Tổng thống Prabowo Subianto đang định hình lại cách thức Indonesia ưu tiên ngân sách nhà nước với giáo dục thay thế quốc phòng trở thành “lá chắn” quan trọng nhất trước nghèo đói và bất ổn xã hội.
Một giáo viên tại một trường trung học dạy nghề ở Banda Aceh (Indonesia) nhận chiếc bánh từ học sinh nhân dịp ngày Nhà giáo của nước này, 25-11. Ảnh: AFP/Chaideer Mahyuddin |
“Nhiều quốc gia như Mỹ và Ấn Độ dành phân bổ lớn nhất ngân sách cho quốc phòng. Trong khi đó, Indonesia lại làm ngược lại, dành đầu tư lớn nhất cho giáo dục”, Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto đã nói như vậy trong bài phát biểu tại Jakarta ngày 10-12, theo The Jakarta Post. Ông khẳng định, đây là quyết định mang tính chiến lược nhằm giải quyết nghèo đói và bất bình đẳng, xem đây là “chìa khóa” cho tương lai bền vững của Indonesia.
Cao nhất từ trước đến nay
Theo Antara News, điều này cũng hoàn toàn thống nhất với tuyên bố đưa ra trước đó tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rio de Janeiro vào tháng 11-2024 của Tổng thống Prabowo Subianto: “Trong ngân sách quốc gia, tôi muốn chi tỷ lệ rất cao cho giáo dục bởi tôi tin rằng giáo dục sẽ đưa chúng ta thoát khỏi đói nghèo”.
Con số được công bố ngay sau đó càng khiến nhiều người bất ngờ: 724.300 nghìn tỷ rupiah (khoảng 45,7 tỷ USD) sẽ được đầu tư cho giáo dục trong năm 2025, tăng 8,9% so với năm 2024. Đây không chỉ là con số kỷ lục trong lịch sử Indonesia mà còn là khoản đầu tư lớn nhất trong ngân sách quốc gia, vượt qua cả ngân sách quốc phòng, phản ánh cam kết mạnh mẽ của chính quyền với giáo dục.
Đáng chú ý, theo The Jakarta Post, trong tổng ngân sách này, 81.600 tỷ rupiah (khoảng 5,14 tỷ USD) sẽ được dành riêng cho phúc lợi giáo viên, tăng 16.700 tỷ rupiah so với trước. Đây là quyết định đột phá, thể hiện quan điểm của chính phủ về vai trò then chốt của đội ngũ giáo viên trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Theo Channel News Asia (CNA), tại buổi lễ ngày Nhà giáo quốc gia ở Đông Jakarta ngày 29-11, Tổng thống Prabowo Subianto xúc động tuyên bố: “Mặc dù mới nhậm chức được một tháng, chúng tôi rất vui mừng được thông báo về việc cải thiện phúc lợi cho giáo viên”. Ông nhấn mạnh vai trò quan trọng của giáo viên trong việc xây dựng một hệ thống giáo dục quốc gia tốt.
Cải cách toàn diện từ gốc
Nhìn lại một loạt các động thái trước đó, có thể thấy bước đi đầu tiên trong chiến lược cải cách giáo dục của Indonesia là việc tái cơ cấu toàn bộ bộ máy quản lý. Theo trang web của Hội đồng Anh (British Council), Bộ Giáo dục, Văn hóa, Nghiên cứu và Công nghệ trước đây của Indonesia được tách thành ba đơn vị riêng biệt: Bộ Giáo dục tiểu học và Trung học, Bộ Giáo dục Đại học-Khoa học-Công nghệ, và Bộ Văn hóa. Động thái này nhằm tạo ra sự chuyên môn hóa và tập trung cao hơn cho từng lĩnh vực.
Một trong những thách thức lớn nhất mà hệ thống giáo dục Indonesia đang phải đối mặt là chất lượng đội ngũ giảng dạy. Hiện có 249.623 giáo viên chưa có bằng cao đẳng hoặc đại học, theo The Jakarta Post. Để giải quyết vấn đề này, chính phủ đã công bố kế hoạch hỗ trợ giáo viên tiếp tục học tập để đạt được bằng cao đẳng và cử nhân. Song song với nâng cao trình độ, chính phủ cũng đưa ra chính sách đột phá về phúc lợi cho giáo viên.
Từ năm 2025, theo CNA, giáo viên công lập ở Indonesia được tăng 100% lương cơ bản, trong khi giáo viên trường tư sẽ nhận phụ cấp hằng tháng 2 triệu rupiah ngoài lương cơ bản. Chương trình Giáo dục nghề giáo viên (PPG) sẽ được triển khai cho 806.486 giáo viên trường công và tư thục đạt đủ tiêu chuẩn giáo dục. Đây là bước đi quan trọng trong việc chuẩn hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng dạy trên toàn quốc.
Tại hội nghị thượng đỉnh G20, Tổng thống Prabowo khẳng định rõ mối liên hệ giữa giáo dục và xóa đói giảm nghèo. Ông nhấn mạnh: “Với một quốc gia như Indonesia, việc chống đói nghèo là cực kỳ quan trọng đối với lợi ích quốc gia”, trang prabowosubianto.com trích dẫn. Một trong những sáng kiến quan trọng trong chiến lược này là Chương trình Bữa ăn dinh dưỡng miễn phí cho trẻ em. Antara News dẫn giải thích của Tổng thống Prabowo Subianto: “Bữa ăn miễn phí cho trẻ em là một phần quan trọng trong chiến lược của chúng tôi, cũng là cách để trao quyền cho thế hệ trẻ hiểu được lợi ích của giáo dục”. Đây là bước đi thiết thực, nhằm giải quyết thực trạng 25% trẻ em Indonesia đang phải đối mặt với nạn đói mỗi ngày.
Indonesia đang đặt nền móng cho cuộc cách mạng giáo dục thực sự nhằm vẽ ra viễn cảnh đầy tham vọng cho tương lai đất nước. Song, có một điều rõ ràng: Indonesia đã chọn con đường riêng của mình: ưu tiên đầu tư cho giáo dục thay vì quốc phòng, tập trung vào phát triển con người thay vì chạy đua vũ trang. Trong bối cảnh thế giới đang ngày càng bất ổn, đây có lẽ là một bài học đáng suy ngẫm cho nhiều quốc gia đang phát triển khác.
TRẦN ĐẮC LUÂN