng khi ngay chính các thành viên trong đảng của ông cũng phản đối. Lãnh đạo đảng Sức mạnh Nhân dân, ông Han Dong Hoon, đã gọi quyết định này là “sai lầm” và yêu cầu cách chức Bộ trưởng Quốc phòng.
Theo Hãng tin AFP, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc, ông Kim Yong Hyun, đã đệ đơn xin từ chức trong ngày 4-12 sau những rắc rối liên quan đến việc áp đặt thiết quân luật ngắn hạn do Tổng thống Yoon Suk Yeol, đồng minh thân cận của ông, ban hành.
Trong tuyên bố của mình, ông Kim bày tỏ sự hối tiếc sâu sắc: “Trước tiên, tôi muốn gửi lời xin lỗi chân thành và nhận hoàn toàn trách nhiệm vì đã gây ra sự nhầm lẫn và lo lắng cho công chúng liên quan đến tình trạng thiết quân luật. Tôi đã chịu trách nhiệm hoàn toàn về mọi vấn đề phát sinh từ sự việc này và đã chính thức đệ đơn từ chức lên tổng thống”.
Phe đối lập đã nhanh chóng tận dụng cơ hội này để tăng cường sức ép lên Tổng thống Yoon Suk Yeol. Họ tuyên bố sẽ tiến hành các thủ tục luận tội nếu ông không từ chức ngay lập tức, theo CNN. Trong khi đó, theo Yonhap, nhiều trợ lý cấp cao của Tổng thống Yoon Suk Yeol, gồm cả Chánh văn phòng Tổng thống, đệ đơn từ chức hàng loạt vào sáng 4-12, sau khi Quốc hội bất ngờ thông qua nghị quyết yêu cầu dỡ bỏ thiết quân luật.
Thách thức lớn với kinh tế Ở diễn biến liên quan, theo Asia Nikkei, thị trường tài chính đã có những biến động đáng kể. Cụ thể, đêm 3-12, chỉ số iShares MSCI South Korea ETF giảm tới 7% trên thị trường Mỹ, đạt mức thấp nhất trong 52 tuần. Sáng 4-12, thị trường chứng khoán Hàn Quốc mở cửa giảm gần 2%, với chỉ số Kospi giảm 1,8% và Kosdaq giảm 1,7%. Đồng won cũng ghi nhận sự sụt giảm, xuống mức thấp nhất là 1.430 won/USD vào đêm 3-12, trước khi hồi phục nhẹ và giảm khoảng 1% vào sáng 4-12. Chính phủ Hàn Quốc đã cam kết bơm thanh khoản không giới hạn để ổn định thị trường trong bối cảnh bất ổn này. Các nhà phân tích cho rằng cần phải có những cải cách cơ bản để ngăn chặn các tình huống tương tự trong tương lai. “Quốc gia này cần phải xem xét lại các cơ chế quản trị để bảo đảm rằng xung đột giữa các nhánh quyền lực không leo thang đến mức nguy hiểm”, một chuyên gia nhận định trên News.az. |
TRẦN ĐẮC LUÂN