Chiến lược phát triển mô hình doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc

.

Trung Quốc không ngừng phát triển mô hình doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) thành những “những người khổng lồ nhỏ” trong các lĩnh vực ngách, nhằm tăng cường khả năng tự cung tự cấp về kinh tế và thu hẹp khoảng cách trong lĩnh vực sản xuất tiên tiến với phương Tây.

Công nhân làm việc tại Nhà máy sản xuất máy xúc thông minh ở Liễu Châu, miền nam Trung Quốc. Ảnh: Xinhua
Công nhân làm việc tại Nhà máy sản xuất máy xúc thông minh ở Liễu Châu, miền nam Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Vượt mục tiêu đề ra

Theo SCMP, tính đến cuối năm 2024, bên cạnh những thương hiệu vươn xa toàn cầu như Huawei, Tencent, Baidu… Trung Quốc đã ươm mầm thành công hơn 14.600 SMEs tư nhân đóng vai trò quan trọng trong các ngành công nghiệp chiến lược. Con số này vượt xa mục tiêu 10.000 SMEs chuyên môn hóa vào năm 2025, trong đó có 1.000 doanh nghiệp thuộc nhóm dẫn đầu trong các ngành công nghiệp cụ thể. Thuật ngữ “những người khổng lồ nhỏ” ám chỉ những nhóm tinh hoa mới trong cộng đồng SMEs  chuyên về một thị trường trọng điểm với công nghệ nổi trội, qua đó tiến đến trở thành các doanh nghiệp thống trị trong các lĩnh vực ngách và tiến đến dẫn đầu thị trường quốc tế.

Truyền thông Trung Quốc ví von những doanh nghiệp này là “những nhà vô địch ẩn danh” giúp thu hẹp khoảng cách trong lĩnh vực sản xuất tiên tiến với các nước phương Tây như Mỹ, Nhật Bản và Đức. Các doanh nghiệp này phát triển theo hướng “chuyên biệt, tinh gọn, độc đáo và sáng tạo”, tập trung ở nhiều lĩnh vực công nghệ mới tiềm năng, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI) và nền kinh tế đặc trưng bởi việc vận hành máy bay không người lái thương mại với mức đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D) đáng kể.

“Trung Quốc đang chiếm thị phần trong ngày càng tăng ngành công nghiệp như ô-tô, đồ gia dụng và máy móc. Điều này sẽ có lợi cho các SMEs, vốn là những nhà cung cấp linh kiện quan trọng”, ông Xu Tianchen, chuyên gia kinh tế cấp cao tại công ty nghiên cứu thị trường Economist Intelligence Unit, nhận định trong cuộc trao đổi với SCMP. CCTV cho biết các “gã khổng lồ nhỏ” này được khuyến khích đầu tư mạnh vào lĩnh vực R&D), với mức đầu tư trung bình chiếm 7% doanh thu và sở hữu trung bình 22 bằng sáng chế. 

Thúc đẩy kinh tế tự cường

Chiến lược hỗ trợ “những người  khổng lồ nhỏ” nói trên như một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của Trung Quốc nhằm thúc đẩy công nghệ nội địa và tăng cường khả năng tự cung tự cấp của nền kinh tế đất nước, giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài, hướng đi tiến tới nền kinh tế sáng tạo hơn, dựa trên công nghệ và đổi mới trong bối cảnh Mỹ không ngừng áp đặt các hạn chế về thương mại nhằm cản trở Bắc Kinh tiếp cận một số nguồn cung quan trọng.

Chiến lược này đã và đang tạo ra những tác động đáng kể đến nền kinh tế Trung Quốc khi góp phần thúc đẩy đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Trung Quốc trong các lĩnh vực then chốt, tăng cường khả năng tự chủ về công nghệ giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài và tăng cường khả năng tự cung tự cấp trong bối cảnh căng thẳng thương mại và công nghệ với Mỹ.

Việc Trung Quốc tập trung phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ  trong các ngành công nghiệp chiến lược có thể dẫn đến sự thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Các doanh nghiệp này, với lợi thế về chi phí và công nghệ, có thể thu hút đầu tư và sản xuất từ các quốc gia khác, góp phần thay đổi cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu. Các sáng chế và công nghệ mới được tạo ra bởi các doanh nghiệp này có thể được ứng dụng và lan tỏa ra các quốc gia khác, mang lại lợi ích cho toàn cầu. Theo truyền thông quốc tế, Trung Quốc đã phát triển một chiến lược toàn diện và quyết liệt để ứng phó với các chính sách cứng rắn của chính quyền Trump 2.0.

Mỹ áp trừng phạt mới vào ngành bán dẫn Trung Quốc
Theo Reuters, trong động thái chiến lược nhằm kiềm chế tham vọng bán dẫn của Trung Quốc, ngày 2-12, Mỹ công bố gói biện pháp mới hạn chế xuất khẩu công nghệ chip. Đây là đợt trừng phạt thứ 3 trong vòng 3 năm qua, với phạm vi ảnh hưởng bao trùm hơn 140 công ty Trung Quốc, bao gồm các nhà sản xuất thiết bị chip như Naura Technology Group, Piotech và SiCarrier Technology. Gói biện pháp mới nhắm trực tiếp vào khả năng sản xuất chip tiên tiến của Trung Quốc, đặc biệt là những loại chip phục vụ AI. Không chỉ ảnh hưởng đến Trung Quốc, gói biện pháp mới còn tác động đến các nhà sản xuất thiết bị bán dẫn trên toàn cầu. Đơn cử, các công ty tại Malaysia, Singapore, Israel, Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với quy định tuân thủ kiểm soát xuất khẩu của Mỹ nếu hàng hóa của họ chứa bất kỳ linh kiện nào có xuất xứ từ Mỹ mà muốn xuất sang Trung Quốc. Song, theo SCMP, các doanh nghiệp Trung Quốc tự tin cho rằng, tác động của lệnh trừng phạt lần này không đáng kể bởi họ đã chuẩn bị tinh thần ứng phó, dựa trên khả năng tự chủ công nghệ và thị trường nội địa mạnh mẽ. Bộ Thương mại Trung Quốc cam kết thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp nước này.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.