Bước ngoặt quan trọng trong chuyển giao quyền lực ở Syria

.

Syria chứng kiến bước ngoặt quan trọng trong quá trình chuyển giao quyền lực khi lực lượng nổi dậy chọn thủ tướng lâm thời, đồng thời cam kết tích cực đưa đất nước hướng tới sự ổn định và yên bình.

Khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel tại Damascus ngày 10-12. Ảnh: AFP
Khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel tại Damascus ngày 10-12. Ảnh: AFP

Cần chuyển cam kết thành hành động

Theo Reuters, lực lượng nổi dậy chọn Mohammed al-Bashir (41 tuổi), chính trị gia tại tỉnh Idlib do lực lượng đối lập kiểm soát ở tây bắc Syria, làm Thủ tướng lâm thời lãnh đạo chính phủ chuyển tiếp tới tháng 3-2025. Là nhân vật gây tranh cãi nhưng cũng được xem là biểu tượng hy vọng của nhiều người Syria, ông al-Bashir đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức trong giai đoạn đầy biến động này. Phát biểu trên Al Jazeera ngày 10-12, ông al-Bashir nhấn mạnh giờ đây là thời điểm người dân Syria được hưởng sự ổn định và yên bình.

Trong khi đó, theo Sky News, ông Abu Mohammed al-Jolani, lãnh đạo của lực lượng nổi dậy Hayat Tahrir al-Sham (HTS), cũng đưa ra lời trấn an đầu tiên khi khẳng định Syria sẽ không còn xung đột nữa và bước vào tái thiết; đồng thời khẳng định các nước phương Tây không cần lo sợ về tình hình quốc gia Trung Đông này. “Người dân Syria đã mệt mỏi với xung đột và không muốn nó tiếp diễn. Đất nước sẽ tiến tới tái thiết, ổn định và phát triển”.

Được sự hỗ trợ của các nhóm đối lập, ông al-Bashir đã tiến hành cuộc họp nội các đầu tiên với sự tham gia của chính quyền lâm thời và các cơ quan từ chính phủ dưới thời ông al-Assad. Điều này phản ánh tín hiệu lạc quan trong quá trình chuyển giao quyền lực tại Syria. Tuy nhiên, sự ủng hộ của dư luận quốc tế đối với chính phủ hiện nay tại Syria vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng bởi lực lượng nổi dậy HTS vẫn bị Liên Hợp Quốc (LHQ) và Mỹ xem là tổ chức khủng bố. HTS ban đầu là một nhánh của tổ chức khủng bố al-Qaeda nhưng đã cắt đứt quan hệ và đang nỗ lực thể hiện hình ảnh ôn hòa hơn.

Theo AP, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đều bày tỏ mong muốn Syria phải có “chính phủ bao trùm, không phân biệt tôn giáo”, bảo vệ quyền của các dân tộc thiểu số. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định, Mỹ sẽ công nhận chính phủ mới tại Syria nếu họ đáp ứng được những tiêu chuẩn nêu trên; đồng thời yêu cầu chính phủ mới phải bảo đảm để Syria không là nơi ẩn náu của khủng bố. Theo RT, Thổ Nhĩ Kỳ thúc giục chính quyền Syria mới thành lập chính phủ đoàn kết sẽ hoạt động trật tự và gồm tất cả các bên ở Syria.

Tương tự, LHQ nhấn mạnh điều quan trọng là phải có hành động cụ thể và thực tế để xây dựng sự ổn định lâu dài. Ngày 10-12, Đặc phái viên LHQ Geir Pedersen kêu gọi các bên chuyển thông điệp tích cực, mang tính xây dựng thành hành động cụ thể để bảo đảm sự quản lý đáng tin cậy, toàn diện cho Syria, theo AP. Nước này đang ở ngã ba đường với nhiều cơ hội song cũng đầy rủi ro, đòi hỏi sự tham gia rộng rãi của các thành phần xã hội và các đảng phái trong nước.

Ở thời điểm hiện tại, không khí tại thủ đô Damacus dường như có phần lạc quan hơn với các ngân hàng và cửa hàng mở cửa trở lại. Trong khi đó, người dân, đặc biệt là những người tị nạn, bắt đầu quay trở lại quê hương sau nhiều năm sống xa xứ. Về phần cựu Tổng thống Bashar al-Assad, giới chức Nga khẳng định ông được bảo vệ an toàn tại quốc gia này và sẽ không bị dẫn độ bởi vì Nga không phải thành viên Công ước Rome của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC).

Thách thức từ Israel

Tình hình tại Syria đang trở nên phức tạp hơn với những diễn biến quân sự căng thẳng. Al Jazeera nhận định, các cuộc không kích liên tục của Israel vào Syria đang cản trở nỗ lực chuyển giao quyền lực từ chế độ Bashar al-Assad. “Israel đang biến Syria thành Lebanon, thành Gaza. Đó là thách thức lớn đối với chính quyền mới đang cố gắng bảo vệ bộ máy nhà nước... để bảo đảm rằng quá trình chuyển giao chính trị suôn sẻ”, tờ báo này nhận định.

Theo CNN, ngày 10-12, Israel phát động chiến dịch không kích quy mô lớn, nhằm vào các mục tiêu quân sự khắp Syria với khoảng 480 cuộc không kích trong vòng 48 giờ, khiến nhiều binh sĩ Syria thiệt mạng. Israel tuyên bố sẽ lập vùng phi quân sự ở nam Syria nhằm ngăn mối đe dọa khủng bố. Israel đã điều quân vào vùng đệm ở Cao nguyên Golan, động thái mang tính tạm thời, để bảo vệ công dân Israel khỏi các cuộc tấn công tiềm tàng, song phủ nhận thông tin quân đội nước này đang tiến về Damascus. Quân đội Israel cũng khẳng định sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của Syria. Dẫu vậy, các hành động quân sự của Israel vấp phải sự chỉ trích từ nhiều quốc gia trong khu vực. Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Jordan và Saudi Arabia lên án Israel lợi dụng tình hình hỗn loạn tại Syria để xâm phạm lãnh thổ nước này. LHQ cũng lên án hành vi của Israel.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.