Hàng hóa toàn cầu tiếp tục giảm giá trong năm 2025

.

Theo dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), giá hàng hóa toàn cầu sẽ giảm 5% trong năm 2025 và tiếp tục giảm thêm 2% vào năm 2026, sau khi đã giảm 3% trong năm 2024.

Xu hướng giảm giá hàng hóa được kỳ vọng hỗ trợ kiểm soát lạm phát toàn cầu.   Ảnh (minh họa): AFP
Xu hướng giảm giá hàng hóa được kỳ vọng hỗ trợ kiểm soát lạm phát toàn cầu. Ảnh minh họa: AFP

Đây sẽ là mức giảm sâu nhất kể từ năm 2020 và đưa chỉ số giá hàng hóa tổng hợp xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua, theo báo cáo Triển vọng thị trường hàng hóa 2024 của WB.

Năng lượng dẫn dắt xu hướng giảm giá

Trong bức tranh giảm giá tổng thể này, thị trường dầu mỏ đóng vai trò dẫn dắt quan trọng. Dầu thô Brent, loại dầu được coi là thước đo của thị trường dầu mỏ toàn cầu, dự kiến giảm từ mức trung bình 80 USD/thùng năm 2024 xuống còn 73 USD/thùng năm 2025 và 72 USD/thùng năm 2026. Đây sẽ là năm thứ tư liên tiếp giá dầu giảm kể từ mức đỉnh năm 2022.

Xu hướng giảm giá dầu được hỗ trợ bởi những thay đổi cơ bản trong cung cầu toàn cầu. Về cầu, WB ghi nhận nhu cầu dầu mỏ chậm lại đáng kể. Tiêu thụ dầu dự kiến chỉ tăng khoảng 1 triệu thùng/ngày trong năm 2024-2025, tốc độ tăng trưởng dưới 1% - thấp hơn nhiều so với mức tăng 2 triệu thùng/ngày trong năm 2023. Đáng chú ý, đà tăng trưởng tiêu thụ dầu toàn cầu giảm liên tục trong thập kỷ qua. Về cung, thị trường đang chứng kiến sự đa dạng hóa mạnh mẽ của nguồn cung với sự vươn lên của các nước ngoài nhóm OPEC+. Sản lượng dầu toàn cầu dự kiến đạt khoảng 105 triệu thùng/ngày năm 2025, tăng 2 triệu thùng/ngày so với năm 2024. Phần lớn mức tăng này đến từ Brazil, Canada, Guyana và Mỹ, trong khi sản lượng của OPEC+ chỉ tăng nhẹ.

Một yếu tố quan trọng khác góp phần vào áp lực giảm giá dầu là khả năng điều tiết cung lớn chưa từng có của OPEC+. Tổ chức này đang nắm giữ công suất dự phòng tương đương hơn 7% sản lượng toàn cầu, gấp đôi mức trung bình giai đoạn 2017-2019. Điều này có nghĩa OPEC+ hoàn toàn có khả năng tăng sản lượng đáng kể nếu muốn giành lại thị phần.

Thị trường khí đốt tự nhiên cho thấy sự phân hóa rõ rệt. Giá khí đốt châu Âu dự kiến giảm 18% năm 2024 nhờ tái cấu trúc nguồn cung, nhưng sẽ tăng 7% năm 2025 trước khi giảm nhẹ vào 2026. Trong khi đó, giá khí đốt Mỹ giảm năm 2024 do sản xuất dồi dào và tồn kho cao, nhưng sẽ tăng mạnh từ 2025-2026 khi cơ sở hạ tầng mới giúp Mỹ đẩy mạnh xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu toàn cầu.

Thị trường hàng hóa phân hóa mạnh

Đối với thị trường kim loại, xu hướng cũng không đồng nhất. Sau khi tăng 6% trong năm nay, giá kim loại cơ bản dự kiến ổn định trong năm 2025 trước khi giảm 3% vào năm 2026. Điều này phản ánh mức tăng trưởng công nghiệp vừa phải tại các nền kinh tế lớn, đặc biệt là Trung Quốc.

Trong khi đó, giá vàng lại cho thấy xu hướng hoàn toàn khác. Sau khi tăng mạnh 21% trong năm 2024, giá vàng được dự báo duy trì ở mức cao kỷ lục trong những năm tới, phản ánh nhu cầu trú ẩn an toàn gia tăng trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và áp lực lạm phát.

Trên thị trường nông sản, xu hướng giảm giá cũng đang chiếm ưu thế. Sau khi tăng nhẹ trong năm 2024, giá nông sản dự kiến sẽ giảm 4% trong năm 2025, chủ yếu nhờ nguồn cung tăng trong điều kiện thời tiết thuận lợi. Đáng chú ý, giá lương thực, gồm gạo, ngũ cốc, dầu ăn và các thực phẩm khác, dự kiến giảm tới 9% năm 2024, sau đó giảm thêm 4% năm 2025.

Xu hướng giảm giá này có thể giúp cải thiện khả năng tiếp cận lương thực, đặc biệt tại các nền kinh tế đang phát triển. Tuy nhiên, WB cảnh báo mối quan hệ giữa giá lương thực toàn cầu và tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng phức tạp do các cuộc xung đột, thiên tai và các cú sốc kinh tế cục bộ. Trong bối cảnh đó, WB dự báo số người thiếu dinh dưỡng toàn cầu, một thước đo quan trọng về nạn đói, sẽ tăng lên 735 triệu người vào năm 2025. Con số này chiếm hơn 9% dân số thế giới và thể hiện một thực tế đáng lo ngại là tình trạng đói nghèo không giảm kể từ năm 2017.

Về rủi ro cho dự báo, nguy cơ leo thang xung đột ở Trung Đông là mối đe dọa lớn nhất có thể đẩy giá năng lượng tăng cao trong ngắn hạn, với tác động lan tỏa các mặt hàng khác. Bên cạnh đó, chính sách kích thích mạnh mẽ hơn từ Trung Quốc và tăng trưởng vượt kỳ vọng của Mỹ cũng có thể đẩy giá hàng hóa tăng. Song, về dài hạn, xu hướng giảm giá chiếm ưu thế, đặc biệt trên thị trường dầu mỏ khi OPEC+ có thể dỡ bỏ cắt giảm sản lượng, tạo nguồn cung dồi dào. Ngoài ra, nhu cầu năng lượng và kim loại có thể giảm do hoạt động công nghiệp toàn cầu yếu.

Xu hướng giảm giá hàng hóa được kỳ vọng hỗ trợ kiểm soát lạm phát toàn cầu. Giá năng lượng và lương thực giảm sẽ kéo giá tiêu dùng xuống, đặc biệt tại các nền kinh tế đang phát triển, nơi thực phẩm và năng lượng chiếm tỷ trọng lớn trong chi tiêu.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.