Pháp và Đức là hai quốc gia chiếm một nửa nền kinh tế khu vực đồng euro (Eurozone), vốn được xem là động lực chính của Liên minh châu Âu (EU) khi đóng vai trò quan trọng trọng việc định hình các chính sách chung của khối từ việc quản lý tài chính đến giải quyết các cuộc khủng hoảng.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, những bất ổn chính trị liên tiếp xảy ra ở hai nước này. Theo RFI, ngày 4-12, lần đầu tiên một chính phủ Pháp thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ở Hạ viện sau hơn 60 năm, khiến ông Michel Barnier là thủ tướng có thời gian tại vị ngắn nhất kể từ khi nền Cộng hòa thứ 5 của Pháp bắt đầu vào năm 1958, đặt Tổng thống Emmanuel Macron vào tình thế phải bổ nhiệm người kế nhiệm mà không có sự ủng hộ của đa số trong Quốc hội. Trong khi đó, theo hiến pháp, các cuộc bầu cử không thể diễn ra trước tháng 6-2025, khiến chính phủ có khả năng tiếp tục bế tắc.
Chính phủ tan rã khiến các cải cách kinh tế quan trọng của Pháp, đặc biệt là cắt giảm thâm hụt ngân sách đình trệ. Với thâm hụt ngân sách lên tới 6,2% GDP - cao nhất trong Eurozone- quốc gia này khó có thể đáp ứng các tiêu chuẩn tài khóa mới mà EU đặt ra.
Trong khi đó Đức, nền kinh tế lớn nhất EU, không chỉ đối mặt với mức tăng trưởng chậm (dự báo chỉ 0,7% vào năm 2025) mà còn rơi vào tình trạng bất ổn chính trị sâu sắc vì tranh cãi về ngân sách dẫn đến sự sụp đổ liên minh cầm quyền do Thủ tướng Đức Olaf Scholz đứng đầu. Việc không có một chính phủ ổn định cho đến khi tiến hành bầu cử sớm vào tháng 2-2025, khiến Berlin không thể thực hiện các cam kết tài khóa hay đóng vai trò dẫn dắt trong các sáng kiến lớn của EU.
Những bất ổn diễn ra nhanh chóng và đồng thời của chính phủ tại hai nền kinh tế then chốt EU trong thời điểm trên thế giới có nhiều biến động phức tạp, đang tạo mối đe dọa có thể phá hủy tiến trình phục hồi kinh tế vốn đã mong manh và vị thế chiến lược của “lục địa già” trên trường quốc tế.
Financial Times dẫn lời quyền Chủ tịch Quỹ Marshall Đức tại Mỹ Alexandra de Hoop Scheffer cho biết: “Mối lo lớn nhất của châu Âu hiện nay là xung đột ở Ukraine, đặc biệt trong bối cảnh ông Donald Trump sắp bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng. Có nhiều lo ngại rằng chính quyền ông Trump có thể đưa ra các thỏa thuận bất lợi cho châu Âu”.
Mối lo hàng đầu hiện nay của EU là việc tài trợ cho Ukraine, cũng như việc tranh cãi về ngân sách và chi tiêu quốc phòng đặt ra thách thức nhất định. EU cần tới 500 tỷ euro (528 tỷ USD) trong thập kỷ tới để đối phó với mối đe dọa từ bên ngoài và buộc các nước thành viên EU trong Tổ chức Bắc Đại Tây Dương (NATO) phải chi 2% GDP cho ngân sách quốc phòng trước lời đe dọa của Mỹ.
Vấn đề kinh tế cũng là bài toán vô cùng hóc búa đối với EU. Bên cạnh vấn đề năng lượng vẫn còn bấp bênh là sự suy giảm mạnh lĩnh vực công nghiệp. Chỉ riêng ngành ô-tô EU đang vật lộn với những thay đổi mạnh mẽ, nhất là trên thị trường xe điện và sức cạnh tranh suy giảm trên thị trường toàn cầu. Trước đó, trong cuộc trao đổi với NBC, ông Trump đề xuất đánh thuế 10% đối với hàng hóa từ châu Âu. Mới đây ông còn nhấn mạnh: “Các quốc gia châu Âu lợi dụng chúng ta (Mỹ) về thương mại, nghĩa là họ không mua ô-tô, thực phẩm của chúng ta...”.
Diễn biến đó cho thấy xung đột thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương trong thời gian đến là điều khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, nếu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung xảy ra thì EU cũng hứng chịu hệ lụy trong khi quan hệ hợp tác thương mại với Trung Quốc - đối tác lớn của EU - đang suy giảm đáng kể khi khối đang tìm cách để giảm rủi ro từ căng thẳng địa chính trị.
Rõ ràng, đúng như nhận định của Achim Wambach, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu kinh tế châu Âu do Reuters trích dẫn: “Sự khủng hoảng chính trị của Pháp và Đức không chỉ làm suy yếu EU mà còn tạo điều kiện cho các cường quốc bên ngoài gia tăng ảnh hưởng tại châu Âu”. Do vậy, nỗ lực nhanh chóng ổn định tình hình chính trị ở Paris và Berlin trong những tháng tới là “chìa khóa” để EU chống chọi với hàng loạt thách thức nghiêm trọng đang đặt ra.
LÊ MINH HÙNG