Diễn biến tích cực trong quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ

.

Trung Quốc và Ấn Độ nhất trí sẵn sàng xây dựng lòng tin chính trị, khôi phục cơ chế đối thoại và tăng cường hợp tác khi hai bên vừa nối lại đối thoại theo cơ chế đại diện đặc biệt (SR). Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy quan hệ song phương sẽ sớm trở lại quỹ đạo phát triển.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (bên phải) gặp Cố vấn An ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval tại Bắc Kinh vào ngày 18-12. Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (bên phải) gặp Cố vấn An ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval tại Bắc Kinh vào ngày 18-12. Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc

Cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Cố vấn An ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval tại Bắc Kinh ngày 18-12 là vòng đàm phán thứ 23 theo cơ chế SR, được tổ chức sau 5 năm gián đoạn trong bối cảnh hai bên nỗ lực khôi phục quan hệ song phương vốn bị đóng băng trong hơn 4 năm do bế tắc quân sự ở Đông Ladakh (Trung Quốc gọi là Aksai Chin).

6 điểm đồng thuận

Theo Global Times, dựa trên sự đồng thuận quan trọng mà Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đạt được trong cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Nga tháng 10-2024, ông Ajit Doval và ông Vương Nghị tiến hành cuộc thảo luận sâu rộng, tích cực, thực chất về vấn đề biên giới Ấn Độ-Trung Quốc và đạt được 6 điểm đồng thuận.

Thứ nhất, hai bên đánh giá tích cực và tái khẳng định tiếp tục thực hiện các thỏa thuận về các vấn đề liên quan biên giới; khẳng định vấn đề biên giới cần được xử lý thỏa đáng xuất phát từ đại cục của quan hệ hai nước để không ảnh hưởng sự phát triển quan hệ song phương; tiếp tục thực hiện biện pháp duy trì hòa bình ở khu vực biên giới; thúc đẩy quan hệ song phương phát triển lành mạnh và ổn định. Thứ hai, tiếp tục tìm kiếm gói giải pháp công bằng, hợp lý và được các bên chấp nhận cho vấn đề biên giới theo nguyên tắc chỉ đạo chính trị được các SR của hai nước nhất trí vào năm 2005; triển khai biện pháp tích cực thúc đẩy quá trình này.

Thứ ba, đánh giá tình hình biên giới và tiếp tục hoàn thiện các quy tắc quản lý ở khu vực này, tăng cường xây dựng lòng tin và đạt được hòa bình, ổn định bền vững ở biên giới. Thứ tư, thúc đẩy trao đổi, hợp tác xuyên biên giới; nối lại hoạt động hành hương của người Ấn Độ đến Tây Tạng, phía tây nam Trung Quốc, nối lại hợp tác đường sông xuyên biên giới và hoạt động biên mậu Nathu La. Thứ năm, tăng cường xây dựng cơ chế gặp gỡ của các SR, phối hợp và hợp tác trong đàm phán ngoại giao và quân sự. Cuối cùng, nhất trí tổ chức vòng đàm phán SR mới tại Ấn Độ trong năm 2025.

Nuôi dưỡng sự tin cậy chính trị

Global Times dẫn phát biểu của ông Vương Nghị khẳng định, cuộc gặp đặc biệt này là biện pháp kịp thời và mạnh mẽ thực hiện sự đồng thuận mà lãnh đạo hai nước đạt được vào tháng 10-2024, sự kiện tạo bước tiến quan trọng trong cải thiện quan hệ. Hai nước cần áp dụng tinh thần tổng kết kinh nghiệm, hướng tới tương lai và theo đuổi sự hợp tác cùng có lợi, giao tiếp cởi mở, tăng cường lòng tin lẫn nhau, xây dựng sự đồng thuận và thúc đẩy hợp tác, đầu tư các nguồn lực quý giá vào phát triển và phục hồi.

Đồng quan điểm, ông Ajit Doval cho biết, cả Ấn Độ và Trung Quốc đều có lợi ích chung, quan điểm tương đồng và cần chung sống hòa bình, cùng phát triển. Ấn Độ sẵn sàng duy trì thái độ tích cực, giao tiếp hiệu quả với phía Trung Quốc và liên tục tích lũy các điều kiện để giải quyết vấn đề biên giới.

China Daily dẫn nhận định của nhà nghiên cứu Wang Shida tại Viện Quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc cho biết, cùng phát triển nên là mẫu số chung lớn nhất giữa hai nước láng giềng có dân số lớn. “Việc nối lại cuộc họp theo cơ chế SR gửi tín hiệu cả hai bên đều sẵn sàng và tự tin giải quyết vấn đề biên giới thông qua đàm phán”, Giáo sư Long Xingchun tại Đại học Nghiên cứu quốc tế Tứ Xuyên, phát biểu với Global Times.

Theo East Asia Forum, đối với Ấn Độ, xét về mặt chiến lược, thỏa thuận tạo điều kiện cho nỗ lực đa dạng hóa các đối tác của New Delhi. Từ năm 2020, Ấn Độ tăng cường hợp tác chiến lược với Mỹ và các quốc gia có cùng chí hướng khác. Do đó, việc hàn gắn quan hệ với Trung Quốc phù hợp mục tiêu theo đuổi “quyền tự chủ chiến lược” của Ấn Độ nhằm tránh việc trở nên quá phụ thuộc vào Mỹ. Bên cạnh đó, việc tăng cường ảnh hưởng ngoại giao ở châu Á và Nam bán cầu sẽ giúp Ấn Độ cân bằng lại áp lực hiện nay từ các cường quốc phương Tây.

Thỏa thuận này cũng hỗ trợ mục tiêu chiến lược, kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc. Về kinh tế, Trung Quốc hưởng lợi từ việc tiếp cận ổn định thị trường Ấn Độ với hơn 1,45 tỷ người và điều này càng trở nên quan trọng hơn khi căng thẳng thương mại với Mỹ và EU vẫn dai dẳng. Về ngoại giao, thỏa thuận củng cố sự thống nhất trong BRICS khi Trung Quốc và Ấn Độ đều là những thành viên quan trọng. Là hai nước đang phát triển lớn, đại diện các nền kinh tế mới nổi và là thành viên quan trọng của Nam bán cầu, sự phát triển lành mạnh và ổn định của quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ phù hợp lợi ích cơ bản của nhân dân hai nước và phù hợp với xu hướng lịch sử về sự tăng trưởng đáng kể của khu vực rộng lớn này. 

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.