Liên Hợp Quốc thông qua "Công ước Hà Nội" về tội phạm mạng

.

Hàng tỷ người toàn cầu sẽ hưởng lợi từ sự an toàn trong thế giới thực và trực tuyến sau khi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) thông qua hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý về tội phạm mạng ngày 24-12-2024 và chọn thành phố Hà Nội (Việt Nam) là nơi đăng cai lễ ký kết vào năm 2025. Đây là lần đầu tiên một địa điểm của Việt Nam được ghi danh và gắn với điều ước đa phương toàn cầu liên quan lĩnh vực quan trọng được cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm.

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đồng thuận thông qua “Công ước Hà Nội” về tội phạm mạng. Ảnh: UN News
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đồng thuận thông qua “Công ước Hà Nội” về tội phạm mạng. Ảnh: UN News

Thỏa thuận bước ngoặt

Công ước LHQ về Tội phạm mạng (“Công ước Hà Nội”) gồm 9 chương và 71 điều là kết quả của 5 năm thương lượng liên tục và kéo dài giữa các quốc gia thành viên, nhằm xây dựng khuôn khổ pháp lý đa phương toàn diện, bao trùm nhằm ứng phó với những mối đe dọa ngày càng tăng trên không gian mạng. Đây cũng là lần đầu tiên sau gần 20 năm cộng đồng quốc tế mới có thêm một khuôn khổ pháp lý đa phương để xử lý tội phạm trong không gian mạng, mở ra chương mới trong hợp tác giữa các quốc gia với nhiều ý nghĩa quan trọng. Công ước sẽ có hiệu lực sau 90 ngày kể từ khi được bên ký kết thứ 40 phê chuẩn.

UN News chỉ ra 5 lý do chính tại sao thỏa thuận mang tính bước ngoặt này lại quan trọng đối với nhân loại. Thứ nhất, công ước được xem là công cụ quan trọng để chống lại mối đe dọa đang gia tăng về tội phạm mạng cả về quy mô, mức độ phức tạp và phạm vi tác động.

Tội phạm mạng tăng kỷ lục 75% trong quý 3-2024 so với cùng kỳ năm trước, ước tính gây thiệt hại cho kinh tế thế giới khoảng 8.000 tỷ USD trong năm 2023 và dự báo lên đến 10.500 tỷ USD vào năm 2025, lớn hơn GDP của hầu hết các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thứ hai, các quốc gia tham gia sẽ hưởng lợi từ “mạng lưới 24/7” để thúc đẩy hợp tác quốc tế, cho phép hỗ trợ điều tra, truy tố, thu hồi tiền thu được từ tội phạm, hỗ trợ pháp lý và dẫn độ. Thứ ba, đây là hiệp ước toàn cầu đầu tiên giải quyết cụ thể vấn đề bạo lực tình dục đối với trẻ em được thực hiện bằng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT).

Thứ tư, khuyến khích các quốc gia cung cấp cho nạn nhân quyền truy cập vào các dịch vụ phục hồi, bồi thường, hoàn trả và xóa nội dung bất hợp pháp, tùy theo luật pháp của mỗi quốc gia. Thứ năm, kêu gọi các quốc gia xây dựng các chiến lược phòng ngừa toàn diện, gồm đào tạo cho khu vực công và tư, chương trình phục hồi và tái hòa nhập cho người phạm tội, và hỗ trợ cho nạn nhân.

Dấu ấn Việt Nam

Dư luận quốc tế hoan nghênh việc thông qua công ước. Theo UN News, ngày 24-12, Tổng Thư ký LHQ António Guterres nhấn mạnh văn kiện là minh chứng cho thấy chủ nghĩa đa phương đang đi đúng hướng ở những thời điểm khó khăn và phản ánh ý chí chung của các thành viên LHQ trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm ngăn chặn và đương đầu với tội phạm mạng.

Bà Ghada Waly, Giám đốc điều hành Văn phòng LHQ về chống ma túy và tội phạm (UNODC), cho biết cơ quan này sẵn sàng hỗ trợ các quốc gia thành viên ký kết, phê chuẩn và thực hiện công ước bằng cách cung cấp các công cụ hỗ trợ xây dựng năng lực để bảo vệ kinh tế và lĩnh vực kỹ thuật số khỏi tội phạm mạng.

Trả lời phỏng vấn báo chí nhân sự kiện này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nói rõ hơn về ý nghĩa của công ước. Văn kiện này tạo khuôn khổ pháp lý đầu tiên ở cấp độ toàn cầu cho không gian mạng, khẳng định yêu cầu phải có sự tham gia của tất cả các quốc gia trong phòng, chống tội phạm mạng. Thứ hai, không chỉ thể hiện quan điểm, lợi ích của các nước phát triển mà còn phản ánh quan điểm, lợi ích của cả các nước đang phát triển, vốn gặp bất lợi trong quản trị công nghệ toàn cầu. Thứ ba, khẳng định vai trò trung tâm của LHQ trong điều phối nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế để ứng phó với tội phạm mạng.

Theo TTXVN, việc LHQ lựa chọn Hà Nội làm địa điểm tổ chức lễ mở ký công ước năm 2025 là dấu ấn quan trọng trong lịch sử đối ngoại đa phương của Việt Nam và 47 năm quan hệ đối tác Việt Nam-LHQ. Điều này phản ánh vị thế, uy tín quốc tế ngày càng cao của đất nước, cũng như sự tham gia đóng góp tích cực, trách nhiệm và thực chất của Việt Nam trong quá trình đàm phán công ước.

Đây cũng là cơ hội để Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò thành viên có trách nhiệm, tin cậy của cộng đồng quốc tế, tích cực thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tham gia dẫn dắt quá trình xây dựng và định hình các khuôn khổ quản trị số toàn cầu, bảo đảm an ninh mạng và chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, tạo tiền đề triển khai thành công chiến lược chuyển đổi số để đưa đất nước sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.