Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây đánh giá cao những nỗ lực của chính phủ Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhằm thúc đẩy điều kiện ổn định cho phát triển đất nước, thông qua chính sách “Ấn Độ trên hết”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên phải) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 16 tại Kazan tháng 10-2024. Ảnh: NE India Broadcast |
RT dẫn phát biểu tại diễn đàn đầu tư “VTB Nước Nga đang vẫy gọi” ở Moscow ngày 4-12, Tổng thống Putin nhận định chính sách “Ấn Độ trên hết”, trong đó có sáng kiến “Sản xuất tại Ấn Độ” của Thủ tướng Modi giúp thúc đẩy môi trường tăng trưởng ổn định của quốc gia Nam Á. Với mục tiêu thúc đẩy sản xuất và thu hút đầu tư nước ngoài, sáng kiến nêu trên đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố vị thế của Ấn Độ trong nền kinh tế toàn cầu. Điều đáng chú ý là Tổng thống Putin đã so sánh sáng kiến này của Ấn Độ với chương trình thay thế hàng nhập khẩu tương tự ở Nga. Đó cũng là động lực thúc đẩy Moscow xích lại gần hơn và mở rộng đầu tư vào quốc gia Nam Á này.
“Chính phủ Ấn Độ, dưới sự dẫn dắt của Thủ tướng Modi đã tạo ra các điều kiện ổn định trên mọi lĩnh vực, bao gồm cả nền kinh tế, với cam kết thực hiện chính sách “Ấn Độ trên hết”. Chúng tôi tin tưởng việc đầu tư vào Ấn Độ chắc chắn sẽ ổn định và mang đến lợi nhuận cao. Do đó, chúng tôi sẵn sàng thành lập một số cơ sở sản xuất nhất định tại Ấn Độ trong thời gian tới”, Tổng thống Putin tuyên bố. Ngày 2-12, Điện Kremlin xác nhận Tổng thống Putin dự kiến thăm Ấn Độ vào năm 2025 theo lời mời của Thủ tướng Modi. Trợ lý Tổng thống Nga Yury Ushakov cho biết, lịch trình cụ thể sẽ được hoàn thiện và thông báo vào đầu năm 2025.
Sáng kiến “Sản xuất tại Ấn Độ” nhằm tăng cường an ninh kinh tế và quốc gia trong khi giảm sự phụ thuộc vào các nguồn bên ngoài cho thấy ý thức tự chủ chiến lược và tự cung tự cấp cho nền kinh tế, đặc biệt trong phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng và nhu cầu hàng hóa cơ bản.
Theo Officé Pulse, chính quyền Thủ tướng Modi đang kiên định với cách tiếp cận thực tế “Ấn Độ trên hết” (Bharat First) coi trọng lợi ích và phúc lợi của quốc gia trước tiên. Việc nước này bất chấp làn sóng chỉ trích và cảnh báo các nước châu Âu để mua dầu giá rẻ của Nga phần nào chứng minh tính hiệu quả của chính sách này; qua đó giúp tăng kim ngạch thương mại song phương.
Là nước tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới, Ấn Độ phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng hơn 85% nhu cầu của mình. Nga đã trở thành nhà cung cấp hàng đầu của Ấn Độ và New Delhi thường nhấn mạnh vai trò của Moscow trong việc đảm bảo an ninh năng lượng. Các quan chức lập luận, việc Ấn Độ mua dầu và than của Nga đã giúp ổn định thị trường năng lượng toàn cầu, ngăn chặn cuộc khủng hoảng năng lượng lan rộng. Trong khi đó, cơ quan xếp hạng ICRA cho rằng Ấn Độ đã tiết kiệm khoảng 5,1 tỷ USD cho hóa đơn nhập khẩu dầu trong năm tài chính 2023 và 7,9 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm tài chính 2024 do hưởng giảm giá từ Nga. Bên cạnh đó, chính sách này cho thấy Ấn Độ thể hiện sự sẵn sàng đưa ra lập trường khi cần thiết và hoàn toàn không khuất phục trước áp lực bên ngoài. Điều này cho thấy cam kết bảo vệ và thúc đẩy lợi ích của mình trên trường quốc tế.
Cùng với “Ấn Độ trên hết” , “Thế giới là một gia đình” cũng là phương châm trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Modi, trong đó chú trọng chiến lược ngoại giao tối đa hóa quan hệ với các đối tác. Cách tiếp cận này cho phép Ấn Độ tương tác hiệu quả với nhiều quốc gia và khu vực, bảo đảm lợi ích của mình trên nhiều khía cạnh khác nhau. Nước này tích cực tham gia vào nhiều sáng kiến quốc tế đa dạng, chẳng hạn như QUAD, BRICS, I2U2, SCO và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, tập trung thúc đẩy lợi ích của mình và duy trì sự cân bằng địa chính trị trong một thế giới đang chuyển biến khó lường.
Chính sách nói trên là sự khẳng định Ấn Độ sẽ tiếp tục nỗ lực kiên định để thúc đẩy lợi ích của quốc gia trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt về kinh tế, cùng với trách nhiệm toàn cầu của mình, trong đó thúc đẩy sự vươn mình mạnh mẽ hơn của khu vực Nam bán cầu.
Mở rộng hợp tác kinh tế với Nga Hợp tác kinh tế giữa Nga và Ấn Độ đã mở rộng trong những năm gần đây, trong bối cảnh phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt đối với Moscow. Ấn Độ đã tăng cường mua dầu Nga giá rẻ bất chấp áp lực của phương Tây, đưa kim ngạch thương mại song phương vượt ngưỡng 65 tỷ USD vào năm 2023. Hai nước đang đặt mục tiêu thương mại song phương sẽ vượt mức 100 tỷ USD vào năm 2030. |
THƯ LÊ